Các nhà thiên văn học của Đại học Yale (Mỹ) đã công bố ảnh cận cảnh sao chổi 2I/Borisov, mang đến cơ hội hiếm hoi để nhân loại “săm soi” sao chổi đầu tiên được xác nhận đến từ không gian ngoài Thái Dương hệ.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), sao chổi “là những quả cầu tuyết chất chứa khí ga đông lạnh, đá và bụi, xoay xung quanh mặt trời…Khi lướt gần mặt trời, nó bị nóng chảy và tạo ra một cái đuôi bụi, khí”.
Hình ảnh do các nhà thiên văn học của Đại học Yale vừa công bố trên trang news.yale.edu hôm 26.11 phản ánh rõ ràng cái đuôi khổng lồ của 2I/Borisov, với chiều dài gần 160.000 km, gấp khoảng 14 lần kích thước địa cầu.
Để chụp được bức ảnh hớp hồn trên, nhóm chuyên gia phải nhờ đến Đài thiên văn W.M. Keck tại tiểu bang Hawaii.
Một trong những nhà thiên văn học tham gia dự án, ông Pieter van Dokkum đã bày tỏ sự xúc động khi nhận ra “Trái đất nhỏ bé đến dường nào bên cạnh vị khách đến từ hệ mặt trời khác”.
2I/Borisov đã trở thành mục tiêu nghiên cứu của các chuyên gia Trái đất sau khi nó được phát hiện vào ngày 30.8 nhờ vào công của nhà thiên văn học nghiệp dư Gennady Borisov (người Crimea).
Đến ngày 10.10, họ tuyên bố “vật thể lạ” đến từ một hệ sao đôi có tên “Kruger 60”, cách địa cầu khoảng 13 năm ánh sáng.
2I/Borisov sẽ đến sát mặt trời vào ngày 10.12, cho phép cộng đồng khoa học có cơ hội phân tích nó trong ít nhất 6 tuần nữa trước khi thiên thể này biến mất.
Đây là lần thứ hai trong nhiều năm một vật thể thuộc không gian liên vì sao “đi lạc” vào hệ mặt trời. “Vị khách” đầu tiên là Oumuamua 2.0, ghé thăm vào năm 2017.