Ngày 15-7-2020, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất đưa robot thăm dò không gian Hope lên sao Hỏa. Robot thăm dò sao Hỏa Tianwen 1 của Trung Quốc được phóng đi vào ngày 23-7-2020, và robot thám hiểm sao Hỏa Mars 2020 của Hoa Kỳ được phóng đi vào ngày 30-7-2020.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị cho việc đưa các phi hành gia của mình trở lại mặt trăng vào năm 2024. Bên cạnh đó, các nhà thám hiểm không gian tư nhân cũng bắt đầu vào cuộc như chương trình thám hiểm không gian SpaceX. Sự hồi sinh khá rầm rộ của cuộc chinh phục không gian đặt ra một câu hỏi cấp bách về quyền sở hữu các hành tinh và tiểu hành tinh cũng như các điều kiện khai thách chúng.
Khai thác tài nguyên thiên nhiên của các thiên thể
Viễn cảnh loài người khai thác các thiên thể để lấy tài nguyên thiên nhiên có vẻ như là một hành động khiêu khích vào thời điểm mà tệ nạn khai thác quá mức tài nguyên trên hành tinh chúng ta ngày càng được cảnh báo trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, chương trình Artémis của Hoa Kỳ nhằm đưa con người trở lại mặt trăng vào năm 2024, khúc dạo đầu của mục tiêu cuối cùng là chinh phục sao Hỏa, cho rằng việc thám hiểm mặt trăng là khả thi, bền vững, và khai thác sao Hỏa phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên thu được.
Có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc này. Trước tiên, việc khai thác tài nguyên vũ trụ có phù hợp với pháp lý hay không, và ai là người phán quyết?
Khung pháp lý quốc tế không rõ ràng, bấp bênh
Được soạn thảo đồng thời với cuộc chinh phục mặt trăng vào thập niên 1960 và 1970, trong khuôn khổ ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc chuyên trách về việc khai thác trong hòa bình tài nguyên vũ trụ bên ngoài bầu khí quyển, luật quốc tế về vũ trụ biểu hiện sự ràng buộc đầu tiên trong Hiệp ước không gian năm 1967, tên thật của nó là “Hiệp ước về các nguyên tắc quản lý hoạt động của các quốc gia trong việc khám phá và sử dụng tài nguyên vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác”.
Hiệp ước này, được hầu hết các quốc gia phê chuẩn, bao gồm các cường quốc vũ trụ chính: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Nhật Bản, quy định tự do như là nguyên tắc đầu tiên: tự do thám hiểm và tự do sử dụng không gian được công nhận là “đặc quyền của toàn thể nhân loại”.
Tuy nhiên, Hiệp ước cũng đóng khung quyền tự do này để bảo tồn không gian và các thiên thể khỏi sự thăng trầm như chiến tranh và xâm lấn lãnh thổ. Do đó, việc thăm dò và sử dụng không gian chỉ có thể được thực hiện cho mục đích hòa bình, mà theo cách giải thích chung của hầu hết các quốc gia, không cấm việc phóng lên không gian các vệ tinh sử dụng cho quốc phòng của các nước.
Vì vậy, mọi hình thức chiếm hữu các thiên thể đều bị Hiệp ước cấm. Trong khi việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của vũ trụ vì mục đích thương mại hay công nghiệp dường như nhất thiết phải dựa trên sự chiếm đoạt tài nguyên của các thiên thể, liệu có khả thi và hợp pháp hóa để tiến hành chiếm đoạt tài nguyên mà không thừa nhận nguyên tắc không chiếm hữu các thiên thể chứa các tài nguyên đó?
Mặt trăng, di sản chung của nhân loại?
Một hiệp ước quốc tế khác năm 1979 đã thiết lập hai nguyên tắc bổ sung. Một là, mặt trăng và các thiên thể và tài nguyên của chúng tạo thành “di sản chung của nhân loại” và những tài nguyên này không thể vì thế mà trở thành tài sản của các quốc gia, của các tổ chức quốc tế, của các tổ chức quốc gia hay cá nhân. Hai là, các quốc gia cam kết thiết lập “một thể chế quốc tế chi phối việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của mặt trăng và của các thiên thể khác, khi việc khai thác này trở thành khả thi”, đặc biệt là cho phép “phân phối công bằng giữa các quốc gia thành viên những lợi ích thu được từ các tài nguyên này, đặc biệt chú ý đến lợi ích và nhu cầu của các nước đang phát triển”. Định hướng mang tính tập thể của hiệp ước thứ 2 này làm suy giảm mạnh mẽ sự chấp nhận của công đồng quốc tế, bắt đầu từ Hoa Kỳ. Cần lưu ý rằng hiện tại chỉ có 18 quốc gia tham gia hiệp ước năm 1979, trong số đó không có cường quốc không gian nào.
Hoa Kỳ khai hỏa phát súng đầu tiên
Vào những năm đầu thập niên 2010, triển vọng khai thác tài nguyên vũ trụ đã hình thành ở Hoa Kỳ, giữa việc tạo ra những công ty tư nhân, ví dụ như công ty Planetary Resources và việc công bố các báo cáo về các nhóm chuyên gia cố vấn về quyền sở hữu tư nhân các tài nguyên ngoài vũ trụ.
Đạo luật Vũ trụ Space Act của Hoa Kỳ được thông qua vào tháng 11 năm 2015 và ủy quyền cho các công dân Hoa Kỳ tham gia và chiếm ưu thế trong việc thu về các tài nguyên vũ trụ bao gồm sở hữu, vận chuyển, sử dụng và kinh doanh. Hoa Kỳ cân nhắc việc làm như vậy để hoạt động này không đi ngược với nguyên tắc không chiếm hữu các thiên thể của Hiệp ước Không gian: công dân Hoa Kỳ không chiếm hữu các thiên thể mà chỉ khai thác các tài nguyên của chúng.
Tuy nhiên, một phần đáng kể các chuyên gia pháp lý nghi ngờ rằng nguyên tắc không chiếm đoạt các thiên thể dung túng cho việc chiếm đoạt tài nguyên.
Có vẻ khó khăn giải quyết cuộc tranh luận pháp lý này một cách rạch ròi. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ đã không xảy ra tại thời điểm xây dựng Hiệp ước Vũ trụ, và các quy định ngắn gọn về vấn đề ‘không chiếm dụng’ không cho phép lãnh hội một cánh tinh tế các vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay.
Các quốc gia khác tham gia, Liên Hiệp Quốc đi vào lối mòn
Năm 2017, Luxembourg, theo gót quốc gia đi tiên phong Hoa Kỳ, đã thông qua một đạo luật quy định rõ ràng rằng “tài nguyên không gian có khả năng bị chiếm hữu”. Tháng 2.2020, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, một nhân tố đang nổi lên trong lãnh vực vũ trụ, đã thông qua điều luật tương tự.
Năm 2016, Liên Hiệp Quốc đưa ra vấn đề, nhưng sự việc chỉ giới hạn ở việc trao đổi quan điểm giữa các quốc gia và ủy ban liên quan mà không có sự ủy nhiệm nào cho phép bắt đầu bất kỳ công việc chính thức nào. Thật vậy, quan điểm của hầu hết các quốc gia ít có sự đối chọi, ngoại trừ vài quốc gia trong số này như Nga bày tỏ sự phản đối quyết liệt các sáng kiến của các quốc gia đơn phương hành động.
Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, coi ủy ban của Liên Hiệp Quốc là cơ quan có thẩm quyền và nên tiến hành nghiên cứu chuyên sâu phạm vi, khuôn khổ khai thác tài nguyên vũ trụ. Nhiều quốc gia châu Âu đề nghị thành lập một nhóm chuyên viên thành thạo nhưng đến nay đã thất bại do thiếu sự đồng thuận.
Sự tê liệt tương đối này và sự bất lực thực hiện một sáng kiến quy chuẩn đa phương mà chúng ta có thể nhận thấy thời gian qua về tất cả các vấn đề mới về luật trong hoạt động vũ trụ, đã để sân chơi tự do cho các quốc gia tự ý “tung hoành”.
Sáng kiến Hiệp ước Artemis: sự suy giảm của luật vũ trụ quốc tế?
Vì Hoa Kỳ vừa đạt một tầm cao mới trong thám hiểm vũ trụ, một sắc lệnh hành pháp ban hành ngày 6 tháng 4 năm 2020 để đảm bảo tính pháp lý thể hiện trong Đạo luật Vũ trụ năm 2015 và tái khẳng định quyền của công dân Mỹ trong việc thu hồi, sở hữu và sử dụng tài nguyên không gian. Văn bản này đặc biệt thể hiện ý chí tìm kiếm những vị trí phổ biến trong khai thác tài nguyên vũ trụ và ký kết thỏa thuận này với các nước có quan hệ, được cụ thể hóa vài tuần sau đó bằng việc thông báo Hiệp định Artemis.
Hiệp định Artemis dành ưu tiên cho các thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và các đối tác của mình; mục tiêu của nó là thiết lập các nguyên tắc chung chi phối các hoạt động dân sự thăm dò và sử dụng mặt trăng và tất nhiên cuối cùng là sao Hỏa. Việc ký kết các thỏa thuận này của các quốc gia liên quan chắc chắn sẽ là điều kiện tiên quyết cho sự tham gia của họ vào chương trình thăm dò của Hoa Kỳ. Việc khai thác các tài nguyên vũ trụ đương nhiên là một trong những vấn đề sẽ được giải quyết theo các thỏa thuận này, cũng như những vấn đề gai góc của các khu vực an toàn mà NASA cho là cần thiết cho hoạt động này.
NASA đã nhiều lần nhắc lại rằng việc điều hành các hoạt động trên các thiên thể phải triệt để tuân thủ pháp luật quốc tế hiện hành, đặc biệt là Hiệp ước Vũ trụ năm 1967. Vào thời điểm Hoa Kỳ tố cáo một số thỏa thuận quốc tế và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một số tổ chức và thực thể quốc tế, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Tòa án Hình sự Quốc tế, có thể an tâm lưu ý rằng họ không có ý định tự giải thoát khỏi các quy tắc mà cho đến nay cho phép sử dụng lâu dài và hòa bình không gian bên ngoài bầu khí quyển bởi các quốc gia và các nhà khai thác không gian.
Nhưng việc chính thức hóa các nguyên tắc xoay quanh quốc gia trung tâm là Hoa kỳ sẽ đặt lại vấn đề về chủ nghĩa đa phương của Liên Hiệp Quốc khi mà Ủy ban Vũ trụ của Liên Hiệp Quốc, cho đến nay, là diễn đàn duy nhất để phát triển các tiêu chuẩn quốc tế có thể áp dụng trong các hoạt động vũ trụ. Bằng cách lấp đầy những khoảng lặng của Hiệp ước Vũ trụ năm 1967, Hiệp định Artemis chắc chắn sẽ hoạt động để tạo ra các chuẩn mực pháp lý cho các hoạt động không gian thay cho các công cụ quốc tế đa phương. Ngoài ra, khả năng đàm phán của các đối tác của Hoa kỳ trong tương lai chắc chắn sẽ bị giảm xuống tới mức vừa phải. Hiệp định Artemis chủ yếu sẽ bao gồm một hình thức hợp đồng gắn kết với tầm nhìn của Mỹ về việc điều chỉnh các hoạt động của con người trên các thiên thể.
Những phản ứng đầu tiên đối với sáng kiến này ở cấp độ quốc tế đôi khi rất gay gắt như phản ứng của tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, người đặt nó ngang hàng với một cuộc xâm lược Iraq hay Afghanistan và hứa hẹn sẽ có cuộc trao đổi giữa Liên Hiệp Quốc và các cường quốc vũ trụ.