Kể từ khi tòa nhà 65 Lý Tự Trọng, quận 1 được TP. Hồ Chí Minh chính thức đổi tên thành Bảo tàng Cách mạng vào năm 1978 và đến năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, một lần nữa đổi thành Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, đó là một chặng đường dài nhiều dấu ấn đối với nơi này. Tòa nhà vốn là biểu trưng của chính quyền Sài Gòn trở thành nơi trưng bày lịch sử truyền thống của vùng đất mới Sài Gòn – Gia Định là một sự thay da đổi thịt rất lớn. Với chức năng là bảo tàng khảo cứu địa phương, từ đó đến nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm luôn được bảo tàng quan tâm hàng đầu, đã sưu tầm, tập hợp được nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao… Hiện nay, đây là một địa chỉ văn hóa, điểm tham quan du lịch quen thuộc của người dân Sài Gòn và du khách quốc tế khi đến với Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
Triển lãm những hiện vật của bảo tàng
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập bảo tàng, một chuyên đề có chủ đề “Hiện vật từ những sưu tập của bảo tàng”, giới thiệu trên 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh trong hơn 45.600 hiện vật thuộc 133 bộ sưu tập Bảo tàng đang lưu giữ được trưng bày cho khách thưởng lãm, được khai mạc vào 16-8-2013. Trong đó, được chia làm các nhóm như: khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh thể hiện qua một số hiện vật tiêu biểu khai quật ở chùa Hội Sơn năm 2012. Đó là những chiếc rìu đá, mặt tượng đất nung từ thời văn hóa Óc Eo (thế kỷ V-VII). Dấu ấn của các triều đại phong kiến ở vùng đất phương Nam và Sài Gòn – Gia Định thì có các bức hoành phi, câu đối, bằng cấp thời Minh Mạng… Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định như bản kẽm in tiền giấy, tín phiếu của Ủy ban hành chiến kháng chiến Nam bộ, các kỷ vật kháng chiến như chứng minh thư, máy ảnh chụp chiến trường, tranh ảnh ký họa kháng chiến… Các ngành nghề thủ công truyền thống, văn hóa nghệ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng khá phong phú như gốm Lái Thiêu, tượng Phật, các hiện vật dân tộc Hoa, Khơme, Chăm… Cả cây đàn nhị của giáo sư Trần Văn Khê từng sử dụng, biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. Triển lãm đã giới thiệu khái quát những hiện vật về lịch sử, văn hóa, những sự kiện tiêu biểu liên quan đến sự hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ hơn 300 năm qua. Những hiện vật ở đây là sợi dây góp phần liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, cho thấy những đổi thay theo năm tháng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, TP. Hồ Chí Minh hôm nay.
Hoành phi “Tụ nghĩa đường”, cuối thế kỷ XIX
Sách kinh Phật bằng da thuộc đồ thờ cúng của người tu tại gia, thế kỷ XVIII, XIX
Trong dịp này, Bảo tàng đã tiếp nhận gần 500 hiện vật, tư liệu của bảy cán bộ lão thành cách mạng và 18 nhà sưu tập thuộc Hội cổ vật và các cá nhân khác trao tặng.
Tượng Phán quan, gốm Sài Gòn thế kỷ XIX – Tượng Phật Thích Ca Khơme bằng gỗ, thế kỷ XIX
Những dấu ấn lịch sử
Tòa nhà rộng hơn 1,2ha, nằm giữa bốn con đường Lý Tự Trọng – Pasteur – Lê Thánh Tôn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux thiết kế, xây dựng năm 1885 và hoàn thành năm 1890. Theo dòng lịch sử, tòa nhà này đã nhiều lần thay đổi chủ nhân nên có nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên là Dinh Thống đốc Nam kỳ vì do Henri Eloi Daniel – Thống đốc Nam kỳ đương nhiệm lúc đó sử dụng. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Thống đốc Yoshio Minoda chiếm dinh. Đến tháng 7-1945, chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim đổi tên là Dinh Khâm sai. Ngày 25-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn, tòa nhà trở thành trụ sở của Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ, tiếp theo là Ủy ban nhân dân Nam bộ. Ngày 10-9-1945, phái bộ quân sự Anh đại diện quân đồng minh đến Sài Gòn tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, buộc Ủy ban nhân dân Nam bộ phải dời về Dinh Đốc lý. Từ 23-5-1947, tòa nhà là trụ sở Chính phủ Nam Kỳ tự trị. Đến 2-6-1948 là Dinh Thủ hiến Nam phần.
Dinh Thống đốc Nam Kỳ nay là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh (ảnh chụp 1926)
Ngày 9-1-1950, tại vườn hoa trước dinh, sinh viên, học sinh Sài Gòn đã biểu tình đòi thực dân Pháp trả tự do cho những học sinh yêu nước bị giam giữ. Học sinh Trần Văn Ơn bị trúng đạn và hy sinh khi đoàn biểu tình bị trấn áp. Ngày 9-1 được chọn làm ngày truyền thống phong trào học sinh, sinh viên yêu nước toàn quốc.
Hàng cột trụ tròn theo kiểu kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ
Sau Hiệp định Genève 1954, tòa nhà là Dinh Quốc khách. Từ năm 1966-1975, là trụ sở Tối cao Pháp viện của chính quyền Sài Gòn. Sau 30-4-1975, quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản, đặt cơ quan thường trú của báo Quân đội Nhân dân tại đây. Từ năm 1978 trở thành Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Mảng kiến trúc trang trí hoa văn theo lối Nam bộ với hình cá sấu, cá chép, hoa mai…
Tổng thể công trình theo phong cách kiến trúc Gothic. Về mỹ thuật, tòa nhà thể hiện sự hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Hoa văn phù điêu, đường viền mái tiền sảnh hình cây cỏ, hoa lá, chim muông… những sinh vật đặc trưng của vùng đầm lầy Nam bộ cùng họa tiết trang trí cách điệu những linh vật tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, phúc lành và triết lý Phật giáo về trí huệ. Hàng cột kiểu kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại, trang trí nhiều phù điêu mặt sư tử, biểu trưng cho sức mạnh và quyền lực.
Năm 2012, tòa nhà bảo tàng đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngân An
Ảnh Tuấn Anh