Trong một cuộc tiếp xúc rộng rãi tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014, ông Kailash Satyarthi, vừa kêu gọi mọi người cùng đứng vào mặt trận chống lại tệ nạn bóc lột sức lao động và nô dịch trẻ em trên toàn thế giới. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh đến quyền của mỗi trẻ em được cắp sách đến trường.
Lao động trẻ em hiện là một vấn đề gai góc mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu em trên thế giới. Tại Nam Á, 250 ngàn trẻ em từ 4-5 tuổi trở lên phải làm việc tám tiếng mỗi ngày tại những cơ sở dệt thảm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Chỉ riêng ở Haiti, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước có đến 225 ngàn trẻ em, phần lớn là bé gái tuổi từ 5-17, phải ở giúp việc nhà cho những gia đình giàu có. Còn ở Cộng hòa Trung Phi, trẻ em bị khai thác dưới một khía cạnh khác: theo LHQ, khoảng 6.000 binh sĩ trẻ em, trong đó có những em gái được sử dụng như nô lệ tình dục. Nhìn rộng hơn, có trên 50% lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả ở Mỹ, nơi chúng làm trong các nông trại trồng thuốc lá, sức khỏe bị đe dọa bởi nguy cơ ngộ độc chất nicotine. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã làm một bảng tổng kết chung, xác định con số 168 triệu trẻ em đang phải lao động kiếm sống, trong đó hơn 50%, cụ thể là 85 triệu em, làm việc trong những điều kiện nguy hiểm. Satyarthi đưa ra hình ảnh đối nghịch của số trẻ em lao động toàn thời gian và 200 triệu người trưởng thành đang thất nghiệp trên toàn thế giới. Theo ông, đây là một vấn đề phức tạp, một phần do trẻ em dễ khai thác và bóc lột hơn người lớn. Số trẻ em bị bắt làm nô lệ vẫn tồn tại, và con số cách nay 15 năm là 5,5 triệu em. Satyarthi cũng cho rằng LHQ cần giữ vai trò tích cực trong việc giải quyết tệ nạn lao động trẻ em và phải đưa vấn đề này vào các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Ông kêu gọi các tổ chức bảo vệ trẻ em hợp tác một cách quy mô hơn để đảm bảo một chiến lược hoạt động thống nhất và có hiệu quả. Về phần mình, bà Susan Bissell, trưởng bộ phận bảo vệ trẻ em của UNICEF, cũng cho rằng tuyến đầu trong việc chống lại tệ nạn này trước hết phải là chính trẻ em và gia đình của chúng. Bà kêu gọi các tổ chức tư nhân góp phần diệt trừ nạn bóc lột trẻ em, coi quyền lợi của trẻ là mục tiêu chính đáng cần được bảo vệ.
Kết thúc cuộc tiếp xúc tại trụ sở LHQ, ông Kailash Satyarthi đưa ra lời tuyên bố đanh thép: “Nếu chỉ một đứa trẻ ở bất cứ nơi nào trên thế giới bị lâm nguy thì cả thế giới không thể gọi là an toàn. Nếu chỉ một em gái bị rao bán, bị lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp, chúng ta không thể nói là đang sống trong một xã hội có văn hóa”.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)