Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 27,2 tỉ USD trong tám tháng đầu năm 2017, trong đó, nông nghiệp và thủy hải sản vẫn là các ngành chủ lực. Tuy nhiên, việc tạo và giữ chữ “tín” đối với thị trường này quả là khó khăn, khi nào các rào cản thương mại ngày càng khắc nghiệt, mà hình ảnh nông sản Việt ngày càng xấu đi vì cung cách sản xuất tùy tiện, nhắm mắt làm liều sao cho đạt số lượng mà quên đi chất lượng của người sản xuất cùng với việc quản lý thiếu chặt chẽ của ngành chức năng.
Trong bảy tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, chưa thích ứng được với thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang trở thành vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lại chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện Việt Nam là một trong 15 đối tác thương mại nông nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ. Với những nhóm sản phẩm chính: thủy sản, các loại hạt quả hạch, trái cây, rau củ, cà phê, gia vị, mật ong, lúa gạo, ngũ cốc, thành phần và thức ăn thú nuôi. Nhưng giá xuất khẩu nông sản của chúng ta chỉ bằng từ 60 – 65% giá nông sản thế giới. Nguyên nhân khiến nông sản nước ta không được mua với giá cao là do không đảm bảo chất lượng lẫn an toàn sức khỏe, nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn, đó là những lô hàng xuất khẩu không thể nhập cảng hoặc bị trả về.
Chúng ta vẫn nhớ sự kiện hơn 10.000 tấn gạo thơm của Việt Nam bị Mỹ trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nguyên nhân là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra, FDA kết luận có tám hoạt chất có trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép.
Điều đáng ngạc nhiên là cả tám loại hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Mặt khác, gạo cũng không đủ chất lượng vì một số doanh nghiệp đã lợi dụng trộn lẫn gạo kém chất lượng, điều này không thể qua mặt phía đối tác ở Mỹ và kết quả là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm lâm vào tình cảnh hàng xuất đi bị trả lại. Từ năm 2014 đến 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ giảm 32%, gần 1.000 chuyến hàng đến cảng Hoa Kỳ bị từ chối gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Về rau củ quả xuất khẩu, dưới 10% là có chứng nhận an toàn. Theo TS Trần Quốc Vọng, chỉ tính riêng năm ngoái, nước ta nhập đến 116.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, đây là một con số quá khủng khiếp đối với một nền nông nghiệp.
Tại một hội thảo mới đây, ông Herb Cochran – cố vấn chương trình thuận lợi hóa thương mại của Mỹ tại Việt Nam, có bốn mối nguy quan trọng mà các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam thường gặp là: mối nguy về sinh học (bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh); mối nguy về hóa học (phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân hủy thực phẩm, phụ gia, chất tạo màu không được sử dụng, các chất gây dị ứng thực phẩm); mối nguy vật lý (nhiễm bẩn thủy tinh hoặc kim loại); mối nguy từ vô tình hoặc cố ý để đạt được lợi ích kinh tế (làm giả, làm nhái…). nếu cơ sở vi phạm một trong bốn mối nguy quan trọng, FDA có thể ban lệnh tạm dừng với cơ sở sản xuất và cấm đưa sản phẩm vào Mỹ.
Và chậm cập nhật các quy định mới
Hơn 1.000 doanh nghiệp của Việt Nam không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ do không biết đến quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, yêu cầu tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau hai năm. Nhiều người bức xúc cho rằng doanh nghiệp của họ đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ trên dưới mười năm mà khi bị lọt vào “danh sách đen” không nhận được bất kỳ thông tin cảnh báo nào từ phía cơ quan chức năng.
Theo đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, không quá khó khăn để tìm thấy danh sách các doanh nghiệp Việt Nam bị “cảnh báo nhập khẩu” được cập nhật trên website của FDA, điều này lẽ ra các doanh nghiệp làm ăn với Mỹ lâu năm cần phải biết. Hơn nữa, trong năm 2016, FDA đã gửi thông báo cho tất cả các doanh nghiệp là đại diện hoặc đơn vị thứ 3 ủy quyền của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Do đó, với những trường hợp bị từ chối không được chấp nhận xuất khẩu hàng vào Mỹ là do doanh nghiệp không có đơn vị đại diện hoặc không có bên thứ 3 được ủy quyền tại Mỹ, cũng không loại trừ trường hợp đơn vị đại diện tại Mỹ không phản hồi thư báo của FDA trước đó.
Ông David Lennarz cho biết, theo quy định mới, doanh nghiệp muốn xuất hàng vào thị trường Mỹ, bắt buộc phải được FDA cấp mã xác minh. Mã xác minh này được cấp thông qua một đơn vị là đại diện cho doanh nghiệp xuất khẩu tại Mỹ hoặc là đơn vị thứ 3 được ủy quyền. Quy định này được áp dụng cho tất cả các trường hợp đăng ký mới, gia hạn hoặc bị hủy mã số xác minh. Những doanh nghiệp có số FDA đã bị hủy, bắt buộc phải đăng ký lại số mới. Ngoài ra, hàng trước khi đến cảng, doanh nghiệp cần phải khai báo trước thông tin hàng thông qua đơn vị đại diện tại Mỹ hoặc bên thứ 3 được ủy quyền.
Ngoài ra, theo ông Nestor Scherbey, nếu các công ty của Việt Nam chưa làm việc chặt chẽ với nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Mỹ để biết và hiểu về những thay đổi liên quan đến các yêu cầu về an toàn thực phẩm và có những hành động thích hợp cần thiết, đừng cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm qua nước này nữa cho tới khi doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thương mại Mỹ hoàn thành những yêu cầu của quy định mới.
Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục này. Tuy nhiên, vẫn còn một khâu mà doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện là đổi mới công nghệ sản xuất. Vì FSMA quản lý an toàn thực phẩm theo hướng yêu cầu nhà xuất khẩu phải đầu tư xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng là một động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước “tự giác” thực hiện việc này nghiêm túc hơn so với trước đây.
Nên dù là người trồng trọt, sản xuất, chế biến, đóng gói hay vận chuyển liên quan đến thực phẩm, họ đều cần phải đầu tư hệ thống sẵn sàng để xác định và quản lý các nguồn gốc rủi ro trong quy trình hoạt động thông qua bằng chứng dữ liệu ghi nhận và chứng nhận của bên thứ ba. Như vậy, có thể thấy rằng việc kiểm soát ATTP theo chuỗi là một nội dung quan trọng của FSMA, và theo những nhà sản xuất, khâu sản xuất nguyên liệu chính là khâu khó đáp ứng nhất.
Bởi nếu cứ sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm rồi doanh nghiệp thu gom nguyên liệu chỗ này một ít, chỗ kia một ít thì sản phẩm rất khó đảm bảo chất lượng. Việt Nam cũng cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi, đồng thời cần có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi một cách khoa học theo các tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ các thị trường thành công…