Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc áp dụng các bộ Quy tắc ứng xử (CoC) và các tiêu chuẩn như SA8000, ISO 14000,… Tháng 3-2012, Viện nghiên cứu Ethisphere và tạp chí Ethisphere vừa công bố danh sách những công ty được vinh danh là Công ty kinh doanh có đạo đức nhất trong năm 2012(*). Bảng danh sách này gồm 145 công ty thuộc nhiều ngành hàng khác nhau từ hàng không, phần mềm máy tính, cho tới hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm và đồ uống… Trong đó, 43 công ty có đại bản doanh nằm ngoài nước Mỹ, 23 công ty được tôn vinh trong suốt sáu năm liên tiếp bao gồm: American Express, General Electric, Rabobank, PepsiCo, Starbucks và một số công ty khác.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate social responsibility – CSR) ngày càng được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm, và nhiều ý kiến cho rằng các hoạt động CSR nên được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp thay vì chỉ dừng lại ở tính thiện nguyện như hiện nay. Các diễn giả và khách mời đang thảo luận tại buổi hội thảo “Doanh nghiệp và Xã hội” do Quỹ Thời báo Kinh tế Saigon (Saigon Times Foundation – STF) và Thời báo Kinh tế Saigon phối hợp với Công ty Global Integration Business Consultants (GIBC) tổ chức. (Ảnh: Nhat Trieu)
Sở dĩ các công ty cảm thấy vinh dự với sự ghi nhận nói trên vì Ethisphere là tạp chí có uy tín ở Mỹ về xếp hạng đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp do tính độc lập. Giải thưởng The World’s Most Ethical Companies của Ethisphere có uy tín cao vì có hội đồng tư vấn là các giáo sư từ các trường đại học danh tiếng và các doanh nhân thành đạt. Phương pháp tổ chức và các tiêu chuẩn để đánh giá cũng đã được đầu tư nghiên cứu rất công phu. Hiện nay, tạp chí Ethisphere thuộc Viện nghiên cứu Ethisphere. Viện này cung cấp những dữ liệu, xếp hạng đạo đức kinh doanh, minh bạch kinh doanh, chống tham nhũng và hối lộ trong kinh doanh trên nước Mỹ. Viện Ethisphere hoạt động độc lập với các công ty được xếp hạng và không nhận bất cứ khoản phí nào về vấn đề này. Rất nhiều doanh nhân, chính trị gia, nhà hoạt động xã hội công nhận uy tín của Viện nghiên cứu Ethisphere, như Madeleine Albright – nguyên Ngoại trưởng Mỹ, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Huguette Labelle – chủ tịch tổ chức chống tham nhũng và minh bạch quốc tế, các giám đốc điều hành những công ty lớn…
Giải thưởng này có tác động rất lớn đến các nhà quản trị doanh nghiệp không chỉ của nước Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Danh sách các công ty được ghi nhận có rất nhiều tập đoàn có chi nhánh trên toàn thế giới như Standard Chartered Bank, Intel, PepsiCo, GE, Electrolux, Microsoft…
Bên cạnh đó, ngày 8-4-2012, tạp chí Forbes cũng xướng danh top 10 công ty được trọng vọng nhất nước Mỹ của năm 2012(**). Những tập đoàn được vinh danh đã phải nỗ lực rất nhiều ở cấp độ toàn cầu để được ghi nhận và một khi đã được ghi nhận và tôn vinh, chắc chắn họ sẽ phải nỗ lực thêm nữa để năm sau không bị loại ra khỏi danh sách này và thậm chí còn phấn đấu vươn lên những vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng như PepsiCo, từ vị trí thứ 28 năm 2011 lên vị trí thứ 9 năm 2012.
Với những giải thưởng uy tín như thế này, rõ ràng là xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn bởi những giá trị lợi ích mà các công ty phấn đấu, duy trì và phát triển để đóng góp cho một môi trường bền vững lâu dài.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang càng lúc càng xuất hiện nhiều vấn đề về đạo đức kinh doanh: sản xuất tổn hại môi trường, chăn nuôi với chất tạo nạc nguy hiểm, hàng giả hàng nhái tràn lan gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, việc tìm kiếm và vinh danh những công ty sản xuất kinh doanh có đạo đức thiết nghĩ là việc cần làm ngay.
Không dễ dàng để các công ty thực hiện tốt trách nhiệm xã hội vì thực tế có nhiều rào cản và thách thức: nhận thức về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn hạn chế; năng suất bị ảnh hưởng khi phải thực hiện đồng thời nhiều bộ quy tắc ứng xử; thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực trách nhiệm xã hội;…
Không phải công ty nào cũng nhận thức được rằng người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu ngày càng quan tâm hơn tới ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa đối với quyền của người lao động, môi trường và phúc lợi cộng đồng. Những doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm xã hội có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường.
Một nghiên cứu của Edelman Trust Barometer(***), phỏng vấn 2.800 người có trình độ đại học ở 18 nước trên thế giới cho thấy mức độ tin cậy và ủng hộ của cộng đồng đối với các công ty không có trách nhiệm với xã hội ngày càng sụt giảm.
Trong bối cảnh mà thế giới không chỉ nói tới quy mô, thành tích trong kinh doanh, kinh doanh bền vững…, nền tảng của “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR), thì “kinh doanh có đạo đức” – một nấc thang cao hơn trong tháp B. Caroll “CSR” cần được các tổ chức, hiệp hội, báo chí… nhìn nhận và thiết lập như một giải thưởng danh giá xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Cần có một giải thưởng về đạo đức kinh doanh ở ViệtNamtrong thời gian sớm nhất.ν
Tham khảo:
(*) http://www.ethisphere.com/wme/
(**) http://www.forbes.com/sites/jacquelynsmith/2012/04/04/americas-most-reputable-companies/
(***) http://trust.edelman.com/about-trust/
Cái giá phải trả của các công ty không có ý thức trách nhiệm với cộng đồng | ||||
Phản hồi của thế giới | Châu Âu | Bắc Mỹ | Mỹ Latin | Châu Á |
Từ chối mua các sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của các công ty này | 83% | 85% | 79% | 74% |
Từ chối làm việc cho các công ty này | 46% | 51% | 37% | 59% |
Từ chối đầu tư vào các công ty này | 72% | 80% | 61% | 65% |
Thể hiện mạnh mẽ sự chống đối, phản ứng với các công ty này | 24% | 14% | 42% | 23% |
Thảo Trang