Người “đứng ra” trong việc hình thành Gác Trịnh ở Huế mỗi sáng vẫn đều đặn có mặt tại đây. Nói về khách của căn gác này, nhà thơ Phạm Tấn Hầu “dẫn trưng” vài trường hợp. Một người rời Việt Nam khi đang học cấp 2, rồi đi tiếp theo hướng khoa học tự nhiên, miệt mài cho tới cái nấc tiến sĩ.
Như thế, hẳn là ít có thông tin về sinh hoạt văn nghệ nơi quê nhà. Nhưng anh yêu thơ của B. Pasternak, O. Paz, J. Brodsky. Cũng có nghĩa, trình độ thẩm thơ không… thấp. Anh còn cầm cọ nữa. Chỉ là nghiệp dư thôi, nhưng lại được một tờ báo có uy tín “cho lên trang”, hẳn là do tranh vẽ của anh có nét riêng. Những khi thư thả, anh thường ôm đàn nhớ quê, qua ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh… Âm nhạc, như thế, phải chăng là chiếc cầu nối cho những người dân Việt xa quê?
Khách viếng căn gác này, còn là một nông dân sống gần đó, đôi khi ghé đến. Yên lặng bên tách cà phê, lắng tâm những ca khúc của chủ nhân đã qua đời. Rồi bước ra về, nhẹ lòng hơn. Đặng có thể còn khom lưng trên cánh đồng quen mỗi ngày mà nghe vị mồ hôi bớt đi ít nhiều vị chát đắng… Đối với người nông dân này, âm nhạc là con đường có thực, dắt anh đi trên niềm hy vọng để mà sống. Âm nhạc, như thế, đã trở thành chiếc nôi êm cho người dân Việt, trên chính quê nhà, phải không?
Quê nhà là nơi nào vậy? Không dưng mà thơ Bùi Giáng hiện ra. Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa. Thi sĩ ra đi đã 18 năm, mà những dấu ghi không mờ vẫn còn đó, giữa thời-gian-không-mất. Vậy là, đi mà không xa. Cũng có nghĩa là, xa mà gần. “Xa mà gần”, là một khái niệm trong khoa học tự nhiên; chứ không chỉ là cách nói của thơ. Cũng đồng nghĩa với “sự thật” này: Mọi sự phân biệt giữa các lĩnh vực, giữa những điều quen-gọi-là xấu tốt đúng sai cũng không hề có giá trị tuyệt đối…
Lúc này, ngồi trong căn phòng vắng trước rạng đông, tiếng gió thầm qua hiên ngoài. Nếu có một nơi như căn gác tưởng niệm này tôi sẽ đến để thắp nén hương! Vì những người đã hiến dâng đời mình cho nghệ thuật.
Nghệ thuật, sẽ có khả năng biến thành cái cuống rốn… chia lìa, nếu không được bón chăm tưới tắm. Và cuộc sống cũng vậy. Chẳng phải như thế sao?