Tỷ lệ phụ nữ có việc làm so với nam giới ở Việt Nam đạt 92/100, cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ này tại Campuchia là 88/100, Thái Lan là 81/100, Malaysia là 65/100 và Indonesia là 61/100. Đông đảo phụ nữ có việc làm như hiện nay liệu có phải là điều đáng mừng?”, đây là câu hỏi được đặt ra trong buổi giao lưu với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế hiện đại”, diễn ra tại trung tâm Nest by AIA vào ngày 7-10 vừa qua. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, con số này vừa đáng mừng, vừa đáng lo.
Thứ nhất, đông đảo phụ nữ Việt Nam tham gia vào làm việc và tạo ra thu nhập cho thấy sự năng động của người phụ nữ hiện đại. Họ có ý chí vươn lên khẳng định sự bình đẳng trong nghề nghiệp đồng thời không muốn phải phụ thuộc vào người đàn ông về kinh tế. Thứ hai, trong tình trạng công việc ngày càng hiếm hoi và nhiều cạnh tranh, hơn 300.000 người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp mỗi năm, mà phần lớn phụ nữ vẫn tìm được việc làm chứng tỏ họ vẫn có ít nhiều năng lực về nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, con số 92/100 phụ nữ có việc làm nói trên có thể là một chiếc bẫy giống như “bẫy thu nhập trung bình” mà Việt Nam đang tìm lối để thoát ra. “Nếu xét một người bị mất việc ở công ty chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ hoặc chạy xe ôm là có việc làm thì con số trên cần phải xem lại!”, bà nói.
Trong khi các nước trong khu vực đang phấn đấu để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng việc làm thì Việt Nam chúng ta lại không mấy tích cực trong vấn đề này. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam đều “khen” lao động Việt Nam trẻ tuổi, khéo tay, chăm chỉ và giá nhân công rẻ.
Phần lớn nhân công giá rẻ làm việc trong các công ty gia công về dệt may, da giày… đều là phụ nữ. Họ dễ dàng chấp nhận mức lương hạn chế, môi trường làm việc chất lượng thấp và dễ bị đào thải khi lớn tuổi. Vì với những công việc cần sự tinh mắt, khéo léo về đôi tay thì phụ nữ sau tuổi 40 không còn phù hợp. Thậm chí một số phụ nữ trong ngành dệt thảm còn cho biết họ dễ mất việc sau tuổi 35.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng làm cho vấn đề việc làm cho lao động giá rẻ nói chung và phụ nữ nói riêng trở nên đáng lo hơn. Bà Phạm Chi Lan cho biết, một nhà máy quy mô vừa phải ở Hưng Yên khi đầu tư tự động hóa dây chuyền sản xuất đã “thải ra” 3.000 nữ công nhân. Ở hầu hết các công ty sau khi nâng cấp, tự động hóa, lực lượng lao động công ty duy trì chỉ từ 100-200 công nhân lành nghề.
Những cảnh báo về 3,2 triệu người sẽ mất việc làm trong hai ngành may mặc và da giày hệ quả từ cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự diễn ra, trong đó đa số là phụ nữ từ tuổi 35.
Bà Phạm Chi Lan cho biết: “Những người phụ nữ mất việc sẽ đi đâu, về đâu trong mười, mười lăm năm tới? Số lượng người thất nghiệp tăng nhanh sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà tác động đến cả xã hội, an sinh. Từ cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam ồ ạt phát triển các ngành gia công và thu hút đông đảo lao động nữ, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng lao động bị đào thải nhiều như hiện nay. Đến lúc này, chúng ta mới bắt đầu tìm kiếm những ngành tạo việc làm và năng suất lao động tốt hơn, phải chăng là đã quá muộn?”…