Các đồng tiền châu Á đang ở trong xu hướng giảm giá mạnh so với đồng USD kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo tin từ Bloomberg, đối mặt với tình trạng mất giá chóng mặt của đồng nội tệ ringgit hậu bầu cử Mỹ, Ngân hàng Trung ương Malaysia từ cuối tuần qua đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá. Giới đầu tư lo ngại về khả năng Malaysia tung các biện pháp kiểm soát đà mất giá của nội tệ.
Trong một diễn biến khác, giới đầu tư nước ngoài đã tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu châu Á, trong đó có thị trường Malaysia, sau khi ông Trump trúng cử. Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, hậu bầu cử Mỹ, giới đầu tư nước ngoài đã rút hơn 1 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Các nhà phân tích cho rằng chính sách của Tổng thống Trump sẽ kéo lạm phát và lãi suất ở Mỹ gia tăng, theo đó gia tăng sức hấp dẫn của đồng USD và các tài sản ở Mỹ. Những dự báo như vậy đã đẩy tỷ giá USD tăng cao và đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sụt giảm mạnh.
Cũng vào cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ ngày thứ 11 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong tám năm.
Trong khi đó, Dollar Index, chỉ số đo sức mạnh đồng USD so với một rổ các đồng tiền chủ chốt, tăng lên mức 101,15 điểm, cao nhất 13 năm. Chỉ số này đang ở trong phiên tăng thứ 10 liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ năm 2012.
Tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen mới đây càng tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, bà Yellen nói việc tăng lãi suất của đồng bạc xanh có thể “trở nên phù hợp trong thời gian rất gần”.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng củng cố khả năng về một động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Tờ Financial Times cho biết thị trường hiện đang đặt cược khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 ở mức 96%.
Đồng yen Nhật, won Hàn Quốc, rupee Ấn Độ… cũng không nằm ngoài danh sách những đồng tiền giảm giá so với đồng USD.
Đ.N (DNSGCT)