Hầu hết chúng ta đều có một vài lần rơi vào tình trạng khó thở trong đời. Cảm giác khó thở được mô tả như tình trạng không đủ không khí để thở hay ngực như bị ai bóp nghẹt. Nếu chỉ khó thở một vài lần khi làm việc hoặc tập thể dục gắng sức thì không có gì đáng ngại. Chỉ khi tình trạng khó thở xảy ra hằng tuần, ngay cả khi nghỉ ngơi thì chúng ta nên lưu ý những bệnh sau.
Bệnh gây khó thở cấp tính
Dị vật vào đường thở: Khi có dị vật rơi vào đường thở, chúng ta hay có những phản xạ tự nhiên như: ho sặc sụa, khó thở, mặt tím tái. Nếu dị vật vẫn bị mắc kẹt, chưa được bác sĩ lấy ra khỏi đường thở thì càng ngày, các triệu chứng: khàn tiếng (dị vật mắc tại thanh quản), ho, khó thở từng cơn (dị vật mắc tại khí quản)… càng nghiêm trọng hơn.
Viêm phế quản: Là tình trạng nhiễm khuẩn ngắn hạn ở phế quản và thỉnh thoảng có kèm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, gồm các triệu chứng: ho liên tục, có đờm, sốt cao, đau thắt ngực, khó thở. Hầu hết viêm phế quản cấp có nguyên nhân ban đầu do virus tấn công vào lớp niêm mạc của phế quản, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.
Hen phế quản: Khi bị hen phế quản, đường hô hấp sẽ bị sưng lên, làm thu hẹp đường thở. Chất nhờn được tiết ra nhiều hơn gây nên tình trạng thở khó. Ngoài triệu chứng tức ngực, khó thở, bệnh nhân bị hen phế quản còn ho nhiều và hay thở khò khè, nhất là khi ngủ.
Tràn khí màng phổi: Bệnh xảy ra do vỡ các bóng khí dưới màng phổi tạo áp lực cao trong khoang màng phổi. Bệnh nhân hay có các triệu chứng: đau ngực, khó thở bên có tràn khí ngay cả khi nghỉ ngơi. Tràn khí màng phổi nghiêm trọng sẽ gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng do rối loạn nhịp tim hoặc tụt huyết áp nhanh chóng.
Giai đoạn đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Bệnh nhân thường là người từ tuổi trung niên trở lên, có tiền sử hút thuốc hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm. Tình trạng khó thở thường xuất hiện sau một thời gian ho dai dẳng và thường xuyên khạc đờm.
Phù phổi cấp: Là tình trạng tràn thanh dịch từ các mao mạch phổi vào phế nang làm ngăn cản sự trao đổi khí gây suy hô hấp nặng. Các phế nang trở nên đầy dịch nên bệnh nhân khó thở, ho khạc ra dịch bọt màu hồng. Bệnh nhân bị phù phổi cấp tử vong rất nhanh nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Bệnh gây khó thở mãn tính
Béo phì và kém vận động: Bệnh nhân béo phì hay gặp hiện tượng khó thở do sự tích tụ quá nhiều mỡ ở lồng ngực, cơ hoành và ổ bụng. Với bệnh nhân béo phì nặng, tình trạng khó thở có thể gây nên hội chứng ngưng thở khi ngủ vào ban đêm, dễ dẫn đến đột tử.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Sau ba tháng mà bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không được điều trị thì tình trạng khó thở ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở (thở hổn hển) và việc điều trị rất khó hồi phục hoàn toàn. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới.
Suy tim: Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất và thường xuất hiện sớm trong quá trình diễn biến của suy tim, cả khi hoạt động cũng như lúc nghỉ ngơi. Những người bị suy tim nặng thì tình trạng khó thở hay xảy ra đột ngột vào ban đêm, khiến bệnh nhân phải ngồi dậy mới thở được. Ngoài ra, bệnh nhân suy tim thường hay có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn ngủ, hụt hơi khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Suy tim thường là biến chứng của bệnh phù phổi cấp và làm tăng nguy cơ tử vong.
Hội chứng gan phổi: Bắt nguồn từ bệnh của gan gây giãn mạch máu phổi, gây thiếu hụt oxy trong máu động mạch. Ở bệnh nhân gan giai đoạn cuối thì chức năng thanh thải các chất kém đi, làm tăng các yếu tố gây giãn mạch trong máu, hậu quả là gây giãn mạch phổi dẫn đến thiếu oxy máu. Các biến chứng của bệnh gan như thiếu máu, cổ trướng, tụ dịch… gây ra tình trạng khó thở, cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi, nặng hơn trong tư thế đứng thẳng.
Tóm lại, triệu chứng ngưng thở có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm, cần được điều trị ngay, nhất là khó thở kèm theo ho dai dẳng hoặc tức ngực. Vì vậy, ngay khi người thân bị các triệu chứng khó thở cấp tính thì cần đưa ngay đến trung tâm cấp cứu để được kiểm tra và điều trị.