Cơ quan quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và nghề nghiệp Pháp (Anses) đã làm triển lãm nghề thông cống vào ngày 22-6 tại Paris. Triển lãm cho thấy những nguyên tố hóa học trong nước thải, các tác nhân sinh học trong không khí ô nhiễm, chuột, bọ, rác… trong hệ thống cống ngầm thành phố đều có tác hại vô cùng lâu dài với những người thông cống. Đồng thời, Anses đề xuất các biện pháp bắt buộc đảm bảo sức khỏe lâu dài cho những ai phải làm việc bên trong hệ thống cống ngầm ở Pháp.
Paris có 1.500 người thông cống chuyên nghiệp, nhưng chỉ 265 người trong số đó thường xuyên phải làm việc suốt thời gian trong hệ thống cống ngầm thoát nước. Tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, viêm da… và các bệnh truyền nhiễm khác của họ là rất cao so với các ngành nghề khác. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan, phổi cũng cao khác thường, cho dù đến nay vẫn chưa xác định được những nhân tố thủ phạm cụ thể. Năm 2011, một nghiên cứu của Viện quốc gia về bệnh nghề nghiệp và tai nạn nơi làm việc (NRS) cũng đã cho thấy tỷ lệ tử vong bệnh đường ruột, ung thư… và tự tử trong số những người thông cống cao hơn hẳn. Bổ sung vào nguồn số liệu, Anses tiến hành hai đợt xét nghiệm trực tiếp người làm nghề (vào tháng 10-2014 và tháng 3-2015) cho thấy những người thông cống phải tiếp xúc thường xuyên với hỗn hợp hóa chất và sinh học độc hại, nhất là những nhân tố gây ung thư, đột biến trong sinh đẻ.
Cuộc triển lãm cũng cho thấy điều may mắn cho người thông cống là họ không còn phải tiếp xúc với phóng xạ, nhờ có sự nghiên cứu và hợp tác hỗ trợ của Viện an toàn hạt nhân. Nhưng dù sao vẫn phải tiến hành nạo vét các bể lắng, quét cống thoát nước bằng áp lực cao, cơ giới hóa mọi công việc có thể, tự động hóa việc thông gió. Bất kể ai, trước khi xuống cống ngầm thoát nước tác nghiệp, buộc phải qua một lớp huấn luyện nghiêm túc và đầy đủ vệ sinh an toàn.
Năm 2014, hệ thống cống thoát nước thải (kể cả nước mưa) ở Pháp tổng cộng dài 385.000km. Chính quyền địa phương quản lý nhận chỉ tiêu nối dài thêm trung bình mỗi năm 6.500km cống, thuê công ty tư nhân thực hiện. Viện môi trường quy định mỗi ca làm việc bên trong cống ngầm chỉ được phép trong vòng 3-5 giờ.
Lê Lành theo Le Figaro (DNSGCT)