Dự kiến trong tháng 7 này, bảy chương trình đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại TP.Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu khởi động. Bảy chương trình này bao gồm: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chương trình giảm ô nhiễm môi trường và chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Những con số được đưa ra tại buổi hội thảo chủ đề “Hướng đi nào để cải thiện môi trường đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh” diễn ra vào sáng 20-6 vừa qua đã khiến nhiều người tỏ ra lo ngại – Chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh năm 2015 của thành phố xếp thứ 47/63, còn chỉ số về tính minh bạch sụt giảm từ thứ 4 vào năm ngoái xuống thứ hạng 17. Hầu hết những chỉ số về sự tham gia của người dân, tính công khai minh bạch, giải trình cho người dân, giải quyết tham nhũng… đều bị sụt giảm. Một trong những ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư mà hội thảo nhắc đến nhiều lần là vụ việc liên quan đến quán cà phê Xin Chào (quận Bình Chánh) bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh.
Với chương trình cải cách hành chính, nội dung được cho là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, doanh nghiệp cho rằng thành phố cần ban hành các biện pháp chế tài mạnh mẽ chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, nhận phí bôi trơn, đồng thời việc tuyển dụng công chức phải công khai, minh bạch tránh gian lận, tránh ưu tiên, quan hệ, tiền lệ trong tuyển dụng công chức.
Còn về vấn đề giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông thì ông Trần Thế Du cho rằng thành phố cần một cách tiếp cận và triển khai hoàn toàn mới là tập trung nguồn lực cho việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thay vì xây thêm đường như hiện nay. Ông cho rằng nếu việc tập trung xây thêm đường và làm cầu vượt để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông như hiện nay thì chương trình này khó đạt kết quả như mong muốn.Bài học thực tế ở các nước trên thế giới là càng xây nhiều đường thì tình trạng tắc đường càng trở nên nghiêm trọng hơn.Nguyên nhân là khi xây thêm đường, nhiều người sẽ có xu hướng mua sắm thêm phương tiện cá nhân và sử dụng thường xuyên hơn.Kết quả là tình trạng giao thông chỉ được giảm nhẹ trong giai đoạn ban đầu khi đường mới xây xong, sau đó lại tiếp tục tắc nghẽn. Hơn nữa, xây cầu vượt giúp cho tình trạng giao thông đỡ “rối” như hiện nay thực ra là giải pháp lợi bất cập hại vì nó gây bất lợi rất lớn cho việc phát triển hệ thống vận tải công cộng. Như vậy, thành phố cần xem xét tập trung phần lớn nguồn lực để phát triển cho bằng được hệ thống vận tải hành khách công cộng trong năm đến mười năm tới.
Ngoài ra, thành phố cần chú trọng về các giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường nâng cao năng lực các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố bằng cách mở rộng hệ thống bán lẻ trên phạm vi toàn địa bàn, mở rộng đầu mối phân phối. Hội thảo cũng kỳ vọng các buổi gặp gỡ doanh nghiệp không chỉ tính hình thức, không phải là nơi “kể khổ” mà đến để đưa ra những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cụ thể. Thông qua các nhóm vấn đề cần giải quyết được đưa ra, lãnh đạo thành phố sẽ biết được vấn đề, khó khăn đầu tư ở đâu để có giải pháp xác đáng và có trọng tâm.
Đức Hoàng (DNSGCT)