– Tính tiền đi em. Một người đàn ông bệ vệ dõng dạc kêu to.
Lam liếc nhìn chồng. Anh đang ngồi im lặng, vẻ mất tự nhiên và căng thẳng lộ rõ. Hóa đơn vừa được đưa ra, ngay lập tức rất nhiều cánh tay nhao lên:
– Để tui!
– Thôi mà!
– Mình tính cho!
Ồn ào, náo nhiệt. Y như không khí của toàn bộ buổi tiệc từ chiều đến giờ. Chẳng ai chịu nhường ai. Cuối cùng, phương án chia đều do một phụ nữ sang trọng đưa ra nhanh chóng được mọi người tán thành. Con số cũng được kêu lên thật to, sáu trăm ngàn một cặp, ba trăm ngàn một lính phòng không, còn dư bo luôn cho phục vụ.
Cô thoáng tái mặt, nhẩm tính nhanh số tiền còn trong ví của mình. Chắc là không đủ. Sát bên cô, Hoàng chắc chắn cũng ở trong tâm trạng như vậy. Cô nhẹ nhàng lấy chiếc điện thoại “củ chuối” của mình ra, cố nắm nó thật gọn trong bàn tay mình. Cô không muốn những chiếc điện thoại thông minh, những siêu mỏng, sành điệu, chụp hình 10 “chấm”… xung quanh phải thương cảm. Lam nhắn tin cho chồng mình, người đàn ông đang ngồi ngay bên cạnh cô.
“Anh vẫn còn ít tiền mang theo chứ hả?”
Hoàng không biết có tin nhắn. Cô sốt ruột, nhá máy anh. Cũng như cô, Hoàng nắm chặt cái điện thoại của mình một cách còn tích cực hơn, anh thoáng ngạc nhiên ngước nhìn cô khi biết vợ vừa gởi tin cho mình. Tin nhắn trả lời: “Anh cũng không chắc lắm. Giờ làm sao đây em?”.
Làm sao ư? Lòng cô xót xa thương chồng, xen lẫn khó chịu xem thường. Dù không muốn phải so sánh, nhưng cô không khỏi đưa mắt nhìn xung quanh, nhận ra chỉ có mỗi mình Hoàng bối rối. Những người đàn ông khác, bạn học chung lớp đại học với anh ngày xưa đang mạnh dạn rút ví, lấy ra những tờ tiền polyme mệnh giá lớn nhất một cách đầy thoải mái. Riêng mình Hoàng thôi…
Buổi họp lớp diễn ra tại một nhà hàng sang trọng. Lam đã e ngại không muốn đi vì chẳng biết ai sẽ lo chi phí bữa tiệc. Nhưng Hoàng quá háo hức gặp lại đông đủ bạn bè, lại muốn nhân tiện giới thiệu cô. Lâu quá rồi vợ chồng cô cũng hiếm hoi có dịp cùng ra ngoài, nên cô chẳng nỡ khư khư từ chối. Cô mở ví, kín đáo đếm số tiền còn lại. May quá, vừa đủ, thậm chí còn dư ra chút đỉnh. Nhưng cô chưa kịp lấy tiền ra, đã nghe một giọng sang sảng:
– Tớ đóng luôn cho vợ chồng cu Hoàng nhé. Ngày xưa hắn vẫn hay cho tớ copy bài mỗi lần kiểm tra đấy!
Xung quanh nổ ra trận cười vui vẻ. Hoàng cũng cười, hơi gượng gạo với người vừa hào hiệp với mình. Anh lúng búng một câu gì đó. Bạn Hoàng hào hứng nói tiếp, hất đầu về phía Lam:
– Ngày xưa hắn nổi tiếng học giỏi nhất khoa đấy nhé em.
Cô dạ nhỏ. Điều đó thì cô biết. Nhưng đến hôm nay, cô mới biết thêm rằng, trong những người bạn học của Hoàng, anh là người ít thành công nhất. Dù bạn bè anh không cố tình tỏ vẻ, cũng chẳng phải quá phô trương kẻ cả gì, nhưng nhìn cách họ gọi món ăn, họ kêu rượu, nhìn họ thoải mái cười đùa, cô hiểu, chỉ duy nhất vợ chồng cô lo lắng với ý nghĩ: bữa tiệc hôm nay của hai vợ chồng cô đủ để cả nhà cô ăn trong một tuần.
* * *
Lam về đến đầu hẻm, lòng bỗng thêm trĩu nặng mỏi mệt. Cô nghĩ đến cảnh xe cộ dựng san sát trong cái ngõ chật hẹp xô bồ, những câu chửi rủa tục tằn gớm ghiếc. Cuối con hẻm đó, khuất sau mấy căn nhà khác là cái lối đi hẹp dẫn vào nhà cô. Gọi là “nhà” thì mỉa mai cho bao nhiêu căn nhà khác trên đời này quá. Cô hình dung ra mình nhẫn nhịn dắt xe ra vào. Nếu con Yến hàng xóm đang ở nhà, chắc hẳn Lam sẽ nhận được vô số câu xỏ xiên thâm độc. Và cô, sẽ đóng vai vừa câm vừa điếc, vừa tự hỏi: Sao cường hào ác bá vẫn còn đầy ra thế này? Còn có luật pháp, còn có lẽ phải hay không? Còn có… Lam nuốt nước bọt, thấy vướng ngay cổ, khó nhọc. Còn có sự công bằng, hay chỉ có kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, kẻ khôn ngoan lươn lẹo là chiến thắng thôi sao? Hay là cô ngu dại quá? Hèn nhát quá? Sĩ diện quá? Hay là sao?
Không, cô không ngu. Cô hiểu hết, biết hết. Cô cũng không hèn. Nhiều lắm thì cô liều mạng với bọn chúng. Cùng lắm thì chúng làm cô phải đổ máu, như chúng đã từng manh động với chồng cô. Lam vẫn biết bọn chúng không ưa cô, nhưng không bao giờ dám nghĩ tới sẽ có lúc Hoàng phải đổ máu. Cô vẫn nhớ như in buổi chiều tàn hôm ấy, khi con Yến cầm cái xà gồ bằng sắt liệng ngang qua đầu Hoàng. Và anh, sau tiếng kêu thảng thốt vì đau, vì bất ngờ, đã đưa tay lên ôm đầu trong nỗi sợ đến hoảng loạn của cô bên cạnh.
Giữa hai bên cũng có mâu thuẫn gì cho đáng. Hoàng vẫn niềm nở với gia đình Yến mỗi khi ra vô đụng mặt. Và Yến, tùy theo tâm trạng của mình, có khi vui vẻ lả lơi, có khi chửi chó mắng mèo, có khi cố tình tỏ ra thân thiện với mấy cha con Hoàng, như một cách để chọc tức Lam. Nhưng cô hình như chưa bao giờ thấy tức. Với cô, Yến thuộc về một thế giới khác, không có cô trong đó. Một thế giới xô bồ bẩn chật, óng ả tiếng chửi thề, hớ hênh như áo xống Yến thường mặc. Cô không giấu được nỗi tò mò về căn nhà sát vách của mình. Đã có lúc cô thèm được sống đầy bản năng như Yến, diện một cái quần bó sát thật ngắn, ngồi phơi trên phơi dưới ở chiếu bài. Thèm được sống thỏa thuê cơm hàng cháo chợ, vung vẩy mồm năm miệng mười chửi chồng mắng con. Thậm chí chửi cả tông ti nhà chồng, toàn bộ dòng họ nhà Yến cũng không tha. Thèm được tỏ rõ rằng mình yêu hay ghét, mình bực dọc khó chịu, mình thiếu thốn nợ nần, mình thèm ăn nhà hàng, mình muốn đi nhảy đầm với… trai chẳng hạn…
Hay là mình cứ đứng ra mồm năm miệng mười cãi cọ xô xát với chúng, mặc kệ cái sự thật là Lam nhỏ bé yếu sức, cô không quen với những việc như vậy. Cô cũng không run sợ. Nhưng cô còn con nhỏ. Hai đứa trẻ mừng tíu tít mỗi khi thấy mẹ. Làm sao cô có thể bỏ chúng lại, cô độc kia chứ. Cô sợ phải nhìn nhận rằng mình thất bại. Mình sai rồi. Mình yếu đuối và khổ sở với lựa chọn của mình. Những lựa chọn mà ngày xưa cô từng hãnh diện. Cô càng không thể để vẻ mặt mình sầu thảm, đánh mất đi niềm kiêu hãnh giả tạo được. Cô không thể, không thể! Cái mặt nạ bấy lâu cô khoác giữa đời, để cô cảm thấy mình giỏi giang, thành đạt, có chồng thành phố, có việc làm ngon, có con đủ nếp đủ tẻ, có nhà có cửa, có niềm tin, có khát vọng. Bao nhiêu chữ “có” để cuối cùng Lam phải cay đắng tự nhìn nhận rằng mình chẳng hề có gì cả. Tất cả chỉ là sự ngụy biện và lừa phỉnh bản thân mà thôi.
Sau một ngày đối mặt với bao nhiêu là việc, cô chỉ muốn được yên bình nấu một bữa cơm, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa đợi chồng về. Cô thèm được trò chuyện. Được khóc. Được ai đó nắm lấy bàn tay mình siết chặt. Những điều đó với cô ngày càng xa xỉ thì phải. Từ sau bữa đi họp lớp, Hoàng dường như càng thêm đăm chiêu khó gần. Anh thu người lại trong cái vỏ xù xì, sẵn sàng tự vệ một cách thái quá mỗi khi có ai động chạm đến. Có lẽ, nỗi đau thất bại của anh còn sâu cay hơn cảm giác buồn tủi của cô nữa. Cô chưa bao giờ có ý nghĩ rằng mình đã lấy phải người chồng bất tài vô dụng. Nhưng, năm tháng chung sống đã thẳng thừng nói với cô, đấy chẳng phải là người đàn ông như cô đã từng mơ tưởng. Hoàng chỉ là người làm công với khoản lương ít ỏi cố định hằng tháng. Gia đình anh lại quá nặng gánh. Phía tương lai chỉ thấy một màu xám chán nản của những tằn tiện, tiết kiệm, một đời sống khiêm tốn nhạt nhẽo cứ lặng lẽ trôi qua. Càng nặng nề hơn khi chẳng ai dám nhìn thẳng vào thực tế, mà luôn phải cố gồng mình lên chứng tỏ rằng mình cũng đang bằng chị bằng em.
Lam cô độc và buông xuôi mất thôi.
* * *
Lam ngồi bó gối ở góc giường. Cô thẫn thờ nhìn giá vàng đang biến đổi liên tục, thấy lòng mình trĩu nặng. Số tiền dành dụm đang teo đi nhanh chóng, như có một con quái vật đang há cái miệng ghê gớm của nó ra gặm hối hả vậy.
Gần một trăm triệu đồng. Ba bốn đợt sóng lớn. Vàng lên giá như bị ma ám đuổi từ phía sau. Cứ mỗi lần như vậy, cô lại tự nhủ, phải vững tin rằng, giá đó là cao lắm, cao lắm rồi. Cô vay vàng của ngân hàng, bán khống. Cô mượn vàng của mẹ, bán trước, đợi vàng xuống mua lại sau. Cái ngày mua lại đó chưa biết là khi nào. Số tiền bán vàng đó, giờ chỉ mua được hơn phân nửa số lượng ban đầu. Bốn cây rưỡi vàng dành dụm của hai vợ chồng, cô cũng đã rút khỏi ngân hàng, mang về bán.
Cô cố không nhớ đến số tiền bị mất. Tự trấn an rằng mình vẫn có thể làm lại. Đời còn rất dài. Cô còn rất trẻ. Cô rất siêng năng và lỳ. Cô đầy ý chí và dư sức lấy lại những gì đã mất. Trời không triệt đường sống của ai bao giờ. Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tiền bạc, vật chất chỉ là vật ngoại thân thôi mà. Có gì phải quá phụ thuộc. Người ta hơn nhau ở chỗ vững lòng trước khó khăn.
Nhưng ý nghĩ cứ thôi thúc, nhắc cô rằng đó là tiền của nhiều năm đi làm Lam mới dành dụm được. Là những lần ăn mì gói. Là chiếc điện thoại loại thường cô đang xài. Là những chi tiêu hạn chế. Cô chưa từng dám cho cha mẹ hay em út số tiền cho coi được. Cô từng hứa thưởng khi hai đứa em nhỏ đậu đại học, sau đó cô lờ đi. Chồng cô đang đi chiếc xe máy cà khổ mà cô hay gọi đùa là “máy cày”. Anh đang mặc một số áo quần được sắm từ khi họ mới lấy nhau. Lam chưa từng hào phóng với cô bạn thân thiết làm chung bao giờ. Cô ít khi dám mua cho con một món đồ xa xỉ nào đó… Và nói đâu xa, cô đã từng dám chi dùng gì đáng giá cho bản thân đâu.
Vàng đảo chiều. Nhanh như chảo chớp. Như thần buôn thuốc phiện. Bao nhiêu ngày cắn răng chịu lỗ, cầm cự chờ vàng xuống lại. Trả lãi qua đêm cho sàn vàng. Ôm mối lo trong lòng, như một cục ung thư. Tự dặn mình phải kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Vững lòng, vững lòng và vững lòng. Tỷ lệ ký quỹ hụt xuống, hụt xuống. Đổ thêm tiền vào để cứu tài khoản. Để cuối cùng cô cũng không cầm cự nổi.
Giá cao chót vót. Hơn một ngàn giá. Khoảng chênh lệch khủng khiếp. Cô tin rồi giá sẽ còn lên nữa. Ai cũng bảo vậy kia mà. Trên mạng, thiên hạ xôn xao. Lạm phát ở nhiều nước. Thế giới loạn lạc. Việc khai thác vàng cũng ngày càng nguy hiểm, trữ lượng giảm sút. Bao nhiêu bản tin tư vấn hỗ trợ cho giá vàng tăng vọt. Mà chẳng phải từ ngày cô nhập môn chơi vàng, nó vẫn tăng đều đều, tăng mạnh, tỷ lệ nghịch với số tiền trong tài khoản của Lam đó sao?
Cô cắt lỗ, đảo chiều. Số tiền chỉ còn đủ để chơi một nửa số vàng trước đây. Cứ vài bữa là chỉ còn nửa vốn thôi ư? Cô mua vàng, chờ tổ đãi. Chờ ông trời thưởng công cho mình. Lên nữa đi, lên mạnh đi vàng ơi là vàng ơi! Cô kêu thầm trong bụng hai chữ “vàng ơi!” rồi chợt cảm thấy buồn cười, chợt nhớ đến con Vàng của lão Hạc trong một truyện ngắn nào đó. Lúc tuyệt vọng hình như lão cũng kêu “Vàng ơi” thì phải. Rồi thì cô có giống như lão Hạc, phải chết tức chết tưởi không đây?
* * *
Mẹ chồng đã đi đón bé Tép. Cu Bi đang chơi dưới nhà. Cô nằm trên giường, quạt thổi vù vù. Căn phòng nhỏ ti hí như một cái hang. Không nắng buổi sớm. Không thấy bình minh. Chỉ có cái nóng hanh khô buổi trưa phả vào nóng rát. Mắt cô chạm phải mấy cái rổ đựng đồ lặt vặt cũ kỹ bám bụi đang để đầy trên đầu giường, nơi những cái kệ trở thành tay vịn cho cu Bi đang tập đứng chựng. Cô ngồi bật dậy, lục lọi. Thuốc uống dư còn rất nhiều. Cô từ tốn gom thuốc lại thành một đống nhỏ. Chắc phải hơn trăm viên. Đủ loại. Đủ thứ. Thuốc cảm. Thuốc đặt. Thuốc của bé Tép. Thuốc bổ. Thuốc kháng sinh. Thuốc ho của chồng cô.
Cô hình dung mình sẽ uống từng viên, từng viên một. Đắng ngắt. Lòng cô nhẹ tênh. Cô nửa muốn gặp con một chút, nửa lại sợ mình đau đớn lòng mà chẳng thể…
Có tiếng xa xả dưới kia. Con Yến đã về. Chiều nay nó như con chó hoang dưới nắng hè, lưỡi đỏ thè ra, điên cuồng sủa, điên cuồng cắn xé. Lam, hay gia đình cô đã làm gì có lỗi với cô ta? Hay việc cô mỗi ngày đi làm, thay vì tụ tập chơi tứ sắc, ăn vặt, cãi lộn đã là một cái tội nghiêm trọng rồi. Hay bé Tép, cu Bi, thay vì chân đất long nhong lê la, chửi thề xoi xói, ăn uống nhồm nhoàm thì lại ngoan ngoãn sạch sẽở yên trong nhà cũng là có tội? Hay chồng cô, thay vì đánh vợ, nhậu nhẹt, thi thoảng lại cầm dao rượt đuổi nhau thì lại ân cần dắt xe cho vợ, nựng nịu con mình? Đầu cô ong ong. Những viên thuốc đầu tiên đã kịp có tác dụng rồi sao? Tiếng bé Tép đã về đến cửa, vang vang lên “ạ” mẹ. Tiếng cu Bi cười rít lên mừng rỡ khi nhìn thấy chị. Nét mặt con bừng lên trong tâm trí cô, sáng rỡ, mắt tròn to. Nụ cười bé Tép thật duyên. Hai đứa con là cả gia tài của cô. Là điều kỳ diệu mà ông trời ban tặng. Là “cục nợ đời” của cô, theo cái cách cô hay vừa đùa vừa hôn lên cái rún lồi của Bi. Là tất cả những gì còn lại của Lam, sau những mỏi mệt bon chen ở chỗ làm, sau những sợ hãi nhịn nhục ngay trong cái hẻm ra vào, sau khi những nỗ lực kiếm tiền của Lam bị thất bại.
Lam là ai, cô tồn tại để làm gì? Mọi thứ bẳn chặt quây lấy cô, ùa đến cùng một lúc như thể một cơn dông bão, cuốn Lam quay cuồng trong đó. Cô mỏi mệt quá rồi. Cô thất vọng buồn bã quá rồi. Tiền bạc dành dụm đã thua hết sạch khi lướt sóng vàng trên sàn. Cô biết nói sao với chồng bây giờ? Nói rằng cô khao khát một cuộc sống khác, thoáng đãng hơn, không ẩm chật tù túng như vầy nữa ư? Nói rằng cô không muốn mình nghèo hoài, nghèo mãi sao? Nói rằng lương công chức của cô và anh biết đến bao giờ mới mua nổi một cái nhà, sắm sửa đầy đủ vật dụng, cho con học trường tốt, thay vì cái trường làng tí teo nóng hầm hập mà bé Tép đang phải trân mình chịu đựng mỗi ngày đó ư? Nên cô tự ý mang tiền ra thử thời vận mà chẳng dám bàn bạc cùng anh ư? Không, cô sao nỡ khoét sâu vào cái nỗi đau âm ỉ của Hoàng thêm nữa. Anh cực quá rồi, anh có vô vàn nỗi lo toan chụp giựt bên ngoài rồi.
Cô chỉ muốn buông tay. Buông một lần, cũng có nghĩa là buông mãi mãi đó thôi. Tất cả sẽ chẳng còn gì cả, nhẹ nhàng như một cái khép mi. Cô lấy điện thoại, tần ngần nhắn một cái tin. Tha lỗi cho em, anh nhé. Báo cáo tự động cho biết tin đã gởi thành công. Chắc Hoàng cũng chẳng mấy bận tâm đến cái tin ngớ ngẩn không rõ ý của Lam. Mà không dưng nghĩ đến Hoàng, cô bỗng tự hỏi, anh sẽ ra sao nếu bây giờ cô bỏ anh lại một mình bên đường?
Hẻm cụt chắc sẽ có một phen xôn xao náo nhiệt. Con nhỏ cuối hẻm kia chết rồi. “Nó chết cũng đáng, chẳng ai ưa” – Con Yến sẽ vênh váo nói vậy. Hai đứa con cô còn quá nhỏ để nhận thức được sự mất mát. Có thể chúng vẫn cười đùa ngay khi biết mình vừa mồ côi. Điện thoại cô đổ chuông, trên màn hình hiện ra chữ “Chồng”. Chắc chẳng thể là ngẫu nhiên.
– Mẹ ơi!
– Mẹ ơi!
– Mama!
Tiếng cu Bi bắt chước chị, bập bẹ kêu lên thật to. Cô giật bắn mình, làm rơi vốc thuốc trên tay xuống. Tung tóe, vung vãi. “Mẹ” là tiếng gọi đầu đời của mọi đứa trẻ con, dù có thể nó phát âm chưa rõ tiếng, tròn vành. “Mẹ” là câu nói uyên thâm, ý nghĩa nhất. Trong một câu chuyện cô đã đọc đâu đó, con nhân sư đã thản nhiên im lặng trước bao nhiêu câu nói của bác học, hiền triết, nhưng đã đứng lên khi một đứa trẻ lạc cất lên hai tiếng gọi: Mẹơi!
Cô cũng không là ngoại lệ. Cô bàng hoàng thấy mình đẩy cửa, thò đầu bước ra trong vô thức. Cô ào xuống cái cầu thang, bế thốc cu Bi lên, ghì chặt bé Tép vào lòng. Nước mắt cô không dưng rớt xuống, trong thinh lặng đến bất ngờ.
Sợi nắng hiếm hoi nào đó vừa xiên ngang hẻm, yếu ớt chiếu vào nhà Lam những giọt rất muộn…