101 triệu kết quả tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa “thực phẩm chức năng”. Theo Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, cứ 100 người tại Hà Nội thì có 56 người sử dụng thực phẩm chức năng và con số này tại TP. Hồ Chí Minh là 48/100.
Ngành công nghiệp thực phẩm chức năng và dinh dưỡng bổ sung tại Việt Nam đã đạt 4,1 tỉ đôla doanh thu năm 2017 và trên 30% doanh thu đó được sử dụng để tiếp thị và quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và kênh bán hàng. Giữa ma trận quảng cáo và thông tin đó, bạn cần phải là một người tiêu dùng thông minh.
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo dược, axit amin, enzyme và nhiều sản phẩm khác.
Chúng có nhiều dạng khác nhau như viên nén truyền thống, viên nang, bột, dạng lỏng và thanh năng lượng.
Các chất bổ sung phổ biến bao gồm vitamin D và E; các khoáng chất như canxi và sắt; các loại thảo mộc như trà xanh và tỏi; và các sản phẩm đặc biệt như glucosamine, men vi sinh và dầu cá.
Mặc dù đa số thực phẩm chức năng được nhà sản xuất tuyên bố là “có nguồn gốc tự nhiên”, việc sử dụng chúng vẫn đòi hỏi bạn phải có những hiểu biết cơ bản.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc
Mặc dù, nhà sản xuất luôn tuyên bố điều này trên bao bì hoặc quảng cáo nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu điều đó.
Rất nhiều người tìm đến thực phẩm chức năng với hy vọng chữa trị một chứng bệnh nào đó. Điều này có thể làm lãng phí thời gian và tiền bạc.
Bạn đừng bao giờ quyết định dùng thực phẩm chức năng để điều trị một tình trạng sức khỏe mà bạn tự chẩn đoán mà không tham vấn với bác sĩ.
Mặt khác, thực phẩm chức năng cũng không thể nào thay thế được chế độ ăn uống lành mạnh. Vì vậy, bạn đừng bao giờ lơ là việc ăn uống chỉ vì bạn đã dùng thực phẩm chức năng.
Nhãn thực phẩm chức năng
Nhiều người chỉ quan tâm đến công dụng và cách dùng khi xem nhãn thực phẩm chức năng.
Thật ra, thông tin quan trọng nhất trên nhãn là thành phần, lượng hoạt chất cho mỗi khẩu phần, các thành phần khác (như chất độn, chất kết dính và hương liệu), xuất xứ và các tiêu chuẩn mà nhà sản xuất tuân thủ.
Thành phần rất quan trọng bởi vì nhiều loại thực phẩm chức năng có thể chứa những hoạt chất mà cơ thể bạn bị dị ứng hoặc có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng và gây ra tác dụng phụ.
Chẳng hạn, ở Mỹ người ta từng ghi nhận một vài trường hợp dị ứng với glucosamine có nguồn gốc từ vỏ sò.
Một điều cần lưu ý khác là nhà sản xuất luôn đề xuất liều lượng sử dụng, nhưng chỉ có bạn hoặc bác sĩ của bạn mới có thể quyết định chính xác liều lượng phù hợp nhất mà bạn nên dùng, căn cứ theo chế độ ăn uống và các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng.
Hiệu quả
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng một số chất bổ sung từ thực phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát một số điều kiện sức khỏe.
Ví dụ, canxi và vitamin D rất quan trọng trong việc giữ cho xương chắc khỏe và giảm hiện tượng mất xương; axit folic làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi; các axit béo omega-3 từ dầu cá có thể giúp tăng cường sức khỏe ở một số người bị bệnh tim. Mặt khác, nhiều loại thực phẩm chức năng vẫn cần được nghiên cứu thêm để xác định giá trị của chúng.
Mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về việc xác định hiệu quả của các loại thực phẩm chức năng.
Chẳng hạn, ở Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không xác định liệu các thực phẩm chức năng có an toàn và hiệu quả thật sự như tuyên bố của các nhà sản xuất hay không trước khi chúng được đưa ra thị trường.
Điều đó có nghĩa là nhà sản xuất tự chịu trách nhiệm về tuyên bố an toàn và công dụng của sản phẩm.
Trong khi đó, ở Canada, Bộ Y tế Canada sẽ công nhận hiệu quả công dụng của những loại thực phẩm chức năng nếu nhà sản xuất chứng minh được điều đó thông qua quá trình nghiên cứu nghiêm ngặt về an toàn và công dụng của sản phẩm trên người sử dụng.
Đối với Việt Nam, tất cả các loại thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường cần phải được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm nhưng không xác nhận công dụng.
Vì vậy, nếu bạn muốn biết liệu loại thực phẩm chức năng mà bạn định dùng thật sự công hiệu như tuyên bố của nhà sản xuất, bạn có thể kiểm tra nguồn gốc và giấy phép lưu hành của sản phẩm thường được đăng trên website của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối.
An toàn và rủi ro
Nhiều chất bổ sung trong thực phẩm chức năng có chứa các thành phần hoạt tính có thể có tác dụng mạnh trong cơ thể. Hãy luôn cảnh giác với khả năng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là khi dùng một sản phẩm mới.
Thực phẩm chức năng có nhiều khả năng gây tác dụng phụ hoặc gây hại nhất khi bạn dùng chúng thay vì dùng thuốc theo toa hoặc khi bạn uống nhiều loại thực phẩm chức năng kết hợp.
Một số loại thực phẩm chức năng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc nếu một người dùng thực phẩm chức năng trước hoặc sau khi phẫu thuật, chúng có thể ảnh hưởng đến phản ứng của người đó khi gây mê.
Thực phẩm chức năng cũng có thể tương tác với các loại thuốc uống theo toa nhất định theo những cách có thể gây ra vấn đề.
Thí dụ các chất bổ sung chất chống oxy hóa, như vitamin C và E, có thể làm giảm hiệu quả của một số loại hóa trị ung thư.
Hãy nhớ rằng một số thành phần của thực phẩm chức năng sẽ thêm vào lượng chất dinh dưỡng mà bạn nhận được từ các loại thực phẩm, bao gồm cả ngũ cốc và đồ uống.
Kết quả là bạn có thể nhận được nhiều các thành phần này hơn bạn nghĩ và nhiều hơn nữa có thể không tốt cho sức khỏe. Dùng nhiều hơn mức cần thiết luôn tốn kém hơn và cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Ví dụ, quá nhiều vitamin A có thể gây đau đầu và tổn thương gan, giảm sức mạnh của xương và gây dị tật bẩm sinh. Dư thừa sắt gây buồn nôn và ói mửa và có thể làm tổn thương gan và các cơ quan khác.
Đặc biệt, hãy thận trọng trong việc sử dụng thực phẩm chức năng nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
Ngoài ra, hãy cẩn thận khi bổ sung thực phẩm chức năng (ngoài các sản phẩm đa vitamin/ khoáng chất cơ bản) cho trẻ em. Hầu hết các thực phẩm chức năng chưa được thử nghiệm an toàn ở phụ nữ mang thai, cho con bú, hoặc trẻ em.
Chất lượng
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm phức tạp. Những nhà sản xuất có uy tín sẽ sản xuất chúng theo các quy định GLP (thực hành tốt phòng thí nghiệm) và GMP (thực hành sản xuất tốt).
Những quy định này được thiết kế để ngăn chặn việc sản xuất sai thành phần, việc bổ sung quá nhiều hoặc quá ít của một thành phần, khả năng ô nhiễm, bao bì không đúng và ghi nhãn sai của một sản phẩm.
Bạn có thể kiểm tra liệu sản phẩm mà bạn đang dùng có được sản xuất theo tiêu chuẩn GMP và GLP hay không bằng cách xem trên nhãn sản phẩm
Hãy là người tiêu dùng thông minh
– Tìm hiểu thông tin về loại thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng từ những nguồn đáng tin cậy.
– Hãy hiểu rằng thuật ngữ “tự nhiên” không phải lúc nào cũng an toàn. An toàn của thực phẩm chức năng phụ thuộc vào nhiều thứ, chẳng hạn như nguyên liệu sử dụng, cách mà chất đó hoạt động trong cơ thể, phương pháp sản xuất và liều lượng sử dụng.
– Hãy báo với bác sĩ của bạn về các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng nếu bạn dự định có bất kỳ loại phẫu thuật nào.
– Hãy thận trọng nếu người bán ca ngợi thực phẩm chức năng nào đó như thần dược, có khả năng điều trị bệnh, ngăn ngừa được bệnh, hoàn toàn an toàn hoặc không có tác dụng phụ.
– Không dùng thực phẩm chức năng thay cho thuốc hoặc kết hợp với các loại thuốc theo toa mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
– Hiểu rõ lợi ích tiềm năng của sản phẩm cũng như rủi ro nếu có của sản phẩm trước khi dùng.
– Phải xác định được liều lượng thích hợp, dùng thế nào, khi nào và trong bao lâu.
– Lưu giữ thông tin về các loại thực phẩm chức năng mà bạn uống ở một nơi, giống như bạn nên làm cho tất cả các loại thuốc của bạn. Lưu ý tên sản phẩm cụ thể, liều lượng bạn uống, tần suất bạn uống và lý do tại sao bạn sử dụng chúng. Bạn cũng có thể mang theo các sản phẩm bạn sử dụng khi bạn gặp bác sĩ và hãy thảo luận với bác sĩ về những gì tốt nhất cho sức khỏe tổng thể của bạn.