Ngày 24-3-2015, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, một quỹ dân sự khuyến khích các hoạt động về văn hóa giáo dục do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch trao giải thưởng “Vì sự nghiệp Văn hóa-Giáo dục 2015” cho nhóm Cánh Buồm. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của nhóm trong năm năm cho công cuộc đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, đang khởi sự thí điểm và hứa hẹn nhiều triển vọng.
Ra đời từ năm 2000, do nhà giáo dục lão thành Phạm Toàn khởi xướng và tập họp một số giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết ở Hà Nội, được sự hỗ trợ, cố vấn của các nhà giáo lớn tuổi, đến nay nhóm Cánh Buồm đã hoàn thành bộ sách giáo khoa bậc Tiểu học về một số môn khoa học xã hội nhân văn chủ yếu (Tiếng Việt, Văn, Lối sống, Lịch sử); xây dựng tủ sách Tâm lý học Giáo dục giới thiệu những cuốn sách nền tảng của Tâm lý học Giáo dục hiện đại; Tổ chức những buổi sinh hoạt sư phạm thường xuyên cho giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm và phụ huynh học sinh; Thực nghiệm thành công sách giáo khoa Cánh Buồm tại một số trường học…
Tại một cuộc họp ở Ban tuyên giáo Trung ương, Phó ban trực Vũ Ngọc Hoàng đã biểu dương nhóm Cánh Buồm là “tập thể lao động cộng sản chủ nghĩa”, được hiểu như là ca ngợi tinh thần “thiện nguyện hết mình” của nhóm.
Tự cho mình có nhiệm vụ soạn sách giáo khoa tiểu học
Trước sự thất vọng của xã hội đối với một nền giáo dục phát triển không giống ai kéo dài đã quá lâu, nhóm Cánh Buồm chủ trương không phản biện và càng không than vãn mà “cái gì làm được thì làm luôn”. Sức yếu thì dồn sức vào “huyệt” – làm một cái “mẫu” không phải như một tấm gương để “noi theo”, mà như một sự vật cụ thể vừa mang tính gợi ý và cũng vừa mang tính kích thích.
Làm thì phải có định hướng và định hướng chấn hưng nền giáo dục nước nhà của Cánh Buồm là hiện đại hóa giáo dục.
Hiện đại hóa không phải là bắt chước theo nước ngoài, dù là nước tiên tiến. Văn hóa phải có hồn cốt dân tộc, để không cho ra lò những sản phẩm lai căng.
Hiện đại hóa phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết tự học – năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.
Một nền giáo dục mang phẩm chất tự học cần phải và có thể tổ chức được ngay ở đây và ngay tự bây giờ và hoàn toàn không tốn tiền: cơ chế tự học nằm trong năng lực tâm trí của người học, là thứ con người hoàn toàn không mất tiền mua.
Những hình thức kích thích tính tự học của học sinh cần được tiến hành từ rất sớm. Theo sách Cánh Buồm, ngay từ lớp Ba, đã có thể cho học sinh tổ chức hội thảo về những đề tài hấp dẫn các em. Tới lớp Bốn, các em đã học viết đoạn văn và bài văn, trẻ em càng tham gia hình thức hội thảo ở trình độ cao hơn nhưng lại dễ dàng hơn.
Tinh thần tự học lại phải gắn liền với tinh thần đánh giá, trong đó tự đánh giá là vô cùng quan trọng. Việc tự nhận xét trong nền giáo dục hiện đại được “cài đặt” trong từng thao tác học tập, diễn ra trong từng tiết học mà điều quan trọng là diễn ra một cách tự nhiên, không cần nhắc, không căng thẳng. Nó sẽ gắn với việc bỏ cho điểm, bỏ thi, những điều rồi sẽ phải diễn ra, không chỉ tiết kiệm tiền bạc và thời gian, mà còn để nâng cao Tự do và Nhân phẩm người học. Việc đó sẽ xảy ra không do hô hào, mà do tổ chức lại cách học.
Làm mà học
Cánh Buồm chủ trương là “làm mà học” (hay “học bằng cách làm” – learning by doing), không phải “thầy giảng trò ghi”, “thầy đọc trò chép và… học thuộc lòng”, mà người thầy là người tổ chức cho học trò làm việc để tự nắm kiến thức.
Cách đặt vấn đề như thế dẫn tới việc xác định lại chương trình và sách giáo khoa là hoạt động cốt lõi của một sự nghiệp giáo dục. Phải làm được sách giáo khoa không chỉ mang tinh thần tự học mà chứa đựng những kỹ thuật tự học.
Cái “huyệt” nhà sư phạm phải bấm vào là tổ chức việc học của con em thông qua tổ chức việc dạy học đúng định hướng một nền giáo dục hiện đại hóa.
Trong cả chuỗi học đó, yếu tố tự học hiện diện khắp nơi. Làm gì để trẻ em ngay từ lớp Một đã tự học? Bí quyết sư phạm nằm ở chỗ tìm ra những thao tác làm việc của những người tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và hoạt động xã hội để tổ chức cho trẻ em làm lại những thao tác chắt lọc mà những người đi trước ưu tú đã từng làm.
Xin lấy mấy thí dụ để minh họa:
(a) Thay cho lối học ê a đánh vần và đọc ngắc ngứ, trẻ em lớp Một sẽ chủ động học những thao tác nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt từng được tiến hành bởi các nhà ngôn ngữ học kể từ thế hệ Alexandre de Rhodes – ba thao tác đó là phát âm – phân tích âm – tự ghi (và tự đọc).
(b) Thay cho lối nghe bình giảng văn chương, và sao chép những bài văn mẫu, trẻ em ngay từ lớp Một đã học những thao tác nghệ thuật tưởng tượng – liên tưởng – sắp xếp (bố cục) để chính các em tự làm ra cái Đẹp nghệ thuật vừa tầm cỡ các em.
(c) Cũng trong cuộc tự học đó, trẻ em sẽ không nghe giảng và nhắc lại những răn dạy về đạo đức – mà sẽ được tổ chức một lối sống theo tinh thần đồng thuận như lối sống của những nhà đạo đức, những nhà hoạt động xã hội tiêu biểu.
Hoạt động học thực ra chỉ quay xung quanh trục gồm ba đỉnh ấy và tư duy của người học cũng sinh ra từ đó: tưduy khoa học, tư duy nghệ thuật, tư duy đạo lý và không cần dạy thêm, học thêm một tư duy nào khác nữa cũng đủ để thành những con người tự do – trách nhiệm – tâm hồn phong phú nhưước vọng của cả dân tộc chúng ta.
Sách Cánh Buồm khác gì với những SGK trong quá khứ?
Ngay từ khi ra đời, bộ sách giáo khoa cải cách hiện hành có tên “Chương trình năm 2000 – CT-2000” đã gặp rắc rồi. Tiếng kẻng báo động đầu tiên đã được phát đi bốn năm sau, vào năm 2008 bởi báo Tuổi Trẻ và một từ ngữ mới cũng ra đời được lặp đi lặp lại: quá tải. Sau đó, liên tiếp từ 2008 đến mãi năm học 2013-2014, năm nào cũng nói đến giảm tải. Nhóm Cánh Buồm tự nhận nhiệm vụ giải quyết vụ “giảm tải” đó theo cách của mình: bỏ cái cũ, làm một cái mẫu tổ chức việc học từ bậc tiểu học những môn học khó nhất, đó là: Tiếng Việt, Văn, Lối sống và năm nay sẽ cho ra mắt sách Lịch sử bậc Tiểu học.
Nhiệm vụ môn Tiếng Việt là tạo ra ở học sinh một phương pháp ngôn ngữ học để các em nghiên cứu vật liệu tiếng mẹ đẻ, để có năng lực dùng ngôn ngữ chính xác, phong phú trong việc học cũng như trong đời sống hằng ngày.
Môn Văn Cánh Buồm có nhiệm vụ lấy văn chương làm vật liệu mẫu để tạo ra ở học sinh một cơ sở năng lực nghệ thuật, thay cho cái “năng lực văn” nhại lại những cảm thụ của người khác.
Năng lực nghệ thuật của học sinh (cũng như mọi năng lực khác) đều phải do học sinh làm ra, chứ không qua nghe-nhìn dửng dưng.
Thay thế cho môn Đạo đức, hoặc Luân lý, hoặc Giáo dục Công dân, nhóm Cánh Buồm tổ chức cho học sinh tự xây dựng và cùng xây dựng một cung cách sống khác chắt lọc thành môn Giáo dục Lối sống (gọi tắt là môn Lối sống).
Nhiệm vụ của môn Lối sống là huấn luyện trẻ em (và “vô tình” tác động cả tới những ai liên quan đến các em) một tinh thần và năng lực sống đồng thuận trong cộng đồng.
Môn Lịch sử xưa nay được đưa vào nhà trường phổ thông chỉ như là những tư liệu lịch sửở dạng thô, sau đó thả nổi về phương pháp, tùy giáo viên nhào nặn theo ý thức và khả năng của mình. Sách Lịch sử do nhóm Cánh Buồm biên soạn có đặc điểm là chỉ rõ ra những việc làm của học sinh khi các em học Lịch sử.
Cánh Buồm không ảo tưởng
Nguyên Phó Chủ tịch nước bà Nguyễn Thị Bình đã cảm nhận được trình độ cao và khác hẳn nhưng dễ thực thi của sách Cánh Buồm. Từ năm 2012 bà đã động viên: “Tôi không nói sách của nhóm là tốt nhất, nhưng cho tới nay chưa có bộ sách nào bằng”. Bà Nguyễn Thị Bình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm hiểu công việc của nhóm. Ngày 3 tháng 2 năm 2012, Vụ Tiểu học tiếp và nghe nhóm trình bày. Một thứ trưởng nói rằng “anh em báo cáo là sách tốt, nhưng cao”. Việc một số trường học và cơ sở giáo dục ở Hà Nội thử nghiệm áp dụng sách giáo khoa với phương pháp dạy-học Cánh Buồm trong mấy năm học vừa qua đã cho thấy: Chỉ cần được hướng dẫn đúng, một thời gian ngắn là các thầy cô giáo và học sinh tiểu học đã hào hứng dạy-học kiểu Cánh Buồm và khí thế học tập, chất lượng học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt.
Với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đã được Quốc hội phê chuẩn, sách giáo khoa Cánh Buồm đã có cơ hội để đi vào đời sống giáo dục, được kỳ vọng như một bộ sách được dạy chính thức trong nhà trường; còn nếu chưa vượt qua được sự phê chuẩn của một Hội đồng mà xã hội đòi hỏi có sự minh bạch, công tâm, tinh thần dân chủ, thì rất nên được khuyến khích để bổ sung cho bất cứ bộ sách giáo khoa chính thức nào trong tương lai.
Thuận Thiên (DNSGCT)