Tăng trưởng của Trung Quốc đạt hơn 10% trong những năm 2000 nay rơi xuống còn khoảng 7 hay 8%. Ấn Độ tăng trưởng từ hơn 7% xuống còn 4% và Nga từ hơn 8% xuống còn 4%.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm có thể được giải thích bởi nhiều lý do. Thứ nhất là do khủng hoảng kinh tế, các nước nhập khẩu phải giảm khối lượng hàng nhập từ Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh muốn cân đối lại nền kinh tế của mình theo hướng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giảm bớt đầu tư do khoản nợ khổng lồ của khối tư nhân vượt trên 200% GDP của đất nước.
Công nhân người Brazil làm việc tại cảng Santos
Trước tình hình xuất khẩu giảm, chính phủ Trung Quốc tìm cách kích cầu tiêu thụ trong nước. Các khoản tín dụng ngân hàng sẽ được dành chủ yếu cho khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Dự trù, các doanh nghiệp này sẽ đóng góp cho 60% GDP của đất nước, 50% nguồn thu thuế và 80% cơ hội việc làm.
Bắc Kinh cũng chú ý hơn đến yếu tố con người và quá trình đô thị hóa. Được biết, chính sách di cư sẽ được cải cách để người nông thôn lên thành thị làm việc có thể cho con mình học tập tại các trường nơi họ cư trú và được chăm sóc sức khỏe.
Còn các nước Brazil, Ấn Độ suy sụp vì thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng điện. Trong khi đó, Nga do hệ thống quản lý suy yếu khiến các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài lo sợ.
Các nước này cũng mắc phải sai lầm khi chỉ tập trung vào tăng trưởng, trong khi đó yếu tố con người bị thờ ơ. Tại đây, nhân lực có trình độ cao rất hiếm, được hưởng lương cao nên không thúc đẩy tính cạnh tranh. Sự tăng trưởng cũng bị cản trở vì bất công xã hội kéo theo an ninh mất ổn định do tình trạng tội phạm và nạn tham nhũng tăng cao.
Bất công xã hội cũng gây nên những phản ứng và yêu sách mà người dân tầng lớp trung lưu tại Brazil, Ấn Độ đang thể hiện trên đường phố. Thập niên tăng trưởng thần tốc của BRIC với sự hiện diện của Trung Quốc đã kết thúc. Một loạt các nước mới nổi khác vươn lên thế chỗ như Indonesia ở châu Á hay Chile, Peru, Colombia tại châu Mỹ Latinh và Nigeria, Ghana, Ethiopia tại châu Phi.
N. Nam