Thời xưa, người Trung Quốc khi làm lễ tế binh khí, trước hết phải tế một người Việt Nam. Trong tác phẩm Vân đài loại ngữ, mục Vựng điển loại, nhà bác học Lê Quý Đôn có viết: “Đời Thành tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao Chỉ được phép đúc thần cơ sang pháo (các súng máy đủ cỡ).
Lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”; sách Thông ký nói: “Sau khi Nam phạt (đánh về phía Nam) bắt được Hồ Quý Ly, biết được phép chế thần sang, bắn bằng tên lửa thì lập ra Thần cơ doanh”; sách Cô thụ biểu đàm nói: “Nhà Minh cho Lê Trừng, là con Quý Ly, làm bộ Hộ thượng thư. Trừng khéo chế ra thần sang cho triều đình, cho nên nay tế binh khí đều phải tế Trừng”; sách Thù vực chu tư lục chép: “Em Hồ Hán Thương là Lê Trừng, tìm ra phép chế thần sang. Vua hạ chiếu cho Trừng ra làm quan”.
Căn cứ vào các thư tịch cổ của Trung Quốc, Lê Quý Đôn kết luận: “Ấy là binh khí nước Nam truyền sang, thực từ Lê Trừng trước” (SĐD, Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, NXB Miền Nam – 1973, tr.238-239). Như vậy, không chỉ là người đầu tiên đúc súng thần cơ ở Việt Nam mà Lê Trừng còn là người “truyền bá” chế tạo súng sang Trung Quốc. Và từ đó, nhà Minh mới biết dùng súng và lập ra đội súng thần cơ trong quân đội. Riêng câu: “cho nên nay tế binh khí đều phải tế Trừng”, dù gọi trơ trọi rằng, “Trừng” – nhưng nhà Minh phải thừa nhận đó là ông Tổ của nghề đúc súng thần cơ.
Lê Trừng, tức Hồ Nguyên Trừng là con trai trưởng của Hồ Quý Ly. Tổ tiên Hồ Quý Ly vốn dòng họ Hồ, người Triết Giang (Trung Quốc), thời Hậu Hán sang ở Diễn Châu. Đến đời cháu thứ 12 dời sang ở hương Đại Lải, phủ Thanh Hóa, làm con nuôi viên tuyên úy Lê Huấn nên mới đổi theo họ Lê.
Dưới triều Trần, Hồ Quý Ly là một quý tộc có thanh thế trong triều, vì hai bà cô ruột cùng lấy vua Trần Minh Tông (1314-1329), một bà sinh ra Trần Duệ Tông và một bà sinh ra Trần Hiển Tông. Chính vì mối quan hệ này, Hồ Quý Ly rất được thượng hoàng Trần Nghệ Tông tin dùng và che chở. Năm 1400, Hồ Quý Ly lật đổ triều Trần, lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại Ngu, dời kinh đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Lên ngôi chưa đầy một năm, Hồ Quý Ly bắt chước theo triều Trần là lên làm thái thượng hoàng, nhường ngôi cho con thứ Hồ Hán Thương.
Một khi nước Nam ta có xáo trộn, bao giờ giặc phương Bắc cũng tìm cớ đánh sang xâm chiếm. Tháng 4-1406, nhà Minh phái một đạo quân hộ tống tên Việt gian Trần Thiêm Bình đang sống lưu vong trên đất Trung Quốc về nước, hòng dựng lên một triều đình bù nhìn. Trước nguy cơ xâm lược, nhà Hồ một mặt áp dụng chính sách ngoại giao mềm dẻo, một mặt ra sức chuẩn bị kháng chiến. Hồ Hán Thương xuống chiếu gọi các quan an phủ sứ các lộ về triều cùng các quan ở kinh sư bàn kế hoạch nên đánh hay hòa.
Có người khuyên nên đánh để trừ mối lo về sau; có người cho rằng nên tạm hòa, chiều theo ý chúng để hoãn binh thì hơn. Khi được Hồ Hán Thương hỏi ý kiến, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đứng dậy, tay nắm chặt quả quyết: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Hồ Quý Ly lúc đó cũng ngồi dự họp, nghe được câu nói khí khái, cảm động lắm, bèn ban tặng cho cái họp trầu bằng vàng.
Chính câu nói này đã cứu vớt lại uy thế của nhà Hồ trong sử sách. Bởi lẽ nhà Hồ soán ngôi nhà Trần, các nhà viết sử đời sau như Phan Huy Chú chỉ gọi “nhuận Hồ” (nghĩa là “thừa”) chứ không phải lên ngôi chính thống. Sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận xác đáng: “Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được”.
Khi giặc Minh hộ tống Trần Thiêm Bình vừa tới biên giới nước ta thì quân nhà Hồ bất ngờ tấn công, vây chặt. Bí thế Hoàng Trung – tướng giặc Minh liền bỏ thí Thiêm Bình bằng cách giao cho nhà Hồ. Dù mất con bài chính trị lợi hại này, nhưng với dã tâm bành trướng chiếm đất nên quân Minh tiếp tục xua quân sang nước ta. Từ ngày mồng 2 tháng Chạp năm 1407, giặc Minh lại tràn vào nước ta.
Giữa lúc mệnh nước như chỉ mành treo chuông, nhà Hồ đã làm gì?
Trước hết, phải ghi nhận ngay từ lúc vừa lên ngôi, cha con Hồ Quý Ly đã hết sức cảnh giác trước âm mưu giặc phương Bắc. Về vũ khí, từ mùa hạ năm 1404, Hồ Hán Thương đã cho lập bốn kho quân khí. Không kể quân hay dân, hễ ai khéo léo, có tay nghề đều sung vào làm việc trong xưởng đúc súng. Đáng chú ý nhất là Hồ Nguyên Trừng đã sáng chế ra loại súng nổi tiếng là súng thần cơ. Sự kiện này đã khẳng định ông là một kỹ sư chế tạo súng lỗi lạc nhất thời bấy giờ. Đây là loại súng có nhiều cỡ khác nhau, có sức sát thương và công phá hơn hẳn các loại súng đương thời – kể cả hỏa công của giặc Minh.
“Hồ Nguyên Trừng đã tiến hành những cải tiến kỹ thuật quan trọng từ việc thiết kế kiểu súng, phương pháp đúc súng, chế thuốc súng đến cải tiến phương pháp sử dụng súng trong trong chiến đấu. Theo hình vẽ cổ mà ngày nay ta còn giữ lại được, khẩu súng thần cơ đã có những bộ chi tiết đầy đủ nhất của các kiểu súng thần công của những thế kỷ sau này.
Nòng súng là một ống kim loại đúc bằng gang, đồng hay sắt. Kim loại được đúc với độ dày có tính toán kỹ lưỡng để chịu được áp suất lớn khi đạn nổ. Nòng súng có hai phần: bầu đạn và nòng súng. Tuy bầu đạn và nòng súng được đúc liền một khối, nhưng ở phần bầu đạn thịt kim loại dày hơn và rộng hơn. Ở cuối bầu đạn có khoan lỗ đặt ngòi nổ, còn gọi là bầu ngòi. Bầu ngòi có nắp đậy gọi là vung bầu ngòi. Bầu đạn là nơi nhồi thuốc nổ và nhồi đạn.
Khi bắn, người ta nhồi thuốc nổ qua miệng súng vào bầu đạn với liều lượng quy định, sau đó nhồi đạn. Đạn của súng thần cơ gồm một mũi tên lớn bằng sắt có ngạnh, dài cả bằng nòng súng và những viên chì, viên sắt hoặc viên đá. Về nguyên tắc thì loại súng này gần giống loại súng hỏa mai bắn đạn ghém hay loại súng kíp của đồng bào thiểu số. Chỉ có một điều khác, đó là súng thần cơ vừa bắn đạn ghém lại vừa bắn mũi tên bằng sắt.
Loại súng này mạnh hơn hẳn so với các loại vũ khí đương thời như cung, nỏ, máy bắn đá hoặc loại hỏa hổ, ống phun lửa vì nó bắn với cự ly xa hơn gấp bội, sức công phá cũng mạnh hơn gấp bội” (Truyện các ngành nghề – Tạ Phong Châu, Nguyễn Quang Minh, Nghiêm Đa Văn, NXB Lao Động – 1977, tr. 176).
Với phát minh này, việc ngăn chận quân giặc có hiệu quả, Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: “Xác chết cao ngang với thành”. Thế nhưng dù được trang bị vũ khí hùng hậu nhưng nhà Hồ vẫn không đẩy lùi được sức tấn công của giặc. Bởi lẽ trước khi tấn công thành Đa Bang, bọn giặc Minh quỷ quyệt đã nghĩ ra kế ly gián lòng dân với triều đình.
Chúng yết bản kể tội nhà Hồ và rêu rao tìm người họ Trần để khôi phục lại vương tước. Đã thế, chúng còn kể tội nhà Hồ bằng cách cho ghi vào nhiều mảnh gỗ, thả xuống sông trôi vào nước ta. Các quân lính nhà Hồ đọc được, lòng dạ hoang mang, theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Hơn nữa lại chán ghét chính sự hà khắc của họ Hồ, họ không còn bụng dạ chiến đấu nữa”. Sau này, thiên tài Nguyễn Trãi cũng nhận xét: “Quân của nhà Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng”.
Dù xác giặc chất ngang mặt thành nhưng giặc nhà Minh vẫn không lùi bước, nhà Hồ bèn ra lệnh binh tướng đào thành cho voi ra ứng chiến. Giặc dùng hỏa tiễn bắn voi. Voi lùi lại, nhân đó chúng theo voi đánh vào. Thành bị hạ. Binh mã nhà Hồ tan tác như tàn tro gặp gió lốc. Cha con Hồ Quý Ly cùng liêu thuộc chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An và dừng chân ở Ky Lê (tức cửa biển Kỳ La – Hà Tĩnh), nơi đó còn có núi Thiên Cầm.
Bấy giờ, có một phụ lão khuyên là không nên lưu nơi này, vì hai địa danh này “đều là điềm không tốt”. Tại sao không tốt? Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn giải thích: “Thiên cầm (đàn trời). Tương truyền ngày trước Lạc Hùng vương đi chơi đến chỗ này, nghe thấy có tiếng sáo trời, nên mới đặt Thiên Cầm. Người phụ lão không muốn cho Hồ Hán Thương lưu lại ở đấy, nên nhân thanh âm gần nhau mà nói trệch đi để truật Hán Thương: “Ky La” nói trệch là “Ky Lê” (trói họ Lê), chữ “cầm” là đàn đổi ra chữ cầm là bắt”.
Chi tiết này, cho thấy nhà Hồ không được lòng dân. Khi sa cơ thất thế, dân không cưu mang, che chở mà còn tìm cách xua đi. Nhà Hồ chấm dứt vào tháng 5-1407.
Bi kịch của Hồ Quý Ly dù biện pháp cải cách xuất phát từ mục đích tích cực, thực hiện với quyết tâm cao bởi một tài năng xuất chúng, phi thường nhưng than ôi, sự canh tân ấy lại chưa đáp ứng nhu cầu xã hội đương thời, chưa phù hợp đòi hỏi bức thiết của nhân dân trong thời điểm đó. “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, nhà Hồ không thuận lòng dân nên đã thất bại trong công cuộc giữ nước. Không những thế, sự phát minh ra thần cơ sang pháo của Hồ Nguyên Trừng cũng trở thành bi kịch nốt. Bởi lẽ, quân nhà Minh đã học lấy cách chế tạo của người Việt để đánh lại người Việt, cụ thể chúng áp dụng chống lại cuộc kháng chiến mười năm ròng rã của anh hùng Lê Lợi; kể cả sau này nữa.
Khi cha con bị giải về Kim Lăng (Nam Kinh – Trung Quốc), vua Minh không công nhận gia đình họ Hồ thuộc dòng dõi Ngu Thuấn, buộc phải đổi sang họ khác. Hồ Nguyên Trừng đổi lại Lê Trừng. Những năm tháng sống lưu đày, ông dồn hết tâm tâm sự trong tác phẩm Nam Ông mộng lục. Đến nay, tác phẩm này của ông có giá trị góp phần bổ sung vào văn học và sử học đời Lý-Trần. Rất tiếc kỹ thuật làm súng thần cơ và thần cơ sang pháo không thấy ông viết lại (hoặc giả ông có viết nhưng giặc Minh đã cướp đoạt rồi chăng?).