Đến hẹn lại lên, đây là lần thứ năm Biennale Mỹ thuật Trẻ 2019 đến với công chúng sau bốn lần tổ chức vào các năm 2009, 2011, 2013, 2017 (gián đoạn một kỳ – năm 2015 vì thiếu… kinh phí).
Năm nay, triển lãm lưỡng niên mỹ thuật trẻ vẫn diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 20-4 đến 3-5-2019) với một “tinh thần mới” như mong muốn của các đơn vị tổ chức: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Với xuất phát điểm là một triển lãm thường niên của các nghệ sĩ trẻ, có cả sinh viên mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, dần dà sân chơi này được mở rộng hơn, đón nhận sự góp mặt của các bạn trẻ từ nhiều địa phương trong nước để hôm nay đã lớn mạnh, trở thành một thương hiệu nghệ thuật, một “diễn đàn nghệ thuật đương đại có tầm hoạt động và sức hút trên toàn quốc” như các đơn vị tổ chức đã khẳng định cùng với thông điệp “Tinh thần mới”, qua đó thu hút các nghệ sĩ trẻ giàu sức sáng tạo, không ngừng tiếp thu những giá trị mới để xây dựng cho mình bản lĩnh và phong cách nghệ thuật.
Được khởi động từ nhiều tháng trước, sau vòng sơ tuyển các tác phẩm gửi đến tham dự một sự kiện mỹ thuật có quy mô đáng kể, ban tổ chức Biennale Mỹ thuật Trẻ 2019 đã chọn được 186 tác phẩm gồm tranh, tượng, sắp đặt… của 146 tác giả và nhóm tác giả cả nước vào vòng trong; đến vòng triển lãm còn “trụ” lại được 135 tác phẩm của hơn 100 tác giả.
Tất cả được trưng bày trong toàn bộ các phòng ở tầng trệt của khu nhà triển lãm mà nếu xem một cách cẩn trọng phải mất nhiều giờ bởi sự phong phú của các loại hình tác phẩm, sự đa dạng của phong cách nghệ thuật với không ít sự kiếm tìm rất đáng chú ý.
Và như tên gọi, cũng có thể thấy được chất trẻ trung, tươi mới, đầy sức sống của triển lãm lưỡng niên này. Rõ nhất là những thể nghiệm – có thể chưa thật sự chín muồi, cách diễn đạt có phần rối rắm – nhưng vẫn cho thấy sự tự tin khi đưa ra ý tưởng mới, với một số cách tạo hình khá táo bạo, sử dụng nhiều chất liệu tổng hợp, không truyền thống.
Đề tài tác phẩm nhìn chung phản ánh cuộc sống ngày thường của giới trẻ hôm nay, không thiếu cái “thế giới ảo” trong đời thật, những mối quan tâm về môi trường sinh thái đang bị hủy hoại… Bên cạnh đó không thiếu tranh trừu tượng, siêu thực.
Có thể nhìn thấy các nghệ sĩ trẻ sử dụng hầu hết các chất liệu tạo hình để khắc họa ý tưởng và bày tỏ cảm xúc. Có khá nhiều tranh sơn mài khổ lớn đòi hỏi công sức thực hiện.
Dù chỉ có hai tác phẩm sắp đặt nhưng sự xuất hiện của loại hình nghệ thuật đương đại này tại triển lãm lưỡng niên trẻ 2019 rất đáng khích lệ vì bản thân thuật ngữ “biennale” đã mang nội hàm về nghệ thuật đương đại.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho tác phẩm Di sản mới – bộ tranh sơn dầu năm bức khổ lớn (mỗi bức có kích thước 90 x 270cm) của Nguyễn Thái Thăng; hai giải nhì thuộc về bức Hello, goodbye (chất liệu tổng hợp) của Đỗ Hiệp và điêu khắc Rừng già (hàn kim loại) của Trần Đình Thắng cùng ba giải ba, năm giải khuyến khích và ba giải triển vọng.
Thế nào là biennale?
Thật ra Biennale Mỹ thuật Trẻ TP. Hồ Chí Minh chỉ đơn thuần là một “triển lãm lưỡng niên”. Còn “biennale” trong tiếng Ý là từ chỉ các sự kiện diễn ra hai năm một lần nhưng đã thành một thuật ngữ được dùng chủ yếu trong thế giới nghệ thuật để mô tả các triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế có quy mô rất lớn, mà ví dụ tiêu biểu nhất, được biết đến rộng rãi nhất là Venice Biennale ở Ý, được tổ chức lần đầu tiên năm 1895, sớm nhất trong số các triển lãm lưỡng niên quốc tế.
Cũng từ khởi đầu đó, thuật ngữ biennale được dùng cho nhiều sự kiện nghệ thuật quốc tế cũng có khung thời gian tổ chức tương tự, chẳng hạn Biennale de Paris (Pháp), Biennale de Montreal (Canada), Athens Biennale (Hy Lạp), Kochi-Muziris Biennale (Ấn Độ), Shanghai Biennale (Trung Quốc)…
Ngay từ lúc ban đầu cách đây đã hơn 110 năm, Venice Biennale đã giống như một hội chợ triển lãm quốc tế về nghệ thuật của thời kỳ bấy giờ, với những yếu tố vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay như: sự kết hợp giữa triển lãm với tiếp thị hình ảnh của thành phố tổ chức, tính quốc tế của sự kiện (có sự tham gia của nghệ sĩ nước ngoài) đi cùng sự chỉnh trang đô thị và khẳng định nền văn hóa bản địa cùng quy mô lớn của sự kiện.
Các biennale gần gũi với nhiều nghệ sĩ Việt Nam là Gwangju Biennale – triển lãm lưỡng niên nghệ thuật đương đại đầu tiên và có uy tín nhất châu Á, được tổ chức tại Gwangju (Hàn Quốc); Singapore Biennale, Jakarta Biennale và Jogja Biennale (Indonesia); Asian Art Biennale ở Đài Trung (Đài Loan)…