Tại một số đơn vị thuộc EVN, mức cắt giảm lương phổ biến trên 10%, còn tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc không ít cán bộ công nhân viên bị cắt giảm lương ở mức gần 30%.
Ở nhiều vị trí công tác, tiền lương thực lãnh của cán bộ, công nhân bao gồm tất cả các khoản thu nhập chỉ còn được từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Một cán bộ Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết lương của cán bộ công nhân viên tạm thời vẫn được đảm bảo, nhưng một số khoản phụ cấp ở một vài bộ phận có bị điều chỉnh.
Không biết việc cắt giảm lương và các khoản phụ cấp nói trên chiếm bao nhiêu phần trăm trong số 1.800 tỉ đồng mà EVN cam kết cắt giảm, nhưng rõ ràng điều này làm cho người lao động gặp khó khăn trong thời buổi này.
Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi có mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với các ngành khác, việc cắt giảm lương của người lao động đã thực hiện từ vài tháng qua.
Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Phùng Đình Thực xác nhận trong kế hoạch tiết giảm chi phí, PVN đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện cắt giảm quỹ lương nhân viên chung của tất cả các đơn vị trong tập đoàn từ 5% – 10%. Được biết hồi tháng 5, tập đoàn này cam kết với Bộ Tài chính sẽ cắt giảm 137 tỉ đồng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – người am tường về hoạt động của doanh nghiệp cũng như nghiên cứu thấu đáo các chính sách của Nhà nước – cho rằng, việc các tập đoàn dùng chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lương người lao động là sai. Vì chủ trương cam kết giảm chi phí của Chính phủ cũng nói rõ là không được giảm tiền lương của người lao động. Điều cơ bản trong cắt giảm chi phí là nhằm giúp các đơn vị cải thiện việc quản lý, tổ chức công việc làm sao để năng suất cao hơn, giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế lãng phí. Cắt giảm lương của người lao động là cái dễ nhất trong khi các chi phí, tốn kém khác có thể không bị động đến.
Ý kiến của bà được nhiều chuyên gia đồng tình khi cho rằng trước hết phải xem cơ cấu tiền lương của người lao động chiếm bao nhiêu phần trăm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty và việc giảm lương, phụ cấp cũng như các khoản tiền thưởng nếu có sẽ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong chi tiêu của doanh nghiệp. Nếu các khoản này chiếm phần rất lớn thì phải so sánh tương quan với năng suất. Mặt khác Bộ Tài chính cần giám sát các đơn vị có cắt giảm đúng ở những khâu cần cắt giảm không, có như vậy hiệu quả của chủ trương cắt giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm mới đạt được.