Để có thể đáp ứng được các tiêu chí do Liên Hiệp Quốc đặt ra trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ngày nay, các nước đang phát triển cần thực hiện những cách tân trong các lĩnh vực: năng lượng tái sinh, sản xuất thực phẩm, bảo tồn nguồn nước, giáo dục và y tế. SDGs kế tục các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ kết thúc vào cuối năm 2015 và gồm có 17 mục tiêu, trong đó chú trọng đặc biệt đến ba lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và triệt tiêu đói nghèo vào năm 2030. Theo tổ chức Viễn cảnh Phát triển châu Á (ADO), 45 nền kinh tế đang phát triển ở châu lục này sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2014 và 6,4% trong năm 2015. Nhiều nước châu Á đang trở thành những đối thủ cạnh tranh với các nền kinh tế phương Tây, chẳng hạn Trung Quốc đang là nhà cách tân chính trong các lĩnh vực máy bay không người lái, hàng không dân sự, công nghệ sinh học và vô tuyến viễn thông. Hiện nay, ở châu Á, những nước được xếp hàng đầu về mặt cách tân, ngoài Trung Quốc còn có Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Theo tổ chức Chỉ số Cách tân Toàn cầu (GII), trong số những nước đông dân, Indonesia, Philippines và Việt Nam đang có tiềm năng trở thành những quốc gia cách tân trong lĩnh vực kinh tế.
Châu Á – Thái Bình Dương tiêu thụ gần 46% năng lượng do pin quang điện cung cấp
Bên cạnh đó, châu Á còn nhiều mặt yếu kém có thể làm ảnh hưởng đến quá trình cách tân của nhiều nước. Số người sống trong các khu ổ chuột trên thế giới đang phát triển đã tăng từ 650 triệu người vào năm 1990 lên 863 triệu người năm 2012, trên 50% số này thuộc về châu Á. Không những thế, 56% số thành phố lớn nhất trên thế giới nằm ở châu Á và trong top 10 megacity (thành phố trên 10 triệu dân) thì châu Á chiếm đến bảy. Những yếu tố trên đã kìm hãm năng lực cách tân và đà tăng trưởng của những nước đông dân tại châu lục này.
Theo các nhà nghiên cứu, những nước châu Á muốn phát triển bền vững tối thiểu phải cách tân trong hai lĩnh vực quan trọng là năng lượng tái sinh và cải thiện nguồn nước. Năm 2011, trong mức độ thiệt hại 366 tỉ USD do sự thay đổi khí hậu toàn cầu gây ra, các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương gánh hết 80%, nhiều nước phải đương đầu với những cú sốc lớn về thực phẩm và năng lượng. Để đối phó với những nguy cơ này, sự cách tân về công nghệ năng lượng tái sinh là một trong các yêu cầu khẩn thiết của các nước châu Á. Theo một phân tích mới của Công ty Frost & Sullivan, vào năm 2020, thị trường pin quang điện mặt trời sẽ đạt doanh số 137,02 tỉ USD. Hằng năm, các nước châu Á – Thái Bình Dương tiêu thụ gần 46% khối lượng này, trong đó dẫn dầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Giá cả các panel pin mặt trời đang ngày càng giảm, các nhà sản xuất cần cải tiến công nghệ và tập trung vào lĩnh vực này để đạt hiệu quả hoạt động cao. Về cải thiện nguồn nước, sự khan hiếm nguồn nước sạch cho tiêu dùng và sản xuất đòi hỏi các nước châu Á – Thái Bình Dương phải cách tân các công nghệ tưới tiêu, thanh lọc nước và tái sinh nguồn nước đã sử dụng. Mặt khác, công nghệ biến nước mặn thành nước ngọt cũng đang được nhiều nước chú trọng.
Để giúp các nước châu Á thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã khai triển một một hệ thống xây dựng nguyên mẫu và thử nghiệm 16 ý tưởng mới cho riêng khu vực này. Theo báo cáo của GII, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan đang chứng tỏ sự tiến bộ thông qua những cải tiến các khung định chế, một lực lượng lao động có kỹ năng, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đầu tư tín dụng toàn cầu và các thị trường thương mại. Nhiều công dân châu Á thành đạt từng làm việc trong các tập đoàn lớn, hay các trường đại học nổi tiếng trên thế giới nay đã trở về nước để góp sức vào công cuộc phát triển chung. Họ sẽ là những hạt nhân quan trọng cho công cuộc cách tân trên xứ sở của họ.
Lê Nguyễn tổng hợp