Nhà sản xuất máy bay Boeing Co (Mỹ) cho hay đã mời hơn 200 phi công, các giám đốc kỹ thuật và các nhà quản lý tới một buổi họp công bố thông tin diễn ra vào ngày 27-3-2019.
Cuộc họp diễn ra tại Washington (Mỹ) là một phần của kế hoạch tiếp xúc với tất cả các hãng hàng không hiện đang sử dụng dòng Boeing 737 MAX và nhiều hãng hàng không có ý định sử dụng mẫu máy bay này trong tương lai, cùng với các cơ quan quản lý để thảo luận về những cập nhật phần mềm và chương trình tập huấn phi công mà Boeing đang hoàn tất nhằm cải thiện độ an toàn của 737 MAX.
Người phát ngôn của Boeing cho biết sự kiện này là một trong những cuộc tiếp xúc mà Boeing dự định tổ chức để kết nối với tất cả những khách hàng hiện tại và tương lai.
Giám đốc điều hành Hãng hàng không Garuda (Indonesia) xác nhận đã nhận được thư mời của Boeing ngày 22-3 nhưng vì thời gian thông báo gấp nên không thể cử phi công tới cuộc họp, trong khi phía Boeing từ chối họp trực tuyến.
Trước đó, Garuda thông báo kế hoạch hủy hợp đồng đặt mua 49 máy bay 737 MAX với lý do hai vụ tai nạn liên tiếp trong vòng sáu tháng với mẫu máy bay này khiến hơn 300 người thiệt mạng đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin từ các hành khách. Nhiều hãng hàng không cũng xác nhận thư mời của Boeing như Singapore Airlines, Korean Air Lines.
- Xem thêm: Khủng hoảng có đến gần Boeing?
Việc tổ chức cuộc họp ngày 27-3 được coi là một dấu hiệu cho thấy Boeing có thể đã hoàn tất việc cập nhật và nâng cấp phần mềm điều khiển cũng như chương trình tập huấn cho phi công lái máy bay 737 MAX. Một cuộc họp đánh giá phần mềm nâng cấp đã được tổ chức tại Renton ngày 23-3.
Theo một nguồn tin từ giới chức Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vẫn chưa chấp thuận phiên bản cập nhật nhưng đề ra mục tiêu là đánh giá những cập nhật trong vài tuần tới trước khi thông qua vào tháng Tư tới.
Nguồn tin này cho biết những thay đổi này bao gồm chương trình tập huấn cho phi công kéo dài 15 phút để có thể vô hiệu hóa Hệ thống kiểm soát bay tự động (MCAS) trong trường hợp xảy ra lỗi cảm biến hoặc các tình huống khác.
Hiện vẫn chưa thể khẳng định việc cập nhật phần mềm mà FAA gọi là “thay đổi thiết kế” có thực sự giải quyết tận gốc vấn đề dẫn tới các vụ tai nạn thảm khốc trước đó hay không. Rất nhiều nghi vấn được đặt ra về hệ thống an toàn tự động MCAS trên Boeing 737 MAX, theo đó cho phép MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống khi nhận được những dữ liệu từ cảm biến góc tấn cho thấy máy bay có nguy cơ rơi vào trạng thái mất lực nâng hoặc chết động cơ.
MCAS được đưa vào mẫu 737 MAX vì mẫu máy bay này có trọng lượng nặng hơn các máy bay đời trước và có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm giảm chất lượng khí động lực hơn nên có nguy cơ làm mũi máy bay bị nâng lên cao hơn thông thường.
Phó chủ tịch Hiệp hội Hàng không Ethiopia Yohannes Hailemariam, một phi công có hơn 30 năm kinh nghiệm lái máy bay Boeing, cho rằng hệ thống này “khó kiểm soát”. Theo ông, MCAS ngay lập tức điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống khi nhận được dữ liệu từ cảm biến góc tấn, khiến phi công không thể thực hiện kịp những thao tác Boeing hướng dẫn.
737 MAX từng là mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing với giá trị các hợp đồng đặt mua lên mức hơn 500 tỉ USD tính theo giá niêm yết. Tuy nhiên, sau hai vụ tai nạn thảm khốc với Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) khiến 157 người thiệt mạng hồi tháng 10-2018 và với Hãng Ethiopia Airlines hôm 10-3 khiến 189 người thiệt mạng, mẫu máy bay này đã bị cấm bay hay dừng hoạt động ở nhiều nước. Một số hãng hàng không cũng thông báo kế hoạch hủy hợp đồng mua mẫu máy bay này. Hãng hàng không American Airlines hôm 24-3 thông báo sẽ tiếp tục kế hoạch hủy nhiều chuyến bay tới hết ngày 24-4 vì 737 MAX bị cấm bay, đồng thời giảm một số chuyến bay bổ sung.