Sáng Chủ nhật trong một cửa hàng cà phê thuộc dạng có thương hiệu không còn bàn trống. Khách đa phần ở khu chung cư cao cấp, cha mẹ trẻ đưa con đến ngồi, những bạn trẻ là học sinh, sinh viên, khách lớn tuổi cùng bạn bè… Nhạc trong quán hơi lớn, lại thêm có trẻ con nên hơi lộn xộn. Tuy vậy, người nào chuyện ấy như chẳng ai thấy phiền về tiếng ồn, dù có nói to hơn một chút. Vài cô cậu trẻ tuổi cắm cúi vào laptop, điện thoại, không để ý chung quanh.
Bàn có bốn người bạn lớn tuổi ngồi đã lâu, câu chuyện cũng gần vơi. Một ông bố trẻ, đi theo sau cháu bé khoảng hai tuổi đang tập chạy. Không hiểu sao bé cứ chạy đến chỗ bàn bốn người và núp sau lưng một người đàn ông.
Sợ phiền người lạ, bố lại bế bé ra. Một hồi bé cũng chạy tiếp núp sau lưng ghế. Cứ như thế. Đến nỗi trong bàn ai cũng ngạc nhiên và bật cười không hiểu lý do gì cháu bé cứ đến sau lưng ghế ấy. Mọi người đoán hay là người đàn ông mặc áo đỏ nên gây chú ý cho cháu bé. Người khác đùa, vậy là hên rồi, hôm nay có cú áp phe nào thì nhanh chóng mà chớp lấy thời cơ…
- Xem thêm: Ứng xử tình huống
Một phụ nữ trong bàn thấy cháu bé dễ thương và lại vui vẻ nữa mới nói để lấy cái bánh trong giỏ ra tặng cháu bé. Ý chị cũng bình thường, như một kiểu xã giao khi người lớn thấy con nít đáng yêu.
Tuy nhiên, chị bạn ngồi cạnh nói không nên. Chị này có hai ý, thứ nhất, không cho trẻ con kẹo bánh dễ làm chúng hư, thứ hai chưa chắc bố cháu đã vui. Thêm nữa, bây giờ cha mẹ nào cũng cảnh báo con mình không được nhận bất kỳ thứ gì từ nơi người lạ.
Chị này kết luận, đôi khi một việc làm tế nhị, vui vẻ lại gây khó chịu cho người khác – ở đây là ông bố trẻ. Chị “ra đòn” cuối: “Đây là khu dân cư cao cấp, toàn người giàu có, chắc chắn họ không muốn điều này”.
Thế nhưng chị này gặp phải phản ứng của ba người trong bàn. Chị muốn lấy bánh cho rằng, cái bánh chị đưa cháu bé là loại đắt tiền, chắc hẳn người bố sẽ không có ý nghĩ rằng chị dụ con nít mà xuất phát từ lòng cảm mến.
Thêm nữa, nếu lịch sự thì họ sẽ nhận cho vui vẻ, sau đó có thể ra ngoài kia họ bỏ thùng rác nhưng đó cũng là cách xử lý tế nhị. Hai người kia cũng đồng tình việc cho trẻ con cái bánh là xuất phát từ sự chân tình, phải yêu trẻ thật sự mới làm điều này.
Tuy nhiên, cuối cùng ông bố trẻ từ chối nhận bánh và bế con đi.
Rõ ràng, trong tình huống này thì ý kiến của chị cảnh giác là đúng và bình thường trong xã hội hiện nay, vả lại cháu bé còn nhỏ cần phải dạy cháu không nhận quà từ người lạ làm nên thói quen không tốt.
Tuy nhiên, ba người kia vẫn bảo lưu ý kiến rằng, không có gì nghiêm trọng khi cho một cháu bé cái bánh, tạo nên mối liên kết thân thiện. Ở bên Mỹ mùa Halloween nhà nào mà không có bánh kẹo cho con nít là bị chúng tẩy chay, la ó ngay.
Chị cảnh giác thì lý luận, không thể so sánh xã hội Mỹ với xã hội Việt Nam, dù có đang trong một môi trường có mức sống cao.
- Xem thêm: Niềm tin xa xỉ?
Suy luận về chuyện này, nhiều người nghĩ chị cho bánh xử sự đúng, hợp tình. Anh bố trẻ xử sự vậy cũng đúng, tuy nhiên nếu anh thêm lời cảm ơn và nụ cười thân thiện sẽ hay hơn. Ý kiến chị cảnh giác cũng đúng nhưng lại thấy vẻ đề phòng cao độ quá, không tin tưởng vào xã hội mà mình đang sống. Nhìn đâu cũng thấy chuyện phải cảnh giác. Tâm lý của người Việt bao đời nay khi thấy con nít luôn thích cho một thứ gì đấy, xuất phát từ tấm lòng chân thật, thân thiện, tự nhiên.
Rõ là đúng với điều kiện một xã hội trong trẻo, an toàn. Còn ở thời điểm khi mà tất cả phụ huynh đều biết cần phải giáo dục con mình phải cảnh giác với người lạ thì điều cho bánh kẹo này là không nên.
Cuộc tranh luận chưa dừng lại vì đã đến lúc phải đứng lên. Mỗi người rời đi mang theo trong lòng nỗi ấm ức không diễn tả được. Đã đến lúc con người phải thủ thế và dè chừng nhau từ cái tuổi hồn nhiên, trong trẻo cần sự thân thiện nên có ở một đứa trẻ con rồi chăng?
Bạn nghĩ sao về cách yêu thương trẻ con này?