Liên tiếp hai vụ tai nạn chưa rõ nguyên nhân khiến cộng đồng hàng không thế giới đặt nhiều dấu hỏi về dòng máy bay mới Boeing 737 MAX.
Cổ phiếu của Boeing BA đã giảm gần 9% sau khi chiếc 737 MAX 8 trong biên đội bay của Hãng hàng không Ethiopian Airlines bị rơi ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa, Ethiopia vào ngày 10-3 khiến 157 người thiệt mạng. Vụ việc xảy ra chỉ vài tháng sau khi một vụ tai nạn máy bay tương tự xảy ra đối với hãng Lion Air của Indonesia làm 189 người chết.
Ngay sau tai nạn của Ethiopian Airlines, CNBC cho biết chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm ngừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX. Andrew Herdman, Tổng giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Thật bất thường khi ngừng sử dụng một loại máy bay trừ khi một vấn đề cơ học cụ thể hoặc lỗi linh kiện đã được xác định”.
Đồng thời, nhiều nhà khai thác Boeing 737 MAX cho Reuters biết họ không có kế hoạch hủy đơn hàng với Boeing. Tuy nhiên, sau hai vụ tai nạn này Boeing 737 MAX phải đối mặt với hoài nghi ngày càng tăng trong cộng đồng hàng không.
Boeing 737 là sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của Boeing với hơn 10.000 chiếc được sản xuất. MAX là dòng mới nhất của Boeing 737, trở thành một chương trình rất quan trọng với Boeing trong thập niên tới vì chiếm 64% sản lượng của tập đoàn tới năm 2032 và hứa hẹn đem về lợi nhuận lớn.
Đây cũng là dự án quan trọng với giao thông vận tải toàn cầu khi 737 MAX 8 thuộc thế hệ MAX mới nhất, được quảng cáo là vượt trội với khả năng chở lượng hành khách lớn và tiết kiệm nhiên liệu.
Boeing ra mắt chiếc 737 MAX 8 đầu tiên vào tháng 12-2015 và có chuyến bay thử đầu tiên một tháng sau đó. Phi cơ này có thể bay 6.570km và chở tới 210 hành khách.
Sau tai nạn gần bốn tháng trước, Lion Air tuyên bố có thể xem xét hủy đơn hàng Boeing. Nhiều hãng muốn có chương trình đào tạo thêm cho phi công về dòng máy bay này. Trước đó, năm 2017, Boeing buộc phải tạm dừng bay thử chiếc 737 MAX đầu tiên khi nhà sản xuất động cơ Pháp Safran phát hiện “các vấn đề về chất lượng” trong một vài turbine sử dụng trên máy bay này. Các sự cố liên tiếp đang giáng đòn đau đối với cổ phiếu của Boeing và có thể gây ảnh hưởng tới cuộc đua với đối thủ Airbus.
Xét theo doanh thu toàn cầu, Boeing vượt qua Airbus để trở thành hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, nhưng mức chênh lệch là không quá nhiều. Năm 2017, số liệu cho thấy Boeing nhỉnh hơn Airbus về doanh thu. Hãng sản xuất máy bay Mỹ thu được 92,2 tỉ USD, trong khi Airbus chỉ là 79,5 tỉ USD.
Mặc dù vậy, cuộc đua giữa hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới chưa ngã ngũ khi Airbus cũng từng gặp rắc rối lớn với loại máy báy khổng lồ A380, loại máy bay lớn nhất thế giới. Chỉ có điều, với hai vụ tai nạn liên tiếp gần đây, Boeing chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi.