Trong câu chuyện cà phê với chủ đề về giao thông, một bà mẹ cho rằng xe buýt là nơi để người ta tập dần cách hành xử văn minh.
Bà mẹ giải thích, do có thời gian rảnh rỗi, lại lớn tuổi nên bà thường chọn xe buýt để di chuyển. Sau vài năm, bà nhận thấy xe buýt ở thành phố đã có rất nhiều cải tiến.
Đầu tiên là trang web. Hiện nay rất dễ dàng truy cập, tiện lợi để mọi người tìm thông tin tuyến xe mình sẽ đi. Những thông tin về điều chỉnh tuyến được cập nhật rất nhanh, sơ đồ tuyến rất tiện nghi. Ngoài những thông tin như cự ly, loại xe, số điện thoại, thời gian hoạt động…, còn có bản đồ hành trình chi tiết từng điểm dừng, rất thuận lợi cho khách tìm được địa điểm đi và đến.
- Xem thêm: Cách yêu thương
Cải tiến thứ hai là xe buýt bây giờ sạch sẽ và có nhiều xe mới. Trên xe có loa thông báo tự động chuẩn bị đến từng điểm dừng cho khách biết. Đi xe mới rất thích, vừa đúng giờ vừa mát mẻ, sạch sẽ.
Điều nữa, bà cho rằng, đa phần tài xế hay nhân viên soát vé hiện nay rất vui vẻ, dễ chịu với khách. Về thời gian đi xe buýt đúng là có chậm hơn so với đi xe máy nhưng đây là phương tiện đi lại rất an toàn, không sợ mưa nắng. Khách đi xe buýt giờ đây cũng lịch sự với nhau hơn.
Bà kể chuyện, có lần bà đi xe số 8 từ bến xe quận 8 về Phú Nhuận. Đây là một trong những tuyến đông khách là học sinh, sinh viên. Hôm ấy bà ngồi cạnh một cô bé có vóc dáng và gương mặt khá xinh xắn. Vừa ngồi xuống cô lấy điện thoại, gắn tai nghe và nhoay nhoáy bấm, quẹt rất chăm chú, như không quan tâm đến chung quanh.
Vậy mà lúc cửa xe vừa mở, trong số hành khách bước lên có một phụ nữ lớn tuổi hai tay xách hai túi (có vẻ) nặng, lập tức cô bé đứng lên nhường chỗ và nói: “Bà vào đây ngồi”. Người phụ nữ nói cảm ơn. Theo ý bà mẹ, dù đây là phép ứng xử cơ bản trên xe buýt nhưng cái cách của cô bé cho thấy đó là hành động văn minh.
Rồi một câu chuyện khác, lần ấy bà thấy một cậu thanh niên khoảng 23 tuổi lên xe ở một trạm. Trông hình dạng bên ngoài cũng tươm tất, sạch sẽ, tuy nét mặt có vẻ mệt mỏi, không tự tin. Lúc anh bán vé đến thu tiền, cậu ta đưa ra tờ giấy một ngàn đồng và nói: “Em còn có một ngàn đồng, em đi tìm việc mà không có việc, tiền ăn cơm hết rồi, anh lấy giùm em”.
Anh bán vé hỏi em xuống đâu, cậu thanh niên nói, dạ em xuống…, xe này có chạy đến đó không anh. Anh bán vé: “Thôi được em ngồi đó đi rồi chút anh chỉ chỗ em xuống đi tiếp” (anh bán vé không lấy một ngàn đồng). Lúc gần đến một trạm, anh bán vé ngoắc cậu thanh niên đến, đưa năm ngàn đồng và nói: “Em xuống trạm này, đón xe số… là đến nơi, anh cho em năm ngàn, đủ sáu ngàn để mua vé về nhà”.
Một bài học xử thế về tình người trên xe buýt mà bà và nhiều người khác ngồi trên xe hôm ấy không thể không suy nghĩ.
Bà mẹ này kết luận, để xe buýt thu hút hành khách ở thời điểm hiện tại là rất khó, bởi tâm lý số đông e ngại đi xe buýt phải chờ đợi, đi bộ đến trạm mất thời gian, nắng nôi… Thế nhưng, để thành phố phát triển theo hướng hiện đại, người dân phải tập quen dần với phương tiện giao thông công cộng cũng như cách hành xử văn minh không chỉ trên xe buýt mà còn bước xuống lòng đường tham gia vào hoạt động chung của xã hội.
- Xem thêm: Câu chuyện cuối năm
Từ những việc như không xô đẩy, chen lấn, nhường chỗ cho người cao tuổi, người tàn tật, phụ nữ mang thai, có con nhỏ… cho đến việc biết lễ phép với không chỉ hành khách mà còn với nhân viên xe buýt, giữ vệ sinh công cộng… Đó là cách hành xử văn minh. Từ những việc nhỏ nhặt như thế, mới mong xã hội quy củ, nề nếp.
Tất nhiên hôm ấy những người bạn cà phê chưa tỏ vẻ đồng tình với bà mẹ về việc thay phương tiện cá nhân bằng phương tiện giao thông công cộng, nhưng những câu chuyện bà kể cũng khiến họ suy nghĩ. Nhìn ra xứ người, có xứ nào xe máy nhiều như Việt Nam? Đến nỗi ông Tổng thống Obama cũng phải phát biểu rằng chưa bao giờ ông thấy xe máy nhiều như thế trong chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua.
Ai chẳng ước mơ được sống trong một xứ sở văn minh. Nhưng trước tiên, mỗi người phải tập cách hành xử văn minh cái đã…