Giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 3, chúng ta nên chú ý đề phòng bệnh viêm màng não ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh viêm màng não có thể gặp ở bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng tỷ lệ bệnh tăng nhanh hơn sau những đợt dịch cảm cúm do thời tiết trở lạnh và mưa nhiều.
Viêm màng não là bệnh viêm nhiễm của màng não, nguyên nhân là do vi trùng hay siêu vi trùng. Vi trùng gây bệnh này thường từ vùng tai, mũi, họng bị viêm nhiễm di chuyển lên màng não. Viêm màng não rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ vị thành viên và người lớn cũng có thể mắc bệnh.
Khi nghi ngờ bị viêm màng não thì cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị cấp cứu để tránh tử vong hoặc để lại những di chứng như: điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt tay chân, biến chứng nặng hơn là trẻ không còn nhận biết được người thân dù đã điều trị khỏi bệnh.
Dấu hiệu của bệnh viêm màng não có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên hay sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi. Ở người lớn sẽ có các triệu chứng: sốt cao, đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng. Còn ở trẻ nhỏ thì hay bị sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng, riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ li bì. Khi tình trạng bệnh trở nặng, trẻ sẽ bị động kinh, co giật, li bì, hôn mê. Các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.
Diễn biến của bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân. Viêm màng não do nguyên nhân vi trùng dễ gây tử vong hoặc thường để lại di chứng nặng nề, còn trong trường hợp nguyên nhân là siêu vi trùng thì đa số trẻ sẽ tự khỏi cũng như các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác như nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp hay đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, bệnh viêm màng não dù do nguyên nhân vi trùng hay siêu vi trùng đều cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh, ngoài ra để có thể biết được viêm màng não là do vi trùng hay do siêu vi trùng thì cần phải làm những xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm nước màng não (nước não tủy) và theo dõi cẩn thận tại bệnh viện.
Một số phụ huynh không đồng ý cho bác sĩ lấy nước màng não để xét nghiệm vì lo lắng thái quá có thể gây chậm trễ cho việc chẩn đoán bệnh.
Muốn cho việc điều trị hoàn toàn và không để lại di chứng viêm màng não mủ thì cần phải cho trẻ nhập viện sớm (tốt nhất là không quá 48 giờ từ lúc có những triệu chứng đầu tiên), sử dụng kháng sinh mạnh và phải nằm viện nhiều ngày, trong khi viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi điều trị tại bệnh viện cũng chỉ kéo dài từ ba đến năm ngày.
Để phát hiện kịp thời bệnh viêm màng não mủ, phụ huynh nên mang trẻ đến bác sĩ khám khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, bỏ ăn, bỏ bú, biếng chơi, thóp phồng, đừng để đến khi trẻ lên cơn động kinh, co giật, li bì, hôn mê e rằng quá muộn.
Trẻ em khi bị viêm họng, sốt siêu vi, amidal cũng có những triệu chứng sốt, nôn ói, biếng ăn, biếng chơi, chúng ta có thể điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt bằng paracetamol nhưng cần theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu các triệu chứng trên không thuyên giảm sau một ngày hay mỗi lúc mỗi nặng hơn thì nên mang trẻ đến bệnh viện ngay.
Vì bệnh viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm và điều trị rất tốn kém nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên giữ ấm cho trẻ, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và nhất là lúc có dịch cảm cúm xảy ra. Cần điều trị kịp thời, tránh để trẻ bị viêm mũi họng kéo dài cũng như cần điều trị ngay khi trẻ bị chảy mủ tai.
Khi có điều kiện nên cho trẻ chích ngừa vắcxin phòng viêm màng não do HIB (Hémophillus influenza type B) đây là loại vi trùng gây nên 70% các trường hợp viêm màng não ở trẻ em.
Có thể bắt đầu chích ngừa cho trẻ lúc từ hai đến ba tháng tuổi hay bất kỳ thời điểm nào ở trẻ dưới năm tuổi. Điều quan trọng phụ huynh cần biết là bệnh viêm màng não và bệnh viêm não Nhật Bản là hai bệnh khác nhau do vậy dù đã chích ngừa viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não và dù đã chích ngừa HIB thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não vì viêm màng não có thể do nhiều loại vi trùng và siêu vi trùng gây ra.
Đối với người lớn tuổi, chúng ta cũng cần tự bảo vệ bản thân và người khác tránh bị viêm màng não như: cố gắng ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn, tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt, tránh ăn uống và sử dụng chung đồ dùng. Trong mùa cảm cúm nên tăng ăn rau xanh, trái cây, uống nhiều nước và hạn chế sử dụng máy lạnh.