Nhà là nơi trú ẩn, nhà là chốn đi về, nhà là tổ ấm… khá nhiều định nghĩa đúng đắn và đầy đủ đã xác lập giá trị, ý nghĩa của ngôi nhà từ rộng đến hẹp, từ sang trọng đến giản dị. Nhưng ngoài các sinh hoạt cơ bản, ngôi nhà có đáp ứng được nhu cầu thư giãn, vui chơi? Chỉ cần nhìn mùa lễ hội cuối năm cũ đầu năm mới đang tới, khi nhà nhà lại rộn ràng sắc màu, trang hoàng sẽ thấy không khí “ăn chơi” đang bắt đầu ùa về…
Thời làm nhà cho “đủ ăn đủ mặc” đã dần được thay thế bởi quan niệm “ăn ngon, mặc đẹp”, và thậm chí hiện nay là “ăn có chất, mặc có gu”. Lẽ tự nhiên của quá trình phát triển là vậy, khi đủ đầy về lượng thì bắt đầu nâng chất lên, thậm chí chưa có nhiều điều kiện vẫn có thể tạo khoảng “ăn chơi” tùy khả năng. Tâm thức của người phương Đông luôn gắn liền sự kiện vui chơi đi cùng với nghi lễ, phong thủy lâu dài với ứng xử nhất thời trong mùa lễ hội luôn cần đảm bảo. Cũng vì thế mà khi cần tìm kiếm những khoảng vui chơi cho ngôi nhà, khoảng trống phải được gọi tên!
Trống mà không rỗng
Khoảng trống trong ngôi nhà là khoảng không nội hàm, khoảng Âm trong Dương, là một thành phần của không gian sử dụng, chứ không chỉ là bao cảnh vây quanh. Cùng với sân vườn (trước, sau, bên hông) thì Thiên Tỉnh (giếng trời) xưa nay luôn là thành phần quan trọng để tạo sự kết nối giữa thiên nhiên và con người, giữ vai trò dẫn gió lành và thoát hơi nóng hiệu quả cho nội ốc xứ nhiệt đới.
Việc mở giếng trời không chỉ thu vào nhiều ánh sáng hay thoát gió ra tốt, mà bản chất là làm cho cân bằng Âm – Dương. Mở giếng trời ở khoảng giữa nhà chính là kích hoạt luồng khí, tăng tính hoạt động của Trung Cung Dương Cơ. Tuy nhiên mở nhiều giếng trời hay mở giếng kích thước lớn lại có thể gây ra Dương thịnh Âm suy, khiến lúc nào trong nhà cũng thấy chói chang (nhất là những hướng có ánh sáng mặt trời gay gắt như hướng lân cận Tây). Vì thế, dùng giếng trời kết hợp làm khoảng sinh hoạt, vui chơi trong nhà là phù hợp, chứ để trống rỗng.
Thực tế, kiểu giếng trời làm cứng (tức là chỉ toàn các bức tường, trổ cửa sổ nhìn vào) khá bất lợi về trường khí, vừa gây phản xạ âm thanh, ánh sáng bất lợi, vừa lãng phí diện tích, nên cần kết hợp giếng trời với không gian sinh hoạt, đừng biến đây thành “cái giếng” để hút gió đơn thuần. Có thể kết hợp đặt cây xanh và nơi tụ tập gia đình, bạn bè như phần mở rộng của phòng khách hay bếp ăn.
Với chất liệu mềm mại, đi cùng các sinh hoạt thư giãn, thoải mái, giếng trời là điểm nhấn kích hoạt Sinh khí hiệu quả trong nhà mà từ xưa nhà ống Hội An, Hà Nội hay biệt thự Pháp đã khai thác rất hiệu quả. Giếng trời có nước cũng là một dạng giúp “Tụ thủy tắc khí bất tán”, Tụ thủy nhưng không để úng thủy, tức là có nước chảy luân chuyển để kích hoạt sinh khí và tránh tù đọng.
- Xem thêm: Tiện nghi đi cùng kết nối
Những dạng Tiểu Sơn Thủy (núi sông thu nhỏ) đặt vào giếng trời hoặc bể cá có bơm lọc nước tuần hoàn, một chậu phun nước loại nhỏ… cũng giúp tạo nên điểm nhấn thu hút. Phong thủy truyền thống gọi cách đặt hồ nước vào không gian trống là Thủy Luân, giúp luân chuyển khí trong nhà rất tốt, thậm chí còn được cho rằng kích hoạt tài lộc, tạo hưng vượng cho nhà.
Cân bằng Âm Dương, tĩnh động
Dĩ nhiên, khoảng trống trong nhà không chỉ có giếng trời thông thiên lợp mái hoặc sân trời có mưa nắng trực tiếp. Đó còn là những khoảng đệm hoặc chuyển tiếp khí ở nơi thông tầng, ở sảnh phụ, ở hàng hiên, hay hành lang giữa các không gian chức năng cố định bởi vật dụng. Nhu cầu giải trí, vui chơi thì thường thay đổi, ít đóng khung gò bó, do đó vào mùa lễ hội có thể diễn ra nhiều hình thức, hoạt động ăn uống, ca hát, hàn huyên giao tiếp ở nhiều nơi, nhiều lúc trong nhà. Việc khai thác khoảng trống linh hoạt sẽ giúp điều chỉnh dễ dàng hoạt động mà không đóng khung vào phòng ốc cụ thể.
Các hoạt động giải trí tại gia được phân ra làm hai dạng cơ bản theo tính chất Âm Dương, tĩnh động, và mức tương phối – tương đối giữa các chủ thể. Tương phối là kiểu giải trí này có thể phối hợp với hoạt động giải trí khác tùy mức độ Âm hay Dương làm chủ đạo.
Ví dụ hoạt động đọc sách sẽ mang tính Âm, tĩnh lặng hơn việc chơi cờ. Còn hoạt động ca hát như karaoke gia là Dương, nhưng mức độ phối hợp giữa các thành viên tham gia sẽ không “vui” bằng chơi nhạc cụ theo kiểu các thành viên quây quần với nhau như ban nhạc, và trang âm cho phòng ốc, thiết bị âm thanh cũng phức tạp hơn. Hoạt động khiêu vũ lại đòi hỏi trang trí, ánh sáng, diện tích thích hợp và chăm chút cho trang trí nhiều hơn.
Xét theo tính chất giải trí thì nhóm xem tivi, đọc sách, nghe nhạc, sưu tập tem… mang tính Âm và tĩnh tại trong giao tiếp hơn là nhóm chơi đàn, hát karaoke, sưu tập mô hình xe lửa hoặc đồ chơi kỹ thuật… mang tính Dương, năng động hơn. Nhóm nào nhiều máy móc, thiết bị, âm thanh, hình ảnh động thì sẽ gắn với tính chất của hành Kim, Hỏa.
- Xem thêm: Nghe, nhìn và tiện ích cho nhà
Còn nhóm nào có nhiều sự riêng tư, cây cối hoa kiểng hay sách vở thì yếu tố hành Thủy và Mộc gia tăng. Hành Thổ thường mang tính chất trung hòa, kết nối tốt các hành khác, chính là hành chủ đạo cho không gian sinh hoạt – giải trí tại gia. Khái niệm ngũ hành trong giải trí mang tính tương đối vì có người sôi động vui vẻ giao tiếp nhiều thì Dương hơn, mang tính Hỏa và Kim hơn là những người lặng lẽ tận hưởng bản nhạc hay đọc cuốn sách, viết thư pháp, sưu tầm đồng hồ… sẽ mang tính Thủy và Mộc.
Từ tính chất phong thủy của hoạt động con người, sẽ định vị ra tính chất không gian cần thiết cho hoạt động đó. Hầu như các biệt thự hoặc nhà vườn đều gắn hoạt động tiệc tùng, ăn uống, ca hát ngoài sân vườn bởi yếu tố diện tích, không gian, bài trí… sẽ dễ dàng hơn. Khi nhà không có điều kiện sân vườn thì phải tận dụng khoảng trống để đưa hoạt động “ăn chơi” vào các vùng đệm. Ví dụ như đặt tủ sách ngoài hành lang, đặt màn hình karaoke trên lầu thượng để khi cần có thể sử dụng mà không ảnh hưởng đến các phòng ốc khác.
Chất liệu và màu sắc phù hợp
Khác với không gian chung toàn nhà hoặc một số phòng riêng có thể chọn màu hợp mệnh chủ nhân, tính chất phong thủy không gian giải trí thiên về kích hoạt sáng tạo, thư giãn nhẹ nhàng nên có thể sử dụng chất liệu, màu sắc khác biệt và có một số đặc thù riêng.
Sự phong phú và tươi vui tạo cảm giác hưng phấn, kích thích các giác quan cũng là một cách thư giãn tích cực. Không gian phòng nghe nhạc, xem phim hoặc karaoke mang tính sáng tạo và vui vẻ hơn so với những nơi khác, hướng đến sự thư giãn tích cực.
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
Nhóm màu thuộc hành Hỏa (cam, đỏ) và Thổ (vàng, nâu) nên dùng với sự gia giảm tùy đối tượng để đem tới sự hưng phấn, tính trẻ trung, hay thâm trầm, già dặn. Cần lưu tâm đến cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” của không gian. Phần cứng chính là màu tường, màu trần và màu sàn. Còn phần mềm là màu của bàn ghế, thảm, rèm, màu đèn và màu vật dụng trang trí như tranh ảnh, bình hoa… Những màu sắc hợp với tính chất giải trí của phòng là nhóm ba màu trong đó màu chủ đạo là hành của hình thức giải trí.
Ví dụ phòng karaoke, nghe nhạc, xem phim tụ tập nhiều người thuộc Kim thì nhóm màu trắng lấp lánh (Kim) đi cùng vàng và đen, xanh biển (bộ ba Thổ – Kim và Thủy) là hài hòa ngũ hành. Còn với phòng đọc sách, nghe nhạc hi-end (tĩnh lặng, chuẩn âm thanh cao) thuộc Mộc, thì bộ ba Thủy, Mộc và Hỏa chiếm đa số, tức là màu gỗ làm chủ đạo, điểm xuyết các màu đen hoặc đỏ.
Mặt khác, màu sắc phòng giải trí còn gắn liền với chất liệu, trong đó nhóm chất liệu thô mộc và xốp rỗng chiếm tỷ lệ cao để đảm bảo chất lượng âm thanh tốt. Ví dụ phòng karaoke, xem phim và nghe nhạc luôn cần làm vách bằng chất liệu xốp như gạch rỗng, đá ong, gỗ tận dụng… chứ không để tường gạch sơn nước để giúp giảm hiện tượng dội âm tần số thấp, giúp tiêu âm tốt hơn. Các loại giấy dán tường cao cấp, rèm vải dày, trần và vách bọc gỗ, bọc vải… cũng gia tăng tính Mộc, cho không gian giải trí tại nhà sự ấm áp, gần gũi và chất lượng nghe – nhìn tốt hơn là các chất liệu phẳng bình thường.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung