Xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam là chuyện của vài ba chục năm sau vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình Chính phủ một nghiên cứu tiền khả thi. Đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng quyết định cấp đầu tư dự án.
Sau khi loại trừ hai phương án là Kịch bản 1: Nâng cấp, tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại (năng lực 50 tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác 70km/giờ) và Kịch bản 2: Nâng cấp đường đơn hiện tại (khổ 1.000mm) lên đường đôi khổ 1.435mm; Kịch bản 3 đã được chọn lựa theo đó nâng cấp, tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại và kết hợp xây dựng tuyến mới để khai thác riêng tàu khách, tốc độ thiết kế 350km/giờ (tốc độ khai thác tối đa 320km/giờ).
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561.600 tỉ đồng (24,71 tỉ USD), dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2020-2032, nghiên cứu xây dựng đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2 từ năm 2032-2050 với tổng mức đầu tư 772.600 tỉ đồng (34 tỉ USD) xây dựng đoạn Vinh – Nha Trang, trong đó đoạn Vinh – Đà Nẵng hoàn thành năm 2040; đoạn Đà Nẵng – Nha Trang hoàn thành năm 2050.
Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trong đó nhà nước đầu tư 80%, vốn tư nhân 20% (mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị; chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng).
Dự kiến, từ tháng 5 đến tháng 7-2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền về dự án này, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Chính phủ vào tháng 8-2019. Tháng 10-2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Báo cáo dự án tiền khả thi được lập bởi liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI); Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC); Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South) và tư vấn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ những nội dung chuyên đề chuyên sâu.
Trước đó, tại buổi báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nhiều chuyên gia vẫn còn băn khoăn, lo lắng xung quanh nguồn vốn quá lớn cũng như tính hiệu quả của dự án. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng – Trường Đại học Xây dựng, đánh giá với việc 80% tổng vốn đầu tư của dự án là vốn nhà nước sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Do đó cần tính toán lại tính khả thi của dự án cũng như phương án huy động vốn cho phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, cho rằng ở thời điểm hiện tại, dự án này là chưa thật sự cần thiết, bởi khi đầu tư mà phải đi vay sẽ kéo theo nguy cơ nợ công tăng cao. Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, khẳng định: “Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là cần thiết nhưng xây dựng lúc nào là điều cần thận trọng, phải có nguồn lực về kinh tế mới làm”.
Theo ông Thủy, đường sắt tốc độ cao hiện nay trên thế giới chủ yếu ở những nước có nền kinh tế phát triển. Làm đường sắt tốc độ cao sẽ ngốn ngân sách rất lớn, trong khi tuyến đường này chỉ vận chuyển hành khách, khả năng hoàn vốn rất khó. Thế nhưng phía tư vấn nước ngoài lại không nghĩ như vậy khi nói rằng nếu sử dụng 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hằng năm trong giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP. Trường hợp 100% vốn phải vay, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% theo quy định trong suốt hai giai đoạn đầu tư.
Trong một diễn biến liên quan đến xây dựng và phát triển đô thị, Thủ tướng đã yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động này, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng; rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị nhằm loại bỏ cơ chế xin cho.
Theo một chỉ thị vừa được đưa ra, Chính phủ cho rằng hiện nay việc xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi. Thủ tướng nhắc nhở đến việc điều chỉnh quy hoạch chung, chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị…
Một số điều của các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư liên quan đang được đề xuất sửa đổi nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập, hoàn thành trong năm 2019.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho các địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư công, đảm bảo gắn kết giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đô thị, các chương trình, dự án phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cụ thể; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng; rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị nhằm loại bỏ cơ chế xin cho. “Cần thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật” – chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có thông báo tới các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước để đề xuất đề tài/dự án khoa học và công nghệ. Các đề xuất sẽ được tiếp nhận theo ba nhóm nội dung.
- Xem thêm: Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam
Ở Nhóm 1 là các nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, mạng di động thế hệ thứ 5, robot, điện toán đám mây…) để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ như: y tế, du lịch, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục – đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng, thông tin – truyền thông, tài nguyên – môi trường, quốc phòng, an ninh.
Nhóm 2 gồm các đề tài nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng số làm nền tảng, phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.
Nhóm 3 tập trung vào nghiên cứu các mô hình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và triển khai mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng chuyển đổi số, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Chương trình dành sự ưu tiên cho đề xuất của các công ty khởi nghiệp sáng tạo hoàn thiện công nghệ; đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng; đề xuất có sự đặt hàng và tài trợ từ doanh nghiệp; đề xuất có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; đề xuất nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.