Một bài viết trên trang Mondialisation cho biết nhiều nước thuộc liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về dòng chảy thương mại một chiều trên những con đường giao thương mới mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng ở châu Âu.
Trong số 28 đại sứ các nước EU tại Bắc Kinh, chỉ trừ đại sứ Hungary, còn lại tất cả cùng ký tên vào một báo cáo nội bộ có nội dung cảnh báo Con đường tơ lụa mới như một mối đe dọa tiềm ẩn đối với tự do thương mại, tạo điều kiện cho việc cạnh tranh không lành mạnh của các tập đoàn Trung Quốc. Báo cáo được tờ báo kinh tế Đức nổi tiếng Handelsbatt tiết lộ, một nhà ngoại giao tại Brussels cũng xác nhận sự tồn tại của báo cáo này.
Báo cáo đã chỉ ra cách thức làm thế nào mà Trung Quốc, thông qua con đường tơ lụa mới, được gọi là Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) có thể tiếp tục các mục đích chính trị quốc gia của họ như tiết giảm lượng sản xuất dư thừa hay mở ra các thị trường xuất khẩu mới và nhất là đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu. Mục đích này được Bắc Kinh tích hợp vào BRI ngay từ đầu. Xét cho cùng bản thân khái niệm trên đã được lưu truyền tại Bộ Thương mại Trung Quốc, trước khi ông Tập Cận Bình thông báo chính thức ở Astana (thủ đô Kazakhstan) và Jakarta (thủ đô Indonesia) vào năm 2013.
Bắc Kinh đang nhắm đến việc trở thành đầu tàu thế giới về công nghệ cao trong khoảng thời gian dưới bảy năm. Chương trình “Made in China 2015” đã xác định 10 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, trong đó có trí tuệ nhân tạo, người máy, vũ trụ, ôtô thân thiện với môi trường, vận tải biển, đóng tàu…
Thương mại song phương Trung Quốc – Đức đạt 187 tỉ euro năm 2017, lớn hơn cả tổng kim ngạch thương mại Pháp – Trung và Anh – Trung cộng lại. Và tất nhiên Berlin lo lắng vì điều này. “Made in China 2015” có thể đe dọa nghiêm trọng đến các doanh nghiệp Đức chất lượng cao chuyên sản xuất những dòng sản phẩm cao cấp. Thomas Bauer, Tổng giám đốc của Tập đoàn Bauer từng tuyên bố cạnh tranh với Trung Quốc sẽ không phải là một cuộc chiến chống những người chỉ biết sao chép mà đó sẽ là cuộc chiến với những kỹ sư sáng tạo và tài năng.
Cùng với đó, báo cáo Blue China đã nhấn mạnh rằng sự phát triển của con đường tơ lụa trên biển có thể còn quan trọng hơn vành đai trên đất liền. Báo cáo thừa nhận “con đường tơ lụa trên biển” đã thực sự gây nhiều ảnh hưởng lên EU trong các lĩnh vực thương mại biển hay công nghiệp đóng tàu, đồng thời đặt ra các vấn đề về sự hiện diện ngày càng tăng trên thế giới của Hải quân Trung Quốc. Con đường tơ lụa trên biển được xem như là mô hình “kinh tế xanh” của Trung Quốc. Kinh tế xanh xuất hiện rõ nét trong “Made in China 2015” nhất là về sáng tạo trong các lĩnh vực hạ tầng, cầu cảng và vận tải biển.
Trong tình hình hiện nay, nền hành chính quan liêu của EU gây ra mối lo sợ về khả năng bị mắc kẹt giữa “Trung Quốc công nghệ cao” và “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Điều này dường như là một vấn đề khó tránh khỏi trong cuộc xung đột địa chiến lược giữa BRI với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở được đặt dưới sự kiểm soát của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay Úc. Quả thực, đây hơn cả một dự án khổng lồ về hội nhập kinh tế Á – Âu, nó còn là một cuộc tập dợt đội hình ấn tượng trên Biển Đông.
Chắc chắn sẽ có một hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc vào tháng 7 tới, tiếp theo là thượng đỉnh Đức – Trung Quốc. Tại đó, nhiều vấn đề chưa từng công khai có thể được tiết lộ.