Visa là khâu cuối cùng của quá trình nộp hồ sơ xin du học, quyết định việc xin học thành hay bại. Sau khi kết thúc việc học, ở lại nước sở tại làm việc bao lâu hay phải về nước cũng phụ thuộc vào loại visa cấp cho du học sinh. Để đạt được “tấm vé thông hành” này không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Việc tìm hiểu kỹ từng loại visa giúp các bạn hoạch định được kế hoạch học tập, làm việc cũng như trả lời suôn sẻ trong khâu phỏng vấn.
Visa du học Anh quốc: thắt chặt hơn
“Mục tiêu của thay đổi visa không phải là cản trở những sinh viên thực sự muốn đến Anh học mà nhằm giảm bớt sự sai lạc trong guồng máy” – những người có trách nhiệm của Anh quốc đã khẳng định như trên khi visa du học Anh, từ tháng 4-2012, có nhiều thay đổi so với trước.
Chính phủ Anh đang bắt đầu triển khai chương trình thị thực mới mang tên thị thực hạng 1 (cho đối tượng chủ doanh nghiệp là sinh viên mới tốt nghiệp – Graduate Entrepreneur). Các trường đại học của Vương quốc Anh đăng ký tham gia chương trình sẽ đóng vai trò là “đơn vị bảo lãnh” nhập cảnh cho du học sinh. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên triển khai, thị thực hạng 1 sẽ giới hạn số lượng 1.000 visa được cấp. Nếu làm việc tại nước Anh, xứWaleshoặc BắcIrelandsau khi hoàn thành chương trình học của mình, bạn cần xin thị thực hạng 2 (loại Phổ thông). Thị thực hạng 2 được cấp cho sinh viên vừa mới tốt nghiệp với bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chứng chỉ và bằng sau đại học về giáo dục (PGCE và PGDE). Bạn chỉ có thể nộp hồ sơ xin cấp thị thực này khi đã được một công ty hay tổ chức (được Cục biên giới Anh công nhận) tuyển dụng. Công việc này cũng cần phải đạt được các tiêu chí nhất định về lương bổng.
Việc cấp thị thực du học cũng phụ thuộc vào những quy định:
• Chỉ các trường được xếp loại “Highly Trusted Sponsors” được quyền tuyển sinh quốc tế và xin nhập cảnh cho sinh viên quốc tế không giới hạn. Kế đến, loại A Trusted Sponsors chỉ được tuyển chọn sinh viên với sĩ số giới hạn, cho nên bạn không thể chắc chắn là sẽ được phép nhập cảnh để vào những trường này. Sau cùng, loại “B Sponsors” không được phép thu nhận và xin nhập cảnh sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, vì tất cả các trường đại học tại Anh đều thuộc nhóm “Highly Trusted Sponsors” nên quy định mới này chỉ áp dụng cho sinh viên muốn theo học những khóa dự bị đại học tại các trường college.
• Tất cả du học sinh trên thế giới không thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu du học tại Anh trong thời gian từ sáu tháng trở lên cần phải chứng minh trình độ tiếng Anh ở mức trung cấp (Intermediate), tương đương với trình độ B1 của khung trình độ chung châu Âu. Như vậy, du học sinh muốn theo học dự bị đại học, cao đẳng hay A-Level sẽ phải đạt trình độ tối thiểu B1 (IELTS 4.0 – 5.0). Sinh viên theo học từ bậc đại học, cao học phải có trình độ B2 (tối thiểu IELTS 5.5).
Trước đây, sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp được phép xin visa làm việc tại Anh quốc. Thế nhưng, hiện nay, nếu muốn ở lại làm việc, các bạn phải xin visa lao động, phải được một công ty tuyển dụng mới được cấp visa lao động. Các sinh viên đã tốt nghiệp xin thị thực hạng 5 dành cho đối tượng “lao động tạm thời” (Tier 5 “temporary worker visa”). Để hội đủ điều kiện xin visa, bạn cần:
• Được tuyển dụng bởi một đơn vị tuyển dụng có thẩm quyền bảo lãnh được UKBA (UK Border Agency – Vụ Biên phòng Anh quốc) cấp phép.
• Vượt qua tiêu chí đánh giá kiểm định theo thang điểm của UKBA (đạt đủ 40 điểm).
• Các nguồn tài chính đảm bảo.
Đối với thị thực hạng 4 dành cho du học sinh xin học tại Anh quốc, việc chứng minh tài chính cho cuộc sống học tập tại Vương quốc Anh tăng so với trước. Sự thay đổi này được đề ra nhằm đảm bảo sinh viên quốc tế có được một cuộc sống thuận lợi tại Vương quốc Anh và có thể tự lập về tài chính.
Úc: không cần chứng minh tài chính
Khác với Anh quốc siết chặt trong việc cấp visa thì nước Úc lại mở hơn trong luật cấp visa mới có giá trị từ tháng 4-2012.
Tất cả hồ sơ du học Úc chương trình cử nhân, thạc sĩ và nghiên cứu sinh đăng ký vào danh sách các trường đại học được ưu tiên sẽ được xét duyệt theo cấp độ ưu tiên (tương tự cấp độ 1 của cách xét hiện nay). Những trường hợp này không cần phải nộp các tài liệu chứng minh tài chính và điểm IELTS/TOEFL cho việc du học Úc như hiện nay.
Có 41/42 đại học tại Úc hiện nằm trong danh sách được ưu tiên này. Các chương trình tiếng Anh, dự bị đại học, cao đẳng nghề liên kết lên các đại học được ưu tiên cũng được xét visa nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ngoài ra còn có nhiều thay đổi tích cực trong việc quy định giờ làm việc cho du học sinh quốc tế, thời gian xét cấp visa, thời gian được ở lại làm việc dài hạn sau khi hoàn thành khóa học. Du học sinh được phép làm việc tối đa 40 giờ/hai tuần trong suốt thời gian học thay vì 20 giờ/tuần như trước đây.
Việc tính thời gian làm việc trong hai tuần này sẽ được đếm từ thứ Hai tuần thứ nhất đến Chủ nhật tuần thứ hai, cho phép các du học sinh sắp xếp giờ làm (dồn lại trọn trong một tuần hoặc trải ra trong hai tuần tùy theo nhu cầu của các bạn hoặc yêu cầu công việc).
Ngoài ra nghiên cứu sinh cũng không bị hạn chế thời gian làm việc trong suốt thời gian nghiên cứu tại Úc.
Ngoài ra, visa sinh viên được cấp trước bốn tháng trước khi khóa học bắt đầu, tạo điều kiện cho du học sinh hòa nhập sớm vào môi trường mới.
Sinh viên quốc tế đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng cử nhân hoặc thạc sĩ sẽ được cấp visa làm việc hai năm tại Úc. Sinh viên tốt nghiệp bằng thạc sĩ dựa trên nghiên cứu sẽ được quyền có ba năm làm việc tại Úc và các sinh viên tốt nghiệp bằng tiến sĩ sẽ được quyền có bốn năm làm việc tại Úc.
Du học Hoa Kỳ: nhiều loại visa
Visa Hoa Kỳ không có sự thay đổi, tuy nhiên, tùy vào chương trình học mà loại visa cấp cho du học sinh sẽ khác nhau.
Các du học sinh có nhu cầu du học tại Hoa Kỳ (không định cư) sẽ được cấp visa loại F. Có ba loại visa F, đó là visa F1, visa F2 và visa F3.
Visa F1 là visa trực tiếp dành cho du học sinh, có nhu cầu đi du học tại Hoa Kỳ trên một năm ở các trường tư thục. Visa F2 cấp cho người phụ thuộc của visa F1 (ví dụ như vợ, chồng, con cái…). Visa F3 chỉ dành cho công dân Canada hoặc Mexico, những nước láng giềng trực tiếp của Hoa Kỳ.
Để xin được visa F1, du học sinh phải hoàn tất mẫu đơn I-20 (do các trường trung học, cao đẳng, hoặc đại học ở Hoa Kỳ quy định). Mẫu đơn I-20 gửi về cho học sinh đồng nghĩa với việc hồ sơ xin học của bạn được một trường ở Hoa Kỳ chấp thuận. Sau đó, các bạn phải điền đơn DS-160 (tải trên webiste của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ) và các đơn liên quan…
Ngoài visa F1, còn có visa dạng J1, áp dụng cho du học sinh ở các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên, học tại các trường công lập tại Hoa Kỳ.
Để xin được visa J1, các bạn phải hoàn tất mẫu đơn DS-2019 (do các trường trao đổi học bổng, trao đổi sinh viên, hoặc giao lưu văn hóa gửi). Mẫu đơn DS-2019 được gửi về cho bạn, nghĩa là bạn được một trường công lập ở Hoa Kỳ chấp nhận vào học.
Đối với sinh viên nước ngoài muốn học tại Hoa Kỳ thì ngoài lệ phí phỏng vấn visa, các bạn cần phải đóng thêm một khoản phí SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System), hoặc còn gọi là lệ phí an ninh. Lệ phí an ninh này được áp dụng cho du học sinh xin thị thực visa F1 và J1. Mỗi du học sinh sẽ được cấp một cái SEVIS có số cụ thể để nước sở tại quản lý qua hệ thống mạng internet.
Nhiều trường hợp đã được trường ở Hoa Kỳ nhận vào học nhưng vẫn bị từ chối cấp visa du học. Theo Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, tất cả du học sinh xin visa không di dân phải đưa ra những chứng minh đủ để thuyết phục viên chức Hoa Kỳ, rằng du học sinh sẽ rời khỏi Hoa Kỳ trước khi hết thời gian được phép lưu trú. Đối với thị thực du học, du học sinh có thể dự định ở lại Hoa Kỳ nhiều tháng, nhiều năm để theo đuổi khóa học. Do đó, viên chức Hoa Kỳ phải xem xét trên toàn bộ hoàn cảnh của du học sinh trước khi quyết định cấp visa. Viên chức Hoa Kỳ có thể từ chối không cấp visa du học khi mục đích của du học sinh không phải là việc học, mà là muốn cư trú tại Hoa Kỳ lâu dài. Do đó, việc du học sinh được chấp nhận vào học và được cấp I-20 chỉ là một yếu tố được xem xét trong quá trình xin thị thực.
Học sinh, sinh viên xin visa du học thường bị từ chối vì: bạn không thuyết phục viên chức mục đích của bạn là đi học thực sự và cũng như bạn có khả năng học tốt ở Hoa Kỳ; bạn không thuyết phục viên chức lãnh sự rằng bạn có đủ nguồn tài chính chi trả cho việc học; bạn không thuyết phục viên chức ý định quay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học ở Hoa Kỳ. Do vậy, để thuyết phục thành công viên chức lãnh sự quán, bạn phải giải thích rõ và trung thực kế hoạch học tập; tình hình tài chính; kế hoạch sau khi bạn hoàn thành khóa học ở Hoa Kỳ.
(Nguồn: Hội đồng Anh TP.HCM, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ TP.HCM, Tổng Lãnh sự quán Úc TP.HCM)