Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời gian qua Bộ này và các tổ chức tư vấn đã nỗ lực thực hiện việc nghiên cứu dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đã xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, đặc biệt là việc xác định giai đoạn đầu tư dự án.
Với thực tế đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án giao thông lớn như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác, hoặc đề xuất đầu tư dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển theo từng giai đoạn cho phù hợp.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và người dân, thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án và tạo sự đồng thuận cao đối với việc đầu tư dự án theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 10-2018.
Hành lang Bắc – Nam kết nối hai trung tâm kinh tế, chính trị lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (chiếm 61% GDP cả nước), đi qua 20 tỉnh thành, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, thể hiện ý nguyện dân tộc về sự thống nhất của đất nước. Việc kết nối đồng bộ trên hành lang Bắc – Nam, đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, các phương thức vận tải trên hành lang Bắc – Nam chưa được khai thác và kết nối một cách cân đối, đồng bộ (vận tải đường bộ, hàng không quá tải, vận tải đường thủy chưa phát huy được hiệu quả vốn có, vận tải đường sắt lạc hậu…) dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường và gia tăng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai năng lực vận tải trên hành lang Bắc – Nam sẽ thiếu hụt lớn nếu chỉ đầu tư vào vận tải đường bộ, hàng không và đường biển theo quy hoạch; để phân bố lại nhu cầu vận tải trên toàn tuyến và bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên cần có một phương thức vận tải mới với độ an toàn tin cậy cao, sức chuyên chở hành khách lớn, tốc độ nhanh, thân thiện với môi trường.
- Xem thêm: Sớm đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam
Phương thức vận tải này phải đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nối hài hòa giữa các loại hình vận tải; thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Bắc – Nam; mang lại cơ hội đầu tư, phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và góp phần giải quyết nhu cầu việc làm; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là hết sức cần thiết.
Liên quan đến giao thông, còn có hai vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết, đó là tuyến metro đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh và đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ đội vốn mà còn trễ tiến độ. Nóng lòng về dự án metro tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đích thân xuống công trường tuyến metro Số 1 để cho phía Nhật Bản thấy rõ quyết tâm nhất định phải làm cho xong dự án này, vì dự án đã bị dừng lại rất nhiều lần rồi.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Số 1 Bến Thành – Suối Tiên được thực hiện từ nguồn vốn ODA do ngân sách Trung ương và vốn từ ngân sách thành phố. Giai đoạn 2018 và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn 4.791 tỉ đồng còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí.
Do đó, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm ứng từ ngân sách Trung ương 2.158 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu, tránh phát sinh khiếu kiện. Thành phố sẽ thực hiện thủ tục trả ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch cho dự án. Trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng, Thủ tướng cho thành phố được tạm ứng từ ngân sách thành phố.
- Xem thêm: Khi nào xây dựng đường sắt cao tốc?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng ngân sách dành cho dự án metro dù của Trung ương hay thành phố thì cũng là của Nhà nước, các bên không nên so kè với nhau. Bởi theo ông, nguyên nhân khiến việc giao vốn bị chậm là do chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương của Chính phủ là giao cho thành phố, nên có vướng mắc gì là do trách nhiệm của các đơn vị được giao.
Tại cuộc thị sát công trường trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời hoàn tất thủ tục, đáp ứng đủ kinh phí thi công dự án, đảm bảo năm 2020 vận hành kỹ thuật và năm 2021 khánh thành tuyến metro đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh.
Khởi công vào cuối tháng 8-2012, tuyến metro Số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6km đi ngầm (ba nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Dự án metro Số 1 được thực hiện từ nguồn vốn ODA do ngân sách Trung ương bố trí và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Theo kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, dự án được bố trí 7.500 tỉ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỉ đồng, số vốn thành phố đã được nhận trong năm 2016 và 2017 là 2.709 tỉ đồng.
Trong khi đó tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,05km trên cao, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án từ 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỉ đồng) đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỉ đồng), sau hai năm chậm tiến độ dự án đã bị đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng, gần 40%) và đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động theo dự kiến. Theo tiến độ của tổng thầu Trung Quốc, đầu tháng 9-2018 chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến.
Sau khi vận hành thử từ ba đến sáu tháng, dự án sẽ khai thác thương mại, thế nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa diễn ra. Trả lời về kế hoạch vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), khẳng định chưa có bất cứ tuyên bố nào của các cơ quan chức năng về thời gian chính thức vận hành hệ thống này.
Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thông báo về việc trả nợ kỳ hạn ngày 21-1-2018 và phí cam kết khoản vay tín dụng người mua ưu đãi 250 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank) cho dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông. Đáng lưu ý, trong văn bản đính kèm là lịch trả tiền vay vốn 250 triệu USD bổ sung làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông của China EximBank.
Theo đó, Việt Nam có chín năm để trả nợ cho China EximBank bắt đầu từ tháng 1-2016 đến 15-11-2025. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trả nợ được hai năm. Còn bảy năm nữa để hoàn tất việc trả nợ gốc lẫn lãi. Mỗi một năm, kỳ hạn trả nợ chia làm hai lần, vào 21-1 đầu năm và 21-7 giữa năm. Số tiền phải trả mỗi kỳ là 14,4 triệu USD, tương đương với 325 tỉ đồng.
Như vậy, trung bình một năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng vốn vay để làm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, số tiền trả nợ trên chỉ là trả cho vốn vay bổ sung 250 triệu USD. Thực tế, trước đó, Việt Nam còn một khoản vay Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 419 triệu USD.