Việt Linh – Chuyện và Truyện là đứa con tinh thần thứ hai của nữ đạo diễn Mê Thảo – Thời vang bóng, được tái bản chỉ sau hơn một tháng ra mắt, đánh dấu sự thành công ngọt ngào của tác giả khi lấn sân qua lĩnh vực sáng tác văn học. Cuốn sách hơn 400 trang gồm truyện hư cấu và chuyện người thật-việc thật, trong đó một số truyện có tính chất chuyện và chuyện lại mang dáng dấp truyện mà nhà văn cố ý sắp xếp lẫn vào nhau để độc giả tự cảm nhận.
Cũng như tác phẩm đầu tay Chuyện mình, chuyện người, qua Việt Linh – Chuyện và Truyện một lần nữa nữ đạo diễn tài hoa lôi cuốn người đọc bằng phong cách viết truyện ngắn độc đáo đậm chất điện ảnh của mình.
Dấn thân trên con đường không an toàn của sáng tác, chị sử dụng con chữ làm phương tiện giãi bày suy tư về những truân chuyên phận người cũng như bao nhiễu nhương xã hội. Cách viết của chị luôn khiến người đọc phải ray rứt về những điều ẩn khuất phía sau trang viết, kiểu như đạo diễn thay vì để diễn viên kêu than thảm thiết “đời tôi sao toàn đắng cay khốn khổ” thì cho thể hiện bằng một ánh mắt tuyệt vọng, một nét mặt dại đi, đủ chạm thấu tâm can người xem về nỗi thống khổ câm lặng.
Với hơn 100 câu chuyện đời – chuyện nghề – chuyện ta – chuyện người thu nhặt đó đây, qua những thân phận nổi trôi với tình yêu, đổ vỡ, hy vọng, ngộ nhận, hoặc bất công, bạo lực, bất ổn xã hội – những điều vẫn xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới – tác giả cho thấy khả năng chia sẻ của văn học vượt qua mọi biên giới quốc gia, rào cản ngôn ngữ và khác biệt lối sống, mà giá trị cao nhất là có thể lay động lương tâm và suy nghĩ của người xem.
Những dòng tạp bút trong Việt Linh – Chuyện và Truyện thu hút với nhiều câu chuyện chân thực trong cuộc sống hằng ngày, những vấn đề thời sự nóng hổi, những thảm kịch khó lý giải trong xã hội đương thời, qua đó người viết bộc lộ một thái độ kiên định trước những sự việc không thể không lên tiếng như trách nhiệm công dân đương nhiên phải làm.
Lại có những câu chuyện tuy nhỏ và giản dị mà không kém phần sâu sắc khi vừa mô tả cuộc sống đời thường vừa đặt ra những vấn đề lớn của xã hội:
– Ở trong lồng mà sao con gà vẫn gáy, không ở trong lồng mà sao con người im lặng biết bao điều (Gà gáy trong lồng).
– Kể những câu chuyện bất thường của hai đứa nhỏ mình yêu, tôi tin (hơn) tính cách con người chịu ảnh hưởng lớn bởi môi trường giáo dục (Ba chuyện nhỏ của hai đứa nhỏ).
– Hai con người xuất thân khác nhau nhưng cả hai đều lao động kiếm sống. Rất lương thiện. Tấm lưng trần của họ chính là chiếc áo, thanh lành hơn mọi sơn thếp phù hoa (Người ở trần).
– Không phải đâu các nhóc ơi, người Việt Nam không dữ, không ác. Người Việt Nam chỉ bị chông chênh thôi: Họ mất riết những điều đẹp để tin tựa (Chông chênh).
Vậy đó, chỉ với những câu chữ nhỏ nhẹ như tiếng thở dài, tác giả đủ khiến người đọc cùng chạnh lòng khắc khoải về những nỗi niềm thế sự.
Không đao to búa lớn mà chỉ thầm thì tâm sự sẻ chia, đa cảm mà không ủy mị, đồng cảm mà không thỏa hiệp, không tuyên ngôn mà đầy nhân bản – đó chính là chân dung trọn vẹn của nhà văn Việt Linh hiện ra dưới mắt độc giả, sau khi người đọc khép lại trang cuối cùng của Việt Linh – Chuyện và Truyện.
- Quế Phương