Chilê có bờ biển dài gần 4.200km nằm xen giữa dãy núi Andes và Thái Bình Dương nên hải sản rất phong phú, đặc biệt là cầu gai (còn gọi là nhím biển hay con nhum theo cách gọi của người Việt). Có dịp đến với Chilê, du khách không thể bỏ qua các món ngon được làm từ thịt cầu gai. Tại các chợ hải sản ở Chilê luôn đầy ắp cầu gai tươi vừa đánh bắt từ biển khơi.
Thịt con erizo rojo (cầu gai gọi theo ngôn ngữ Tây Ban Nha) là một trong những nguyên liệu phổ biến nhất của ẩm thực xứ sở Nam Mỹ này. Bên trong cái vỏ tua tủa gai nhọn là một miếng thịt màu cam hình sao năm cánh chứa nhiều chất bổ dưỡng cho cơ thể. Có nhiều cách chế biến thịt cầu gai ở Chilê, song cách thưởng thức thông thường nhất và cũng “sành điệu” nhất là ăn sống, không qua bếp núc. Người ta tách vỏ cầu gai ra làm đôi, dùng thìa múc thịt bên trong ăn tươi cùng với hành tây, hành lá, vắt chanh, thêm vài cọng rau mùi, ăn kèm bánh mì nướng.
Một cách ăn tái nữa là thịt cầu gai, thịt nghêu (hay sò) và cá đều tươi sống trộn đều, vắt thật nhiều chanh. Tất nhiên các món tươi này cần rượu mạnh “đưa cay”. Thịt cầu gai còn được dùng làm nhân bánh taco, được nấu súp…, hay được dùng làm xốt để ăn món cá nướng. Ở Việt Nam, con nhum cũng được ăn sống với muối tiêu chanh, được đúc với trứng gà hay nấu cháo.
Cầu gai có vai trò quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của người Chilê từ nhiều thế kỷ trước. Những chiến binh Mapuche, cư dân bản địa sống ở miền Nam, miền Trung Chilê và tây nam Argentina, đã ăn món cầu gai sau khi trở về từ các trận chiến ác liệt chống quân xâm lược Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI.
Sau đó, từ Chilê con erizo rojo đến với ẩm thực Tây Ban Nha. Ngày nay, dù Chilê có số trại nuôi cầu gai nhiều nhất thế giới thì loài hải sản này vẫn được thu hoạch theo cách của thổ dân bản xứ hàng trăm năm trước: lặn bắt dưới biển. Ngư dân dùng những thuyền nhỏ đi vào các vịnh có nhiều cầu gai sinh sống, neo thuyền và lặn xuống biển, dùng kẹp sắt gỡ cầu gai khỏi những rặng đá hay từ lớp cát đáy biển cho vào rọ, khi cầu gai đã đầy rọ, họ cột nó vào dây để người trên thuyền kéo lên khỏi mặt nước.
Do được đa số người dân Chilê dùng làm món ăn hằng ngày và được đánh bắt quanh năm nên ở một số vùng biển xứ này đã bắt đầu khan hiếm cầu gai. Vài năm trở lại đây, chính phủ Chilê đã phải ấn định những khoảng thời gian trong năm cho phép đánh bắt cầu gai để giữ ổn định nguồn lợi hải sản này. Cầu gai lặn bắt có giá khá cao tại các chợ hải sản: khoảng 1,30 USD/con.