Sau “Gác Trịnh” ở Huế, họa sĩ Đinh Cường và bè bạn tiếp tục chuyến du hành nghệ thuật của ông ở Đà Lạt.
Góp mặt tại triển lãm “Nỗi nhớ Đà Lạt” còn có hai họa sĩ Thân Trọng Minh và Phan Ngọc Minh. Khá lâu rồi ở thành phố du lịch Đà Lạt mới có một sinh hoạt mỹ thuật cảm động và đông vui như vậy.
Chủ đề của triển lãm “Nỗi nhớ Đà Lạt” tập trung vào các tác phẩm của họa sĩ Đinh Cường, được ông vẽở nước Mỹ xa xôi bằng ký ức và nỗi nhớ nơi ông đã có những kỷ niệm không thể nào quên của một thời tuổi trẻ. Vào những năm 1960, Đà Lạt là nơi Đinh Cường đã rất gắn bó bởi không xa thành phố dốc đồi là vùng đất Lạc Lâm – Đơn Dương mà ông từng sống với thật nhiều kỷ niệm cùng Trịnh Công Sơn (“Đây rất gần Đà Lạt, chỉ đi có 30 phút thôi. Anh đến đây thì anh Cường ở Dran chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn – chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, chung quanh là những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi vùng này mới lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến. Anh Cường cũng trở về, đội bérêt, mặc pardessus co mình, và chúng anh mừng rỡ như nổ. Rồi như thế mà đêm về đen nghịt. Tiếng hát Châu Hà quý báu ở đây. Ngoài kia trời chỉ còn thấy viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn. Trong căn phòng anh Cường đốt đèn sáp trắng ngồi vẽ chân dung anh. Chúng anh uống rượu cho nồng đêm hơn, cho nỗi vui mừng rộng lớn hơn…” trích Thư tình gửi một người – Trịnh Công Sơn).
Cũng vì vậy mà trong tranh Đinh Cường thấm đẫm những kỷ niệm với Đà Lạt, là hình ảnh gác chuông nhà thờ Con Gà đã thành biểu tượng, là phố xá giữa chập chùng đồi núi và những xóm nhà ẩn hiện trong sương cùng những dáng thông cao vút, là chiếc xe ngựa của một thời xa vắng, là người nữ dấu yêu trong tà áo xanh mộng mị… Bên cạnh mảng tranh hoài nhớ Đà Lạt là những chân dung bè bạn của ông: Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Bửu Ý, Nguyễn Đình Toàn… và cả chân dung của cây bút trẻ Nguyễn Hàng Tình, người đã sống hết lòng với Đà Lạt hôm nay. Trong phát biểu khai mạc, họa sĩ Đinh Cường bảo rằng những bức tranh là tất cả tấm lòng của ông dành cho Đà Lạt. Thân Trọng Minh đem đến triển lãm loạt tranh khổ nhỏ mới vẽ của ông, hầu hết phi biểu hình. Còn Phan Ngọc Minh là một số tác phẩm vừa bày ở “gác Trịnh”(*).
Triển lãm được tổ chức trong không gian ấm áp của gallery Đào Nguyên ở khu Hòa Bình, một địa chỉ mỹ thuật còn khá mới ở Đà Lạt. Đông đảo bạn bè của các họa sĩ đã từ Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và từ nước ngoài đã đến dự khai mạc vào chiều 28-11 vừa qua, khiến chủ nhân gallery – một nữ họa sĩ đồng thời là một doanh nhân hết sức bất ngờ. Chị Đào Nguyên Dạ Thảo sinh trưởng tại Đà Lạt, từng học khoa Mỹ thuật công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, là họa sĩ thiết kế đồ họa, sau đó sang Mỹ học ngành công nghệ thông tin và hội họa tại Đại học Texas A&M. Trở về nước, cách đây vài năm chị đã đầu tư vào dự án “Làng nghệ sĩ” ở khu hồ Tuyền Lâm mà khi hoàn thành sẽ là một khu nghỉ dưỡng hiện đại đồng thời còn là một trung tâm văn hóa – nghệ thuật, nơi sẽ giới thiệu những tác phẩm hội họa của nghệ sĩ trong và ngoài nước, bên cạnh đó là một tổ hợp nhà hát, thư viện, trại sáng tác…
Được biết triển lãm “Nỗi nhớ Đà Lạt” nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng thành phố tròn 120 năm tuổi (1893-1913).
(*) Ngay trong ngày khai mạc, nhiều bức trong tổng số 40 tác phẩm đã có chủ nhân mới
- Như Hoa