Tức giận là cảm xúc bình thường của con người. Ai cũng có lúc nổi cáu nhưng người bản lĩnh biết kềm chế cơn giận, tỏ ra bình thản cho dù trong lòng họ đang dậy sóng. Người không biết kềm chế, bộc lộ hết ra bên ngoài.
Một bà mẹ có đứa con trai tính nóng nảy. Bà hiểu, người trong gia đình biết ý nhau, mỗi khi ai đó nổi nóng, những người khác tự kềm chế để không xảy ra xung đột và tìm cách hóa giải cơn giận kiểu như: “Thôi, ba mày nóng tính, ổng đang giận, mọi người chịu nhịn một chút” hay: “Con sai rồi, phải xin lỗi anh cho anh con bớt nóng”…
Khi con bắt đầu ra đời làm việc, bà mẹ lo ngại tính nóng nảy của con có thể làm hỏng việc lớn nếu không biết kềm chế. Bà quan niệm, nóng nảy là bản năng nhưng bình tĩnh là bản lĩnh. Người có bản lĩnh chưa biết sẽ thành công hay không nhưng ít ra biết làm chủ bản thân, kềm chế cảm xúc dễ tạo được thiện cảm, nể nang nơi người khác. Theo bà, có rất nhiều cách kềm chế cảm xúc, không bộc lộ lúc nóng giận.
Nhiều người bản tính nóng nảy cho biết đã từng tập thiền nhưng vẫn không khắc phục được nhược điểm tâm lý đó, khi cơn nóng giận lên đến đỉnh điểm thì mọi thứ chung quanh đều là con số không, sẵn sàng đánh đổ hết. Khi cơn nóng giận qua đi mới thấm thía câu “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang/Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Nghĩ lại, hiểu ra nóng giận như thế là sai, thế nhưng khi gặp tình huống tương tự xảy ra thì đâu lại vào đấy.
Bà mẹ tâm sự, thời còn làm việc tính bà cũng rất nóng. Cho dù về lý bà không sai, nhưng cách xử sự của bà luôn không hài lòng cấp trên vì quá thẳng thắn, đôi lúc quá nóng nảy đã thốt nên lời không đúng mực. Khổ nỗi, trong cơ quan của bà đâu phải ai cũng biết can ngăn, thậm chí có người còn “đổ dầu vô lửa” hay mượn sự nóng giận của người khác làm lợi cho mình. Nên người nóng tính rất dễ bị người khác lợi dụng.
Bình tĩnh là bản lĩnh nhưng làm sao để có được bản lĩnh sống này?
Có va vấp mới hiểu cần xử lý tình huống thế nào. Phải trải qua mới có nghiệm lại. Nhưng đến khi nghiệm ra thì đã muộn. Mà có muộn vẫn còn hơn không. Bà mẹ kể, trong bữa liên hoan tất niên với đồng nghiệp cơ quan cũ, bà mạnh dạn nói thẳng với sếp mà hồi đó bà thường nổi nóng chỉ vì chuyện công việc mà sau này nghĩ lại bà thấy có thể giải quyết cách khác, bình tĩnh hơn chứ không nên hồ đồ như thế: “Bây giờ nghĩ lại những lần tranh cãi với sếp thấy hối hận ghê”.
Một câu vừa hàm ý nói vui, vừa có nghĩa xin lỗi. Bàn tiệc cười ào. Người sếp tự nhiên đâm lúng túng, sau đó cảm thấy được xoa dịu và vui vẻ, biết chắc không phải bà nịnh. Bà đâu còn làm việc để mà nịnh?
Bà mẹ kể câu chuyện này với đứa con trai, không biết cậu tiếp thu thế nào. Bà hiểu, rất khó khăn để một người nóng tính biết kiềm chế, nhưng bà tin con trai bà sẽ tập được. Bất cứ việc gì trên đời này đều bắt đầu bằng việc “tập”, từ tập đi, đứng, ngồi, ăn, nói, giao tiếp, kỹ năng… Và tập được bình tĩnh mới thật sự là bản lĩnh!