Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng bộ sưu tập (BST) thời trang được các thương hiệu cho ra mắt nhiều nhất từ trước đến nay. Đây là điềm báo cho sự phát triển hay làng thời trang đang trong cơn khủng hoảng?
Từ năm 2006 trở về trước, mỗi thương hiệu thời trang cho ra ít nhất hai BST mỗi năm cho hai mùa thời trang quan trọng là xuân-hè và thu-đông. Một số nhà mốt có tiếng như Christian Dior, Chanel, Yves Saint Laurent… còn cho trình diễn thêm hai BST Haute Couture.
Những kỳ nghỉ hè trên du thuyền là phần không thể thiếu của những khách hàng phân khúc thời trang cao cấp. Nắm bắt được thói quen tận hưởng đó, các nhà mốt lớn bắt đầu cho ra một BST phụ nhằm phục vụ cho những kỳ nghỉ như thế. Bắt đầu là YSL với BST resort cho nam giới, kế đến là Chanel, Dior và Gucci.
Như đóng vai trò định hướng của thời trang thế giới, các thương hiệu khổng lồkia tạo ra một tiền lệ cho các thương hiệu khác học hỏi theo và bắt đầu sản xuất thêm hai BST phụ là resort và pre-fall (chớm thu). Các BST resort, hay còn gọi là cruise (hành trình) hoặc pre-spring (trước mùa xuân) và BST pre-fall được trình diễn với một vai trò khác là hé lộ một chút về BST chính sắp được trình diễn trước đó. Các thương hiệu bắt đầu chú trọng hơn với những BST như thế, ví dụ như Chanel chọn một địa danh ngoài Paris để cho trình diễn BST pre-fall hay resort của mình.
Thật tuyệt khi chúng ta có thể chiêm ngưỡng thêm những thiết kế tuyệt đẹp của các hãng thời trang yêu thích. Tuy nhiên, cục diện của các BST thời trang đang dần thay đổi, mang màu sắc thị trường nhiều hơn. Thực chất sự xuất hiện của resort và pre-fall là để đáp ứng nhu cầu mua sắm không ngừng nghỉ của khách hàng. Họ không thể chờ đến sáu tháng sau để có thể mua những thiết kế mới.Điều này bắt buộc các thương hiệu phải cho ra các BST phụ giữa mùa để thỏa mãn khách hàng. Mặt khác, các BST phụ đem lại lợi nhuận cao hơn cả hai BST ready-to-wear chính.
Với tình hình hiện nay, nếu tổng hợp lại thì một thương hiệu mỗi năm phải cho ra ít nhất bốn BST, nếu tính luôn dòng thời trang nam thì con số đó sẽ lên sáu hoặc tám. Riêng những thương hiệu có dòng cao cấp haute couture như Valentino, Giorgio Armani thì phải cho ra khoảng 10 BST. Áp lực đè lên vai các nhà thiết kế (NTK) càng ngày càng nặng nề bởi một số NTK còn có cả thương hiệu riêng. Ví dụ như Karl Lagerfeld làm việc cho Chanel, Fendi; Raf Simons làm cho Dior và thương hiệu riêng mang tên mình và còn nhiều NTK khác.
Việc cho ra quá nhiều BST vô hình trung gây ra sự khủng hoảng sáng tạo. Một NTK có tài hoa cách mấy cũng không thể liên tục sáng tạo ra những BST mới mang sắc thái riêng trong thời gian liên tiếp. Bắt buộc họ phải “tái chế” ý tưởng, lặp lại chính mình hay thậm chí, “học hỏi” các nhà mốt khác. Cường độ làm việc cao khiến họ đánh mất cuộc sống riêng tư, như Giám đốc Sáng tạo của Louis Vuitton – Nicolas Ghesquiere từng kể về khoảng thời gian cô đơn và bị bóc lột tại thương hiệu Balenciaga trên tạp chí System, hay mới đây, NTK Christophe Lemaire vừa quyết định từ chức tại Hermès để tập trung hơn vào thương hiệu của mình.
Mấu chốt của sự tăng nhanh chóng các BST thời trang trong một năm có thể là minh chứng, hay mong muốn cho sự ăn nên làm ra của các thương hiệu thời trang. Có lẽ, bánh xe thời trang cần phải quay chậm lại để thời trang không từ giấc mơ trở thành ác mộng, từ nghệ thuật trở thành một nền công nghiệp khắc nghiệt.
Khải Hoàng