Vào hai đêm 28 và 29-8 tại khán phòng Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng Việt Nam vở vũ kịch Coppélia – một trong những vở diễn mang tính biểu tượng nhất cho trường phái balê hài kịch thế kỷ XIX. Với lần ra mắt này, Coppélia được dàn dựng bởi biên đạo múa Johanne Jakhelln Constant, người đã cùng HBSO làm nên thành công của hai vở diễn Kẹp hạt dẻ và Cô bé Lọ lem.
Chuyện kể về cặp tình nhân Swanhilda và Franz trong bối cảnh một mùa bội thu lúa mì tại một thị trấn nhỏ ở Hungary. Tuy đã có người yêu, Franz vẫn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của một cô gái lạ tên Coppéliađang ngồi trên ban công đọc sách, điều này không lọt khỏi sự để ý của Swanhilda làm cô gái bắt đầu nghi ngờ tình cảm của anh người yêu trẻ. Khi thị trưởng xuất hiện và đưa cho các cặp trai gái đang yêu tại thị trấn một phép thử tình yêu bằng cây lúa mì: những cặp yêu nhau sẽ nghe thấy tiếng lúa mì kêu lách tách. Thất vọng vì cây lúa mì của mình chẳng phát ra tiếng động gì, Swanhilda chạy đi…
Đêm hôm đó, Swanhilda đột nhập vào nhà Coppéliađể tìm hiểu về đối thủ của mình. Ngay khi vừa mừng rỡ phát hiện Coppéliachỉ là một con búp bê thì bỗng nhiên chủ nhân của ngôi nhà – tiến sĩ Coppélius trở về làm Swanhilda phải trốn vào trong tủ. Cũng lúc ấy, anh chàng Franz si tình dại dột cũng trèo ban công vào nhà để gặp Coppélia, vô tình rơi vào chiếc bẫy của Coppélius. Bằng sự nhanh trí của mình, Swanhilda đã cứu được Franz. Cả hai cuối cùng đã nhận ra được tình yêu đích thực của mình.
Có thể nói, Coppélia đã mang đến một làn gió mới cho sân khấu balê TP.HCM. Khác với các vở vũ kịch kinh điển mang sắc thái cung đình tráng lệ được HBSO trình diễn trong những năm gần đây nhưHồ Thiên nga, Kẹp hạt dẻ, Cô bé Lọ lem.Coppélia lại khắc họa sinh động đời sống dân gian đầy màu sắc của các làng quê châu Âu vào thế kỷ XIX. Balê cổ điển được kết hợp với các điệu dân vũ, những điệu múa giao duyên phóng khoáng và tùy hứng của các đôi trai gái vừa ở tuổi cập kê, tinh nghịch và tràn đầy sức sống. Thiết kế sân khấu và phục trang được chăm chút nhiều hơn về phần màu sắc, thể hiện không khí rực rỡ và ấm áp của lễ hội ngày mùa. Và với lối kể chuyện đặc trưng của balê hài kịch, câu chuyện của Coppélia được dẫn dắt bởi khá nhiều thủ pháp kịch nghệ, làm khán giả dễ hiểu, từ đó mà cũng dễ “cười” hơn. Mỗi nhân vật đều được xây dựng tính cách khá kỹ lưỡng: nàng Swanhilda nghịch ngợm, tính tình có phần hơi trẻ con; chàng Franz ngây ngô, bốc đồng; nhà khoa học Coppélius lập dị, tuy có lúc mưu mô nhưng bản chất không phải người xấu; cùng những nhân vật quần chúng với các tính cách và biểu cảm rất riêng. Chính vì vậy, ngoài những thử thách về vũ đạo, các diễn viên của Coppélia còn có khá nhiều đất để “diễn”, đặc biệt là trong màn 2 của vở vũ kịch.
Biên đạo Johanne Jakhelln Constant đã cho thấy, càng về sau, sự kết hợp của cô với HBSO càng “ngọt” hơn. Coppélia cũng là vở diễn đánh dấu sự trưởng thành và đồng đều hơn của dàn diễn viên HBSO. Nếu trong các vở vũ kịch trước, các màn múa tập thể còn là một thử thách với dàn diễn viên HBSO thì trong Coppélia, các màn múa tập thể đã mượt mà và đồng đều hơn rất nhiều. Các soloist trẻ của HBSO như Đinh Thị Diễm Trang, Hồ Phi Điệp, Trần Hoàng Yến, Đàm Đức Nhuận, Chloé Glemot, Nguyễn Thị Thu Thủy… cũng đã thuyết phục được khán giả bằng khả năng chuyên môn và trình diễn của mình.
Nhật Hà