Những ngày gần Tết Nguyên đán, ngã ba Bờ Đậu (huyện Phú Lương, Thái Nguyên – nơi trung chuyển nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang – Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái) rộn ràng hơn hẳn với gần trăm hộ dân đang liên tục nấu và bán bánh chưng. Làng Bờ Đậu cách trung tâm thành phố Thái Nguyên tám cây số được công nhận làng nghề nhờ chiếc bánh chưng, cả ngàn dân làng có được cuộc sống sung túc cũng nhờ chiếc bánh chưng.
Sản phẩm quê gần 60 năm thương hiệu
Nghề làm bánh chưng ở Bờ Đậu ra đời vào những năm 1960, bắt đầu từ quán bánh của cụ Nguyễn Thị Đấng. Nấu bánh ngon, quán nhỏ của cụ nằm trong xóm Bờ Đậu lúc nào cũng đông khách. Nhờ đó, cụ đủ tiền lo cho sáu người con ăn học thành tài. Về già, cụ Đấng truyền nghề cho các con cháu. Thấy nghề làm bánh đem lại cuộc sống sung túc hơn, dân làng người nọ bắt chước người kia học theo. Đến nay tính riêng tại xóm Chín xã Cổ Lũng, cả làng với hơn 1.000 nhân khẩu đều theo nghề làm bánh. Cũng từ đó, làng nghề làm bánh chưng có tên chính thức là Bờ Đậu.
Khác hẳn với những nơi làm bánh chưng khác, người dân Bờ Đậu không bao giờ sử dụng khuôn để gói bánh, 100% sản phẩm đều được gói thủ công bằng tay nhưng vẫn vuông vắn đẹp mắt. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt của làng. Điều đặc biệt quan trọng hơn đối với sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu là tất cả các nguyên liệu làm nên chiếc bánh đều được người dân lấy từ những đại lý bán hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Gạo nếp để gói bánh thường được bà con dùng loại gạo nếp vải của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hoặc nếp cái hoa vàng của tỉnh Hưng Yên. Năm nay, một số hộ gói bằng giống gạo nếp thầu dầu, một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đậu làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên cùng với thịt heo ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu bắc và được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng được lấy từ dòng suối trong veo trên núi đá phía sau làng. Người dân nơi đây vẫn gọi là nước “giếng thần” vì nước này giúp bánh sau khi luộc giữ nguyên được màu xanh lá cây cùng mùi thơm hấp dẫn.
Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong đó, bánh được chia làm ba cỡ. Bánh chưng nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/chiếc. Loại bánh chưng vuông cỡ trung có giá 20.000 đồng/chiếc. Đối với bánh vuông lớn, chủ yếu bán trong ngày tết có giá 50.000 đồng/chiếc. Trung bình hằng ngày một gia đình ở Bờ Đậu xuất ra ngoài thị trường khoảng 100-150 chiếc. Với ngày tết, nhu cầu lên tới 800-1.000 chiếc/ngày, nên hầu như số lượng bánh làm ra không đủ để bán.
Trái ngọt từ việc chuyên nghiệp hóa làng bánh
Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết cứ tháng 8 hằng năm, Ban quản lý Làng nghề lại mở một lớp tập huấn về an toàn thực phẩm và mời cán bộ của Sở Công thương tỉnh lên trực tiếp giảng dạy. Kinh phí lớp học do chính các học viên tự nguyện đóng góp. Sau ba ngày học và phải trải qua phần thi nghiêm túc với nội dung về an toàn thực phẩm, các học viên thi đậu mới được cấp chứng chỉ. Ngoài ra, làng đang xúc tiến việc dán mã vạch để quản lý nguồn gốc bánh.
Bên cạnh việc đó, chính quyền xã Cổ Lũng cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho người dân với nhiều hình thức như họp xóm, họp xã… đồng thời yêu cầu các hộ dân phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguồn hàng nhập vào, hàng bán ra và chịu trách nhiệm với những sản phẩm của mình. Sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu đã từng được vinh danh tại triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên năm và được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Công thương cấp Bằng chứng thư thẩm định về an toàn thực phẩm.
Năm nay, không chỉ dừng lại ở bánh chưng truyền thống, một số hộ dân trong làng nghề còn làm thêm một số loại bánh mới như bánh chưng lá giềng để tạo màu xanh sẫm cho bánh, bánh nếp cẩm được làm từ gạo nếp cẩm có màu tím, bánh chưng gấc có màu cam, bánh chưng ngũ sắc gồm các màu kết hợp… để đa dạng hóa sản phẩm. Ông Ngô Tiến Sỹ, chủ cửa hàng bánh chưng Sỹ Oanh cho biết, công đoạn làm chiếc bánh chưng lá giềng, nếp cẩm, gấc, ngũ sắc… cầu kỳ hơn một chút và phải mua thêm nguyên liệu nên giá thành sẽ cao hơn bánh chưng truyền thống khoảng 10 ngàn đồng/chiếc. Tuy nhiên, thị hiếu người tiêu dùng thường thích những sản phẩm mới, lạ mà vẫn gần gũi với thiên nhiên nên gia đình ông sẽ sản xuất nhiều loại bánh này.
Nghề làm bánh mang đến cho làng những ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang. Trong đó, quy mô nhất phải kể đến cửa hàng bánh của gia đình ông Nguyễn Văn Đức, một thương binh đã vươn lên làm giàu từ nghề làm bánh chưng. Cửa hàng của ông Đức là nơi phân phối bánh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cho đến nay, bánh chưng Bờ Đậu chưa có hợp đồng xuất ngoại, tuy nhiên nhiều Việt kiều vẫn đến làng mua bánh mang đến nhiều nước Đông Âu.
Đến Bờ Đậu có thể cảm nhận rõ không khí tết đang đến rất gần. Trong từng hộ gia đình, già trẻ gái trai đều được phân công làm bánh để phục vụ những nồi bánh chưng dã chiến đáp ứng nhu cầu trong những ngày tết. Những em bé thì tỉa lá, người lớn thì lấy nước, luộc bánh, phụ nữ thái thịt, đãi gạo, cụ già luộc bánh. Nhà nào cũng tất bật gói bánh, từng nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm đậm đà, như níu giữ lòng người ở lại mỗi khi ngang qua.