Như nhiều người cùng thế hệ, Bùi Bằng Đoàn (1889-1955), quê sinh làng Liên Bạt, tổng Xà Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội) đã từ hàng ngũ quan chức phong kiến, thực dân rồi thức tỉnh, chuyển hóa, hợp tác và trở thành cán bộ cách mạng ưu tú thời đại Hồ Chí Minh. Tính ra, con đường hành đạo, chấp chính của Bùi Bằng Đoàn thực sự hanh thông với 34 năm (1911-1945) làm quan dưới chế độ thực dân, 11 năm cộng tác với chế độ mới (1945-1955) và có thời gian dài kề vai sát cánh bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt những năm đầu Nhà nước Cách mạng non trẻ mới thành lập và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ.
Mặc dù là người đã có hơn 30 năm gắn bó với chế độ cũ, trong đó có 12 năm giữ chức Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn (1933-1945), thế nhưng đến tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia nội các Bảo Đại, cáo quan về quê. Sau Cách mạng Tháng Tám, hiểu rõ tài năng, đức độ và hướng tới mục tiêu đoàn kết, ngày 17-11-1945, Hồ Chí Minh đã viết thư mời với chỉ 58 chữ: “Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà, dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư”… Từ đây, mở ra vận hội mới cho Bùi Bằng Đoàn trên con đường phấn đấu vì độc lập dân tộc, cứu dân cứu nước: trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I (1946), từng giữ các chức vụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến cuối năm 1948 mới giảm dần công việc vì đau ốm…
Các nguồn tư liệu cho biết mối quan hệ thắm thiết giữa Hồ Chí Minh và Bùi Bằng Đoàn trên chiến khu Việt Bắc; việc Hồ Chí Minh đã gửi Bùi Bằng Đoàn “Lời điếu Nguyễn Văn Tố” kèm bức thư trao đổi ý kiến; chuyện Hồ Chí Minh chăm lo sức khỏe, tặng bộ quần áo lụa và đến viếng khi cụ Bùi qua đời; cho đến việc Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 224-SL (14-4-1955) truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bùi Bằng Đoàn… Mối quan hệ bằng hữu, tri âm tri kỷ Hồ Chí Minh – Bùi Bằng Đoàn còn được xác nhận và truyền tụng sâu rộng qua chuyện xướng họa thơ ca. Vào đầu năm 1948, Hồ Chí Minh viết bài thơ chữ Hán Tặng Bùi công (Tặng cụ Bùi):
Khán thư sơn điểu thê song hãn,
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì.
Tiệp báo tần lai lao dịch mã,
Tư công tức cảnh tặng tân thi.
(Xem sách chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi.
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài)
Nhận được bài thơ xướng của Bác Hồ, cụ Bùi họa lại:
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc,
Giang sơn vạn lý thủ thành trì.
Tri công quốc sự vô dư hạ,
Thao bút nhưng thành thóa lỗ thi.
(Sắt đá một lòng vì chủng tộc,
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ.
Biết Người việc nước không hề rảnh,
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù)
Trên thực tế, ngay từ khi làm quan dưới thời thực dân, Bùi Bằng Đoàn đã có tiếng là viên quan thanh liêm, chính trực. Ông từng trải các chức Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Ninh Bình; rồi thăng Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế (từ 1933) với hàm Thái tử Thiếu bảo. Công tích của ông gắn với việc đắp đê Bạch Long (Nam Định) ngăn nước mặn; góp phần bênh vực, bào chữa trong vụ án Phan Bội Châu (1925); dẫn đầu đoàn thanh tra các đồn điền cao su của Pháp ở Nam bộ và đề xuất chính sách có lợi cho công nhân, phu phen (1925-1928); bào chữa cho Bí thư Đặc Khu ủy Hòn Gai Nguyễn Văn Cừ (1931); lại từng được thưởng Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh, Long Bội tinh, Nông nghiệp công trạng Bội tinh, Huyền kim bội tinh xứ Bê-nanh, Vạn tượng bội tinh, Đệ nhất đẳng kim khánh, Đệ nhất đẳng kim tiền…
Nhằm có thêm những tư liệu để hoàn chỉnh chân dung danh sĩ, nhà trí thức, quan chức Bùi Bằng Đoàn dưới thời thực dân, chúng tôi tập trung giới thiệu tiếng nói của giới báo chí, người đương thời, người trong cuộc và dư luận xã hội nhân việc Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn được Chính phủ Nam triều cử vào thanh tra 45 đồn điền cao su của Pháp tại các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn và Gia Định thuộc Nam Kỳ. Công việc thanh tra động chạm đến quyền lợi giới chủ, công khai các việc hành hạ, bóc lột sức lao động, chế độ tiền lương, điều kiện ăn ở, y tế, nhất là đời sống phu điền Bắc Kỳ. Đương nhiên việc thanh tra không thể thỏa mãn được mọi yêu cầu của mỗi bên nhưng đây cũng là dịp để báo chí lên tiếng, vừa bày tỏ nguyện vọng của dân chúng, vừa tạo dư luận xã hội và đưa ra những nhận định, phán xét cần thiết nhằm ủng hộ người lao động.
Tham dự vào việc theo dõi, bắt mạch sự kiện chuyến thanh tra của Bùi Bằng Đoàn chủ yếu trên tờ Đông Pháp thời báo (ĐPTB) cách nay ngót trăm năm, xuất bản tại Sài Gòn (1923-1928), có các ký giả ghi tên thật, có bút danh, có xã luận của báo, có báo này dẫn tin từ báo khác và cả tiếng nói của dư luận, công chúng. Mở đầu, Thanh Tâm viết Bức thư cùng ông Bùi Bằng Đoàn kèm lời dẫn để rộng đường dư luận:
“Bổn báo đã nhiều lần nói về việc ông Bùi Bằng Đoàn ở ngoài Bắc vào đây làm thanh tra lao động, vậy anh em đồng bào, ai có ý kiến gì hay liệu có bổ ích cho công việc khó khăn của ông Bùi, xin cứ do bổn báo làm giới thiệu. Ngày 10 Février mới rồi, tiếp được bức thư sau này, bổn báo đăng y nguyên văn.
“Sài Gòn, le 10 Février 1928.
Kính cùng ông Bùi Bằng Đoàn, Thanh tra Lao động Sài Gòn.
Thưa Ngài, từ ngày anh em chúng tôi được tin Nhà nước phái Ngài vào trong này để xem xét công việc làm ăn của anh em lao động ở những vườn Cao su thì hết thảy anh em chúng tôi ai nấy đều hớn hở vui mừng. Thưa Ngài, như thế đủ rõ cho rằng chúng tôi trông cậy vào Ngài rồi, vậy xin Ngài làm hết bổn phận ngài kẻo rồi ra danh tiếng Ngài có ngày kia phải nhơ nhuốc. Vậy trước khi Ngài từ giã Sài Gòn mà đi xem xét công việc của anh em chúng tôi làm ăn trên kia thì xin Ngài dầu lòng mà ưng thuận cho chúng tôi mấy điều sau này.
Điều thứ nhất: Ngài phải yêu cầu với Chủ sở Cao su một cách thế nào để cho những người tàn tật được về Bắc dù họ có làm giao kèo mấy năm mặc lòng. Điều thứ hai: Người nào đau ốm luôn luôn thì cũng phải cho về xứ sở họ. Điều thứ ba: Đàn ông hoặc đàn bà quá quá năm mươi tuổi cũng phải cho về đến quê… Nếu trong ba điều ấy mà Ngài nhận lấy cho, không những anh em Lao động chúng tôi mến phục Ngài và có lẽ danh tiếng của Ngài sau này vẫn còn ghi tạc mãi mãi. Vậy Ngài nghĩ sao? Nay kính, – Thanh Tâm” (ĐPTB, số 683, ra ngày 16-2-1928, tr.2).
Tiếp kỳ sau là thông tin khái lược của Tòa soạn Ông Bùi Bằng Đoàn đã vô: “Bổn báo đã nhiều lần nói là Chính phủ Bắc Kỳ phái ông Án sát Lạng Sơn là Bùi Bằng Đoàn vào Nam Kỳ ba tháng đặng khám xét bọn cu li làm ở các vườn Cao su. Vậy chuyến tàu Claude Chappe ở Bắc vào sáng bữa chủ nhật mới rồi, có quan Thanh tra Lao động Bùi vào rồi. Bổn báo chúc Ngài khởi sự bình an, và mong rằng Ngài sẽ làm hết phận sự rất khó khăn” (ĐPTB, số 685, ra ngày 21-2-1928, tr.2).
Tiếp sau vẫn là thông tin Tòa soạn với nhan đề Điều tra về cái tình cảnh bọn cu li cao su nhưng cụ thể, sắc nét hơn và bày tỏ rõ thái độ: “Chính phủ cũng xét thấu cái tình cảnh khổ sở của anh em ta làm phu ở các vườn Cao su, cho nên ngày năm ngoái đã thi hành luật lao động mới, nay lại đặt ra Sở Thanh tra để xem xét, và ngoài Bắc lại phái ông Án Bùi Bằng Đoàn vào sung cái trách nhiệm ấy. Xem thế thì chính phủ đối với việc này, chưa biết kết quả ra thế nào, nhưng mà bổn tâm thiệt cũng chu chí lắm… Bổn báo muốn thể cái mỹ ý của chính phủ, và giúp cho việc điều tra của ông Bùi, cho nên bắt đầu từ đây mở ra mục này, để hoan nghinh những ý kiến hoặc tin tức gì thuộc về tình cảnh của anh em ở vườn Cao su, mong sao kẻ có của có công, thân yêu nhau, giúp đỡ nhau, để mở mang cho nền kinh tế xứ này, đừng có những việc bất công bất bình, mà xẩy ra cái việc như ở Phú Riềng mới rồi thì may lắm” (ĐPTB, số 686, ra ngày 23-2-1928, tr.1).
Cùng trong số báo này có bài của Phạm Ngọc Liên (ghi rõ địa chỉ: 16 rue Sabourain. – Sài Gòn) tạo nên sự hô ứng và cụ thể hóa bằng tiếng nói của người đại diện, người chấp bút, người cung cấp các chứng cứ và đề xuất yêu cầu qua Mấy lời bộc bạch cùng ông Bùi Bằng Đoàn:
“Nhân đi tàu Claude Chappe vào Sài Gòn, được gặp ông Bùi Bằng Đoàn cùng vào Nam Kỳ là thanh tra lao động trên miền cao su, khiến cho tôi chan chứa những điều cảm giác, cho nên không nài thô thiển, có vài lời trân trọng ngỏ cùng ông, hoặc may có bổ ích gì cho công việc khó khăn của ông được ít nhiều chăng? Đối với việc này, tôi không có ý kiến gì hay dám hiến cho ông nhưng thiết tưởng tôi có thể đem sự lịch duyệt của tôi mà hiến cho ông được. Trước kia tôi đã từng bôn tẩu ở những chỗ rừng xanh đất đỏ đến mấy năm trời, làm vườn cao su trải đến 10 hãng, nghĩa là tôi đã từng đặt mình vào cái cảnh mà anh em tôi bây giờ đương than van; cho nên những cái nỗi khổ tình đau ở trong đó, tôi không biết nhiều cũng biết ít, vậy nay dám đem ra bộc bạch để ông xét cho.
- Cứ lệ, anh em chúng tôi mỗi tháng được 6 ngày nghỉ, không kể ngày hội và ngày tết. Trong giao kèo không thấy nói rõ là ngày này có trừ lương hay không. Thế mà ngày nào nghỉ là họ trừ lương của chúng tôi hết. Những ngày nghỉ ấy là tự họ cho nghỉ, nói là theo phép vệ sinh, chớ chúng tôi có xin đâu, thế mà trừ lương của chúng tôi đi là nghĩa lý gì?
- Đất Nam Kỳ đồ ăn đắt, thứ nhất là ở mấy sở cao su xa xuôi hẻo lánh, thì mọi đồ vật dụng càng mắc lắm. Lương chúng tôi mỗi ngày có 0$40, thế mà trừ đầu trừ đuôi đi, thì lấy gì mà ăn.
- Số tiền cho vay trước là 13$00 không kể, còn tiền tàu, tiền mua chiếu, áo tơi, bát đũa, tiền hoa hồng cho người mộ, nói vắn tắt là đủ các thứ tiền cho dân vào, đã nói là chủ cho thì sao còn trừ nữa. Khoản này trong giấy giao kèo không nói, chỉ nói phải trả có 10$00 thôi.
- Lúc lãnh lương, ai đủ thiếu thế nào không cho biết, cứ gọi đến tên là lấy, chớ không biết là họ trừ bao nhiêu và trừ về khoản gì. Nếu ai kêu ca gì thì họ đánh.
- Giờ làm việc không theo thể lệ cho hợp vệ sinh. Sáng sớm 5 giờ đã bắt đầu làm việc, trưa không được nghỉ về nhà ăn cơm; họ bắt ăn cơm ngay ở chỗ làm, ngồi phơi nắng như vậy, chớ không có chỗ che hay bóng mát gì hết. Ăn lật đật xong lại làm ngay.
- Khi đau yếu đừng có vạn tử nhất sinh, thì họ mới cho nằm nhà thương, còn như đau vừa vừa thì vẫn phải đi làm như thường. Vì vậy nhiều khi anh em chúng tôi vì gượng sức quá, đến nỗi chết ở ngay chỗ làm.
- Chef, Surveillant, cai bất chấp phải trái gì cả, hễ chúng tôi có điều gì muốn nói là chúng chửi mắng tàn tệ.
Ấy là kể qua mấy điều mà thôi, còn nhiều điều bất bình nữa, hoặc tôi chưa biết rõ hết mà nói được. Nghĩa vụ của ông ngày nay, là làm sao cho trọn cái trách nhiệm của chính phủ trao cho, và tẩy những sự bất bình của chúng tôi. Danh dự của Ngài ngày nay, tưởng không ở cái quan trước, mà ở việc Thanh tra lao động này. Mong rằng anh em chúng tôi sẽ nhắc đến tên Ngài một cách kính trọng luôn. – Thay mặt cho anh em lao động” (ĐPTB, số 686, ra ngày 23-2-1928, tr.1).
Chỉ 3 ngày sau, ký giả Q.C trong bài báo có tính giả định Nếu tôi được là ông Bùi Bằng Đoàn, đúng hơn là đặt sự “giả định” như một thủ pháp nghệ thuật, đối lập giữa thực tại nghiệt ngã với lối tranh tra “lấy lệ”, “phô trương”, qua đó trực diện khích bác, khơi gợi lòng tự trọng và trách nhiệm người đứng đầu:
“Nhiều người biết cái tình cảnh của bọn cu li cao su, mà bấy lâu những than thầm thương vụng, nói không có quyền, kêu không có chỗ thì lối này điều ao ước làm ông Bùi Bằng Đoàn cả. Ao ước làm ông Bùi Bằng Đoàn, không phải là ao ước làm Án sát, mà ao ước làm Thanh tra lao động. Cái chức này tuy nhỏ mà sự hành vi có quan hệ tới xã hội nhân quần, cái chức này tuy đặt ra không bao lâu, nhưng nếu biết làm ra, thì làm cái việc mà cả đời người khác làm không hết và cái sự nghiệp còn truyền mãi về sau.
Vì thế tôi cũng ao ước làm ông Bùi Bằng Đoàn. Nếu tôi được là ông Bùi Bằng Đoàn, thì sau khi được lệnh của chính phủ phái đi, tôi hỏi kỹ lại chính phủ coi chính phủ trao cho tôi cái trách nhiệm đi thanh tra như vậy, xuất ư thành tâm binh vực bọn dân nghèo khỏi bị bọn tư bổn ức hiếp, hay là chính phủ sai đi để làm lấy lệ, mà che tai mắt thế gian. Chính phủ cho tôi có cái quyền hạn tới đâu. Chính phủ cho mấy người thay mặt dân cùng đi với tôi (thí dụ như mấy ông Nhân dân đại biểu, nhưng phải ông nào kém về sự gật đầu và tiếng dạ mới được), để chứng minh rằng tuy tôi là người của chính phủ phái đi, nhưng thiệt tình là vì dân mà làm việc.
Tới đó, tôi xuống tàu vào Sài Gòn. Vào Sài Gòn, tưởng không có việc gì cần kíp và hay hơn là tôi xin chính phủ cho phép tôi duyệt lại cái án Phú Riềng. Vẫn biết tên Tư giết Monteil thì tội đáng chém đầu rồi, ấy là theo cái nghĩa “sát nhơn giả thường mạng” thì phải rồi. Nhưng để cho tôi xét xem bình nhật Monteil là người thế nào, mà tên Tư vì những cớ gì lại giết Monteil, chớ cái cớ chỉ bởi không được làm cai mà giết người, thiết tưởng có hơi trái tai một chút. Hễ càng làm phân minh việc này ra đến đầu đến đuôi, ấy tức là đã làm được một phần trong việc thanh tra lao động vậy. Lại còn làm rõ rệt lòng vô tư của chính phủ, và bày tỏ được sự công bằng của luật pháp ra.
Sau tôi lại phải triệu tập các nhà ngôn luận, nhà buôn bán… và những người nào có sở kiến sở văn trong cái vấn đề “cu li cao su” này, đặng hỏi ý kiến và tình trạng ra thế nào. Vì nghe chuông phải nghe hai tiếng mới được. Tôi phải lấy dư luận làm cái bước tiến hành của công việc tôi.
Còn như việc khám xét, thì tôi quyết không chịu làm phô trương. Vì lẽ tự nhiên ở đời, đối với ai: hễ mình nói: “Tao cho mày cái này”, thế nào họ cũng giơ tay mà nói “Tao đánh mầy đây”. Vậy làm sao tôi phải vi hành vào trong những vườn cao su, để xem họ làm ăn ra thế nào, sinh hoạt ra thế nào, sự ức uất những thế nào, v.v. Có thế mới thấy được cái tình thiệt cảnh thiệt của họ, đặng về nói lại với chính phủ. Chớ nếu đi vườn cao su nào đều có giấy thông báo cho hay trước, rồi nhảy lên xe hơi, và bắt tay ông chủ, họ dẫn đi coi chỗ này chỗ kia, hỏi tên này tên khác, thế nào lại chẳng toàn là “của tốt” cả, những cái u ẩn ở trong vườn cao su đâu mình có được xem. Rồi hút điếu xì gà, uống ly sâm banh… đi về, như thế thiệt uổng cả tiền “trợ cấp” mà của nhà nước, phụ cả lòng mong mỏi của anh em.
Nói tóm lại, nếu tôi được làm ông Bùi Bằng Đoàn thì anh em trong vườn cao su không phải ăn tháng 12 đồng bạc lương, không phải ở chỗ khổ sở, không phải làm nhiều giờ, không để cho anh cập rằng nào dám đánh, không phải làm việc trong khi ốm đau, v.v. Mà cái vấn đề nhân công ở nước ta cũng là giải quyết, dầu có đem tước lộc và danh dự tôi mà đánh giá cũng được… Nhưng thôi, tôi cứ ước xằng mong chả làm ông Bùi Bằng Đoàn, mà nếu không làm xong được việc gì, bị thiên hạ chê cười khinh bỉ thì sao?” (ĐPTB, số 687, ra ngày 25.2.1928, tr.1).
Lại qua một tuần sau, ký giả X của báo Công luận xuất bản tại Sài Gòn (1916-1939) có bài viết mang phong cách ghi chép, ký sự, phóng sự ngắn gọn Quan Án sát Bùi Bằng Đoàn – Đi viếng làm sở bị bịnh nằm tại nhà dưỡng đường Thủ Dầu Một và đi đến câu kết gợi mở, kỳ vọng vai trò, nhiệm vụ thanh tra:
“Hôm ngày 2 Avril 1928, lối 9 giờ ban mai, có quan Án sát Bùi Bằng Đoàn, được lệnh quan Thanh tra Tholance lên viếng dân làm sở bị bệnh nằm tại nhà thương Thủ Dầu Một.
Khi lên đến nơi thì có quan thầy Tây rước vào ân cần han hỏi chuyện này sang chuyện nọ. Kế đó cả hai và thầy Infirmier Chef (Y tá trưởng) mới lần bước đi coi bệnh. Đến nơi nào là phòng đàn ông phòng đàn bà đều chật cả, tính ra thì là 200 người đàn ông và 34 người đàn bà, trong thấy chẳng có chi lạ hơn là bị bệnh sốt rét, lớn bị bệnh ghẻ hồm coi ra rất nên thê thảm.
Hàng Sĩ thấy thể rất đau lòng vô hạn, vì lâm cái cảnh nghèo nên tấm thân mới ra nông nỗi. Quan sát xong thì là 10 giờ rưỡi, cả ba mới trở về nhà thuốc nói chuyện hồi lâu, kế quan Án sát đứng dậy từ giã quan thầy thuốc và thầy Infirmier Chef rồi lên xe hơi trực chỉ về Sài Gòn. Trong khi đương quan sát, Hàng Sĩ thấy có hai ba tên cu li trước mặt quan Án sát mà khẩn cầu điều chi chẳng rõ, kế đó lại có vài người đàn bà cũng lại trước mặt ngài mà khẩn nữa… Chắc có lẽ là chúng nó kêu nài về sự ức hiếp đây chăng, vậy để rồi đây coi quan Án sát Bùi Bằng Đoàn có làm điều chi cho dân cu li nhờ chăng?” (Công luận, số 971, ra ngày 3-5-1928, tr.1).
Qua gần hai tháng sau, ĐPTB đưa lại thông tin từ Hà Thành ngọ báo (số 325, ra ngày 7-6-1928, tr.1) với nhan đề Tin quan Bùi Bằng Đoàn buông thòng chỉ với một câu ngắn gọn 35 chữ: “Được tin mừng rằng sau khi quan Án sát Bùi Bằng Đoàn đi công cán trong Nam Kỳ trở về, thì đã được chính phủ Bảo hộ cử đi quyền chức Tuần phủ Cao Bằng” (ĐPTB, số 738, ra ngày 30-6-1928, tr.1).
Lại qua 10 năm, chẵn 10 năm sau, trên báo Vịt đực xuất bản tại Hà Nội (1938-1939) nhân chuyện châm biếm, đả kích thương gia, chính khách, nhà hoạt động báo chí Phạm Lê Bổng (1905-?), Sơn Tinh trong bài viết Nếu ông Phạm Lê Bổng được cái dạ dày của quan Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn đã tếu táo chơi chữ, chua cay “đá xéo” từ chuyện sáng dạ – tối dạ đến “cái… dạ dày”:
“Ông Phạm Lê Bổng, chủ hiệu pháo và chủ hai tờ tuần báo chính trị “Nam Cường” và “La Patrie Annamite” có cái bộ mặt kể ra cũng sáng sủa, hay hay. Nhưng, nếu ai chịu khó ngắm kỹ diện mạo ông, tất sẽ nhận ngay thấy nó hơi bị sị và kém về thông minh (…).
Nhân vô thập toàn. Nhưng những người yêu ông Bổng, như chúng tôi chẳng hạn, đều muốn cho ông đã sẵn cái óc thông minh như thế cũng rất nên có cái dạ dày sáng suốt như dạ dày quan Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn.
Quan Thượng này không biết có thông minh hay không, nhưng cái sáng dạ thì rất chắc. Có một lần quan bà đánh mất cuốn sổ họ, đang lo tiền nong sẽ bị lầm lẫn với các nhà con. Thì quan ông tươi cười bảo ngay rằng: “Bữa nọ tôi nằm buồn quá, không có sách chi để đọc, sẵn quyển sổ ấy tôi có giở ra đọc chơi giải trí thì tôi đã thuộc lòng từ trang nhất đến trang cuối cùng. Bà để tôi viết ngay cho quyển số khác có đủ tên các nhà con với những tháng họ đã đóng góp được nhiều hay ít”.
Quan bà cũng không tin quan ông lại sáng dạ đến thế được. Thì quan ông đã làm ngay việc ấy không nhầm lẫn nửa xu của ai và không sót một người nào hết. Hoài của thật!
Cái dạ dày của quan Thượng Đoàn nó sáng suốt đến như vậy mà chỉ để có nhớ sổ họ cho quan bà thì cũng uổng! Giá bà mụ không tiếc tay nặn cho ông Phạm Lê Bổng cái dạ dày sáng sủa này thì sự nghiệp của ông còn lừng lẫy bằng vạn sự nghiệp quan Thượng Đoàn” (Vịt đực, số 2, ra ngày 29-6-1938, tr.4)…
Qua dư luận báo chí đương thời cũng có thể thấy được sự theo dõi, giám sát, kỳ vọng và yêu cầu cao của giới truyền thông hồi đầu thế kỷ XX đối với trách nhiệm cá nhân Bùi Bằng Đoàn – người đứng đầu cuộc thanh tra. Đương nhiên phẩm chất và những cố gắng của cá nhân ông không thể làm thay đổi bản chất thể chế xã hội thực dân nửa phong kiến đang đến hồi chung cuộc. Cho đến đoạn vĩ thanh của cuộc đời, với khoảng thời gian không dài, chính nhờ sự hào hiệp, liên tài và tầm nhìn xa rộng, Hồ Chí Minh đã đón nhận, chuyển hóa người bạn già Bùi Bằng Đoàn vào đội ngũ những nhà cách mạng ưu tú. Tên ông đã được đặt cho các tuyến phố thuộc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định…