Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 23.000 ca cấp cứu và hơn 2.100 ca nhập viện điều trị liên quan đến thực phẩm chức năng. Nguyên nhân là do tác dụng phụ, bị dị ứng thuốc, dư liều lượng… Đây là kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine vào cuối tháng 10-2015. Ở Việt Nam, ước tính khoảng 10% dân số hiện đang thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm chức năng (TPCN) hằng ngày và số người phải tìm đến bác sĩ do tác dụng phụ hoặc do dị ứng cũng không phải là hiếm.
Thuốc bổ nên dùng càng nhiều càng tốt
Ngày càng nhiều người tin dùng TPCN với mục tiêu cải thiện sức khỏe theo quan niệm: “Không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Nguyên liệu để sản xuất TPCN đã được chứng minh là có nguồn gốc từ tự nhiên và an toàn cho người sử dụng nên hầu hết chúng ta đều không lo lắng về tác dụng có hại của nó. Tuy nhiên, việc sử dụng TPCN không đúng cách, đúng liều có thể gây hại cho sức khỏe. Trước hết, bất kỳ loại thực phẩm nào khi vào cơ thể đều phải qua gan xử lý, nếu sử dụng quá nhiều TPCN sẽ tạo gánh nặng cho gan, từ đó các chất thừa tích tụ lâu ngày, không phân giải được gây khó chịu, nếu nặng mắc viêm, xơ gan.
Theo TS Aoi Sedarat, Trưởng khoa Tiêu hóa – dạ dày ở Trung tâm Y Dược Hackensack (New York) thì chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể nghiêm trọng hơn do bổ sung các loại vitamin, thậm chí có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Một số loại khoáng chất trong TPCN có thể gây tác động ngoài ý muốn lên niêm mạc dạ dày, gây khó tiêu và đau dạ dày.
Còn theo nghiên cứu của Trường Đại học Colorado (Mỹ) thì bổ sung quá liều các loại vitamin tổng hợp có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và ung thư. Chẳng hạn như beta carotene – một chất bổ sung được cho là hỗ trợ tích cực cho hệ miễn dịch – nếu dùng quá mức sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi và bệnh tim lên đến 20%…
Theo kết quả nghiên cứu về 23.000 người Mỹ phải đi cấp cứu mỗi năm do TPCN nói trên thì có hơn 50% ca là do sử dụng thực phẩm giảm cân và thực phẩm bổ sung năng lượng. Những người sụt cân nhanh thường là do nguyên nhân bệnh nghiêm trọng, trong đó có cả ung thư. Vì vậy, khi muốn sử dụng TPCN bổ sung năng lượng, hỗ trợ tăng cân, chúng ta nên tìm lời khuyên ở bác sĩ có uy tín. Ngược lại, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng không có loại TPCN nào có thể giúp giảm cân nhanh chóng mà an toàn đối với sức khỏe. Muốn giảm cân, chúng ta cần kết hợp thay đổi trong khẩu phần ăn, giảm stress và tập luyện thể dục đều đặn.
Thực phẩm chức năng giả tràn lan
Thực phẩm chức năng là một trong những mặt hàng được nhiều người quan tâm, sử dụng. Nó là thực phẩm hỗ trợ sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng. Nhưng lựa chọn sử dụng như thế nào cho đảm bảo sức khỏe là một vấn đề khó khăn, khi mà tình trạng hàng nhập lậu, xách tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng phổ biến.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 40% loại TPCN đang lưu hành trên thị trường là hàng nhập khẩu. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là thị trường TPCN rất phức tạp, với không ít những sản phẩm kém chất lượng, có thể gây nguy hại cho người sử dụng. Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thì có rất nhiều mẫu kiểm tra không đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng. Chẳng hạn như Genki 6 và Genki 9 King’s Secrets được quảng cáo xuất xứ Mỹ và Nhật Bản với hoạt chất chính là sâm Ginseng noisde có tác dụng nâng cao sức khỏe, phục hồi tuổi thanh xuân, nhưng qua kiểm nghiệm không hề có hoạt chất bổ dưỡng trên.
Theo PGS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, các quy định quản lý việc sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Sản phẩm lưu hành trên thị trường chỉ dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; việc đánh giá tính hiệu quả chủ yếu dựa vào bằng chứng kinh nghiệm thông qua tiếp xúc, từng trải trong áp dụng, mà thiếu những đánh giá về hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết, các mối nguy hại, độc tính gây ra. Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, do thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thực phẩm chức năng trong nước, từ khâu nuôi trồng dược thảo đến cơ sở sản xuất, trang thiết bị cũng như các quy định về quản lý, đánh giá nguy cơ, bằng chứng khoa học… nên ngành thực phẩm chức năng phát triển “tự do”, thiếu định hướng và người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng thực sự của các sản phẩm này.
Theo ông Trần Đáng thì việc phân biệt TPCN thật – giả không đơn giản, tốt nhất là cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Chúng ta có thể nhờ bác sĩ giải thích về thực chất của các loại thực phẩm này, đồng thời cũng cần kiểm tra sức khỏe xem có thể sử dụng thực phẩm đó không.
“Thực tế, khi bổ sung các loại chất bổ sung và vitamin qua TPCN thì cơ thể chỉ hấp thu khoảng 10%, phần còn lại là theo chất thải ra ngoài. Nếu có thể cân bằng cuộc sống của bạn với dinh dưỡng hợp lý chúng ta không cần phải sử dụng bất cứ một loại TPCN nào”, TS Aoi Sedarat cho biết.
Những trường hợp quá tin vào TPCN, không chú trọng việc thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện lối sống thì không những không ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tật mà cũng không thể duy trì được tình trạng sức khỏe cần thiết. Chúng ta luôn nhớ rằng thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên vẫn là nguồn dưỡng chất dồi dào nhất, cung cấp đầy đủ muối khoáng và dinh dưỡng cho cơ thể phát triển khỏe mạnh nhất.
- Thiên Thiên