Bộ sưu tập tranh có tên “Chứng nhân” (Witness collection) được một doanh nhân trẻ người Anh khởi xướng từ năm 1987, vào thời kỳ ViệtNamvẫn chưa mở rộng cửa với thế giới bên ngoài sau những thập niên dài trải qua hai cuộc chiến tranh.
Nhưng nay đây là một bộ sưu tập tranh có giá trị lớn nhờ tập hợp được sáng tác của các họa sĩ nổi tiếng nhiều thời kỳ, ở cả miền Nam lẫn miền Bắc.
Có thể chia bộ sưu tập tranh này thành bốn thời kỳ. Bắt đầu từ sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến trước năm 1945 (từ 1925 đến 1945); kế tiếp là thời kỳ 1945-1975, những năm tháng sáng tác trong chiến tranh; sau đó là thời kỳ hậu chiến 1975-1986 khi mà hiện thực xã hội chủ nghĩa là khuynh hướng sáng tác bao trùm; và cuối cùng là thời kỳ của chính sách đổi mới ra đời và kéo dài cho đến hôm nay.
Trả lại những giá trị đích thực của hội họa Việt Nam
Từ khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được người Pháp thành lập vào năm 1925, một cộng đồng các nghệ sĩ tạo hình đã dần được hình thành và phát triển ngày một rộng lớn. Trong những năm chiến tranh và bị cô lập với thế giới bên ngoài, các tác phẩm hội họa xuất sắc của các tác giả Việt Nam – bất kể chịu ảnh hưởng phương Tây hay phương Đông – đều ít được biết đến bên ngoài khu vực Đông Nam Á. Những người khởi xướng và thực hiện bộ sưu tập “Chứng nhân” đã dõi theo những bước phát triển của hội họa Việt Nam hiện đại và đương đại để tìm cách trả lại cho đời một chân giá trị. Họ đã làm việc với các nhà nghiên cứu, các bảo tàng và các thiết chế mỹ thuật khác tại Việt Nam cũng như các đối tác của họ ở khắp thế giới, ngõ hầu cùng chia sẻ về các tài năng hội họa người Việt thông qua các hoạt động triển lãm, xuất bản và các kênh truyền thông thị giác.
Cho đến nay, trong bộ sưu tập “Chứng nhân” đã có khoảng 2.000 bức tranh của hơn 100 họa sĩ được coi là hết sức quan trọng cũng như tạo được dấu ấn trong tiến trình của hội họa Việt Nam, những người mà bằng tác phẩm của mình đã làm nên những đổi thay ngoạn mục trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến nay. Có thể kể các tên tuổi sau: Joseph Inguimberty, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tỵ, Lương Xuân Nhị, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Tích Chù, Phan Kế An, Tú Duyên, Tạ Tỵ, Trần Đình Thọ, Trọng Kiệm, Thái Hà, … cho tới những người trẻ như Lê Quảng Hà, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Văn Cường, Phạm Huy Thông.
Câu chuyện về bộ sưu tập tranh của Adrian Jones
Năm 1987, doanh nhân trẻ người Anh Adrian Jones đi thăm Việt Nam. Lúc đó anh mới 20 tuổi, từ làm phần mềm video game chuyển sang nghề tiếp thị dụng cụ thể thao và đang khởi sự sưu tầm tranh. Những chuyến đi Việt Nam liên tục của Adrian Jones trong những năm 1987-2003 đã không ngừng làm giàu bộ sưu tập tranh Việt Nam của anh, bởi giá tranh tại đất nước này thời gian đó còn rất rẻ. Năm 2002, khi đã có khoảng vài trăm bức, Adrian Jones quyết định ngưng mua tranh theo cách đã làm lâu nay và quyết định thực hiện một bộ sưu tập có chủ đích. Từ những gì mình đang sở hữu, anh chọn lọc lại các tác phẩm đặc sắc và kết dính chúng lại với nhau sao cho bộ sưu tập mới có thể kể lại một câu chuyện chưa từng được biết đến về đất nước và con người Việt Nam, đúng hơn đó là từng câu chuyện được đan xen với nhau.
Sau một năm nghiên cứu kỹ hơn về hội họa và lịch sử hội họa Việt Nam, trong đó có những tư vấn sâu sắc của hơn 40 người Việt hiểu biết tường tận về mỹ thuật Việt Nam ở hầu hết mọi lĩnh vực, Adrian Jones công bố bộ sưu tập “Chứng nhân” vào năm 2003. Thông qua lăng kính nghệ thuật và kinh nghiệm cá nhân của các tác giả có tranh trong bộ sưu tập “Chứng nhân”, người xem được kể lại một câu chuyện của thế kỷ XX mà chỉ ở Việt Nam câu chuyện ấy mới được kể bằng hội họa. Đây là đất nước duy nhất trên thế giới đã trải qua những kinh nghiệm chính trị – xã hội bao trùm ba sự đổi thay quan trọng đã định hình cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ XX: từ chủ nghĩa thực dân đến độc lập dân tộc; từ chủ nghĩa tư bản tới chủ nghĩa cộng sản; và cuối cùng là sự tác động của toàn cầu hóa. Cái tên gọi “Chứng nhân” minh định chính các họa sĩ là chứng nhân của những biến đổi to lớn ấy.
Bên cạnh công việc tìm kiếm tranh cho bộ sưu tập “Chứng nhân”, nhóm của Adrian Jones còn đi khắp đất nước hình chữ S để sưu tầm những thứ tưởng chừng như bỏ đi: các ống màu cũ, những khung tranh không dùng và giấy tờ, tư liệu cũ từ các tác giả, có những thứ đã tồn tại từ thập niên 1940. Họ còn phỏng vấn các họa sĩ lão thành để được biết thêm về kỹ thuật sáng tác, sự ra đời của từng bức tranh.Adrian Jones và cộng sự của anh đã giúp tôn vinh giá trị của hội họa ở một đất nước có rất ít nhà sưu tập bản xứ và cũng không có mấy người làm được như anh. “Dù không chủ tâm nhưng chúng tôi đi đến nhận thức rằng, mình gánh vác những trách nhiệm xã hội khi sưu tầm những tác phẩm hội họa độc đáo, đôi khi có cả trách nhiệm đối với một cộng đồng rộng lớn. Hầu hết các họa sĩ vẽ tranh để được người ta xem, vì vậy trước hết chúng tôi có trách nhiệm với các họa sĩ để đưa tác phẩm của họ đến với công chúng” – Jones nói thế.
Không chỉ là một bộ sưu tập tranh, “Chứng nhân” còn là một tổ chức với các hoạt động liên quan đến nghiên cứu sâu rộng mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật Việt. Trong một vài dự án gần đây của mình, bộ sưu tập “Chứng nhân” còn tham gia vào công tác bảo tồn và làm tư liệu về mỹ thuật Việt thông qua liên kết với Quỹ Asiarta Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận cũng do Adrian Jones sáng lập và điều hành. Ngoài ra, bộ sưu tập “Chứng nhân” còn dự tính trưng bày lưu động tranh, làm phim tư liệu về chính mình và xuất bản một loạt sách về nhiều khía cạnh khác nhau của mỹ thuật Việt cũng như tìm một chỗ để trưng bày thường xuyên khoảng 2.000 bức tranh trong sưu tập.
Tranh trong bộ sưu tập “Chứng nhân” đã tham gia triển lãm “Chủ nghĩa hiện thực trong mỹ thuật châu Á” (2010) và “Hậu đổi mới Mỹ thuật Việt Nam sau thập niên 1990” (2008) tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore; và nhiều triển lãm tại Nhật, Hàn Quốc, Ý. Ngay Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia tại Hà Nội khi tổ chức triển lãm hồi cố cho nhà danh họa Trần Văn Cẩn vào năm 2004 cũng phải mượn tranh từ bộ sưu tập “Chứng nhân”.
- Đông Hà