Hành lang vận tải Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn…
Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc – Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Với một đất nước trải từ Bắc xuống Nam, việc chỉ mới có 223km đường cao tốc đang được khai thác là con số quá ít nếu so với một số nước trong khu vực.
Thế nhưng trở ngại lớn nhất có thể cản trở tiến độ triển khai dự án này là giải phóng mặt bằng với quy mô lớn liên quan đến nhiều địa phương. Băn khoăn ấy được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến trong một chỉ thị của Chính phủ ban hành tuần qua nhằm đẩy nhanh quá trình này.
Thủ tướng cho biết đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao, thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc – Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Xem thêm: Khi nào xây dựng đường sắt cao tốc?
Trong khi việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, công nghệ phức tạp, chắc chắn không thể triển khai trước năm 2025, thì chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là khả thi.
Trước mắt, đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm ba dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Để đáp ứng tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ nói rõ cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ dự án mà theo dự kiến công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới theo hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng được phê duyệt là cuối quý I, đầu quý II-2019.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương trong việc đảm bảo tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công khai phương án chi tiết giải phóng mặt bằng theo quy định; thực hiện tốt chế độ phối hợp và cung cấp thông tin với chính quyền và các cơ quan có liên quan của địa phương, đảm bảo minh bạch các thông tin về dự án đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây dựng; đặc biệt, cần thông tin về tiến độ thực hiện dự án thành phần giải phóng mặt bằng theo định kỳ hằng tháng, quý để theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp các nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án; đảm bảo an toàn, an ninh, không để xảy ra các điểm nóng trong quá trình thi công.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến cao tốc chạy qua 13 tỉnh với khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn với tổng kinh phí khoảng 12.400 tỉ đồng. Dự kiến, hơn 4.800ha đất được thu hồi, gần 4.000 hộ dân và nhiều công trình xã hội khác phải di dời.
Hiện nay đã có 10/11 địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng. Riêng dự án Phan Thiết – Dầu Giây qua Bình Thuận và Đồng Nai, tỉnh đang yêu cầu các huyện hoàn thiện thủ tục điều chỉnh.
Khi tuyến đường hoàn thành sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để các địa phương có đường cao tốc đi qua cải thiện môi trường đầu tư, trở thành một động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội..
Cũng liên quan đến tình hình đầu tư, TP. Hồ Chí Minh đang mời gọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia 245 dự án tập trung vào chín nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp FDI năm 2019 với chủ đề “TP. Hồ Chí Minh hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp này, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên tinh thần cởi mở của buổi gặp gỡ, hầu hết các doanh nghiệp FDI chỉ rõ, hạ tầng giao thông kém là rào cản trong thu hút đầu tư của TP. Hồ Chí Minh. Ông Tomaso Andreaatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), nói thẳng, lãnh đạo thành phố rất quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng còn nhiều vấn đề cần có để tạo môi trường đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Chẳng hạn, vấn đề hạ tầng giao thông cần phải được ưu tiên hơn. Đặc biệt là sớm hoàn thành các dự án metro, mở rộng sân bay, di dời cảng ra khỏi thành phố, giảm kẹt xe.
Ông Tomaso Andreaatta cũng cho rằng bản thân metro sẽ không giải quyết được quá tải giao thông nếu không kết nối mạng lưới xe buýt, cửa hàng kinh doanh thương mại thuận tiện. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng dự án điện mặt trời, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú ý việc xử lý chất thải và tăng tái sử dụng nước thải.
Đồng ý với quan điểm này, ông Carlos Dominguez Agulleiro (Tây Ban Nha) cho rằng tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp sẽ làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì làm tăng chi phí sản xuất.
- Xem thêm: Đặt lại vấn đề ưu đãi FDI
Đại diện các doanh nghiệp Úc, ông Matthew Lourey, nói: “TP. Hồ Chí Minh như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhưng những năm gần đây dần bị mờ nhạt do vấn đề giao thông. Tình trạng thiếu chỗ đậu xe, tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng, nếu không giải quyết được những vấn đề này thì mong muốn đặt cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh của các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ bị giảm đi”.
Về cải cách hành chính, dù có nhiều cải tiến nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn than “thiếu minh bạch trong các thủ tục, gây chậm trễ thường xuyên”. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Ý cho biết, các doanh nghiệp đang chuyển từ các quốc gia khác sang đầu tư vào Việt Nam, nên Việt Nam cần cải cách, rút ngắn thời gian để không mất cơ hội thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp FDI cần là một môi trường đầu tư minh bạch và nhất quán. Pháp luật thay đổi, không rõ ràng, chính là rủi ro đối với doanh nghiệp.
Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), cũng lo lắng, việc thường xuyên thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam, bao gồm chính sách thuế và thuế suất sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà đầu tư nước ngoài. Bà cho rằng, thuế cần được ổn định. Ngoài ra, việc kiểm tra thuế định kỳ, thường xuyên đang là gánh nặng cho doanh nghiệp vì phải tốn nhiều công sức.
Trong năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được hơn 7 tỉ USD, tăng 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài so với năm trước, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực lên gần 45 tỉ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.