Từ tháng 4, Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ số 34/2010/NĐ-CP, đã được triển khai nhằm hạn chế tình trạng xe vận chuyển quá tải trọng cho phép gây hư hỏng công trình cầu đường, gây mất an toàn giao thông. Nhưng quy định xe vận chuyển đúng trọng tải này đã làm cho chi phí vận tải, logistics của doanh nghiệp tăng lên từ 100 – 300%, vì thế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vận tải tìm cách né trạm cân, “vượt rào” để giảm thiểu chi phí.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này đồng thời tìm cách để tối ưu hóa chi phí logistics, chúng tôi đã có trao đổi với ông Julien Brun, Tổng giám đốc của Công ty CEL Consulting, chuyên tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và điều hành sản xuất tại khu vực Đông Nam Á.
Xin ông chia sẻ thông tin cập nhật tình hình về việc tăng chi phí logistics đối với doanh nghiệp hiện nay?
Từ khi Chính phủ ban hành nghị định giam những xe chạy quá tải trọng thì thị trường vận tải trong nước khá là căng thẳng, nhất là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8. Theo dự kiến của các nhà vận tải thì chi phí vận tải sẽ tăng cao gấp hai hay ba lần và chi phí này sẽ được chuyển qua các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải. Theo thống kê của chúng tôi, mức giá trung bình sẽ tăng 15 – 40% trong ngắn hạn và 10 – 20% trong dài hạn. Những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm và nước giải khát, vật liệu xây dựng…
Chi phí logistics tăng ảnh hưởng tới ngành nào là chủ yếu, thưa ông?
Việt Nam vốn đã là nước có chi phí vận tải tương ứng với GDP cao nhất trong khu vực, chiếm khoảng 25% GDP. Nghị định mới được thực thi quyết liệt trong mấy tháng gần đây lại làm tăng thêm chi phí vận tải, gây áp lực càng nặng nề đối với nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tùy theo từng ngành nghề mà áp lực chi phí có sự khác nhau. Chẳng hạn như các doanh nghiệp sản xuất điện thoại hoặc dược phẩm thì thường không quá lo lắng vì chi phí vận tải của những doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng doanh thu. Còn với ngành bia rượu, nước giải khát, chi phí vận tải có thể lên đến 6% tổng doanh thu. Những doanh nghiệp này thường có biên lợi nhuận khá thấp, lại khó tăng giá bán hàng vì tính cạnh tranh của ngành khá lớn.
Nhiều người cho rằng giá vận tải ở Việt Nam cao chủ yếu là do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, ông nghĩ sao về điều này?
Nhìn chung, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều có chi phí vận tải rất cao, do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các quy trình, thủ tục hải quan chưa tinh giản, kỹ năng của các nhà vận tải chưa thật tốt… Chúng ta thường nghĩ rằng cơ sở hạ tầng là nguyên nhân lớn nhất của vấn đề chi phí logistics tăng cao, nhưng theo chúng tôi thì vấn đề nằm ở cách vận hành vận tải của các doanh nghiệp. Dễ thấy rằng nếu so sánh với Indonesia, thì Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều nhưng chi phí logistics của chúng ta không rẻ hơn. Hiện nay, các doanh nghiệp thường chưa quan tâm đúng mức đến việc tối ưu hóa việc sử dụng xe tải. Nhiều xe tải thường phải mất nhiều thời gian chờ đợi khi xếp – dỡ hàng, mất nhiều thời gian và chi phí. Chẳng hạn như giá một chuyến hàng từ Bình Dương đến TP.HCM thường khoảng 12 USD, nhưng giá này sẽ có thể giảm đến một nửa nếu xe tải tiết kiệm thời gian đến mức tối đa. Đây là cách mà các doanh nghiệp nên áp dụng để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thường ít khi có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Bên sử dụng dịch vụ vận tải (thường không hiểu rõ về tình hình đường sá, xe cộ bằng bên doanh nghiệp vận tải) lại là người đưa ra yêu cầu về thời gian và địa điểm giao nhận hàng. Cách làm việc có phần máy móc như thế này gây lãng phí thời gian cho cả đôi bên. Chỉ đơn cử việc bốc xếp hàng hóa nếu được thực hiện nhanh và xe không phải chờ đợi thì chi phí cũng đã giảm đáng kể. Chính vì vậy, doanh nghiệp vận tải nên chủ động trao đổi, giúp khách hàng hiểu được lợi ích của việc giảm thiểu hao phí thông qua vận hành hiệu quả. Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cũng cần chủ động hợp tác với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải để đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể ký hợp đồng dài hạn để các doanh nghiệp vận tải có thêm chi phí và niềm tin để đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất tốt hơn.
Với kinh nghiệm triển khai các dự án tối ưu hóa chi phí logistics ở Đông Nam Á, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì để tối ưu hóa chi phí logistics trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn?
Về ngắn hạn, đối với công tác hậu cần trong hệ thống phân phối, chúng tôi dự đoán là sẽ có một sự chuyển đổi từ phương pháp vận tải truyền thống sang vận tải bằng tấm kê hàng (pallet – một kết cấu bằng phẳng để vận chuyển hàng hóa, xếp dỡ bằng xe nâng). Cách này cho phép hàng hóa được bốc dỡ nhanh hơn so với cách bốc dỡ bằng tay đang được sử dụng hiện nay. Sử dụng pallet giúp cải thiện tốc độ và năng suất khá hiệu quả trong ngành logistics, hiện đang rất phổ biến tại các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia.
Tối ưu hóa tuyến đường vận tải cũng là một cách cải thiện chi phí logistics hiệu quả. Nhưng muốn thực hiện được thì cần có hệ thống định vị toàn cầu GPS được lắp đặt vào xe và phần mềm để quản lý. Doanh nghiệp logistics có thể lo lắng về khoản đầu tư này nhưng nếu so sánh về lợi nhuận dài hạn thì đây là một khoản đầu tư tương đối “dễ chịu”. Ngoài ra còn nhiều cách khác tùy thuộc vào ngành nghề cụ thể, nhưng nhìn chung thì chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng những nguyên tắc hậu cần tinh gọn (lean logistics) nhằm tập trung cải thiện tốc độ và hiệu suất.
Cuối cùng là lập kế hoạch và dự báo về chi phí vận tải trong dài hạn. Trước đây, hai công đoạn này thường bị doanh nghiệp “bỏ qua” vì cho là không cần thiết. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ra rằng họ có thể giảm chi phí, vốn lưu động và cải thiện hiệu quả kinh doanh nhờ thực hiện chu đáo hai công đoạn này.
Xin cảm ơn ông.
Thanh Nhã (DNSGCT)