Trong bài viết có tiêu đề Châu Âu lo ngại khoảng trống quyền lực ở Berlin, nhật báo Le Monde (Pháp) số phát hành tuần qua khẳng định rằng việc Đức không thành lập được chính phủ mới sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của cả EU.
Bài viết ghi nhận nước Đức vừa chìm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và cả châu Âu sẽ bị đình đốn. Cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh tại Berlin bị dừng lại, bà Thủ tướng Angela Merkel mất ảnh hưởng, tình hình bất trắc đang vượt ra ngoài sông Rhin và sông Oder, tức hai đường biên giới đông – tây của nước Đức, đó là một tin xấu cho Liên minh châu Âu.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào lúc châu Âu đang khởi sắc sau mười năm không ngừng giải quyết các cuộc khủng hoảng, hết đồng euro đến nợ công, rồi cuộc khủng hoảng người tỵ nạn, vụ Brexit, trong khi nhiều quốc gia thành viên phải đối mặt với các vụ khủng bố thường xuyên xảy ra. Cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra ở Đức như một gáo nước lạnh dội xuống EU bởi Đức không chỉ là nền kinh tế hàng đầu mà còn là trọng tâm ổn định của EU và đối tác quan trọng của Pháp trong tổng thể các dự án ở châu Âu.
Từ mười năm nay, bà Merkel được xem là người phụ nữ có quyền lực nhất thế giới giờ đây đang trở thành người bất lực nhất trong các lãnh đạo châu Âu. Trong bối cảnh đang phải đàm phán về Brexit và lập lại nền móng cho EU, nước Đức có thể còn bị tê liệt nhiều tháng. Với châu Âu, cuộc khủng hoảng tại Đức là một tai hại, những ngày tới đây cả châu Âu sẽ lo lắng theo dõi cuộc chạy đua với thời gian của bà thủ tướng Đức để cứu vãn thất bại trong việc duy trì quyền lực.
Được biết bà Merkel đã không thành công trong việc thương lượng thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 24-9. Sự kiện được chú ý khi ngày 19-11, đảng Dân chủ Tự do (FDP) quyết định ngưng các cuộc đàm phán kéo dài từ hơn một tháng qua với đảng Xanh và đảng CDU-CSU (Dân chủ Cơ đốc giáo – Xã hội Cơ đốc giáo) của bà Merkel để thành lập một chính phủ liên minh. Bế tắc này dẫn tới khả năng tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội mới, mà hậu quả là rất có thể bà Merkel phải rời bỏ chức vụ sau 12 năm cầm quyền. Trong trường hợp như vậy, giới quan sát lo ngại đảng cực hữu AfD trỗi dậy mạnh hơn khi lần đầu tiên có mặt ở Quốc hội Đức sau nửa thế kỷ. Trong cuộc bầu cử này, Liên minh của bà Merkel được 32,5% phiếu bầu, thấp hơn tỷ lệ 41,5% của lần bầu cử hồi năm 2013, nhưng vẫn đủ phiếu để tiếp tục một nhiệm kỳ thủ tướng, đảng Dân chủ xã hội (SPD) chiếm 20%, gây chấn động là đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD) giành được vị trí thứ ba với 13% phiếu trong quốc hội.