Nhiều người quan niệm rằng cuộc sống ngắn ngủi, nếu không hạnh phúc trong hôn nhân, tốt nhất nên chia tay.
Đi cùng người bạn đồng hành trái tính trái nết một đoạn đời như thế là quá đủ, không nên tiếp tục cuộc hành trình chỉ thấy khổ đau, sống như thế còn gì là cuộc sống. Cha mẹ đã vậy, con cái chẳng thể hạnh phúc hơn. Theo họ, giải pháp chia tay sớm chính là đã nghĩ đến con cái, bởi cha mẹ kéo dài cuộc hôn nhân chỉ thấy toàn nước mắt và giằng xé nhau thì con cái cũng chẳng thể nào hạnh phúc được.
Tất nhiên, họ cũng biết rằng đó là giải pháp chẳng đặng đừng, chắc chắn con cái cũng bị ảnh hưởng, nhưng việc gì đến cũng sẽ hoặc đã đến. Con cái đành phải chấp nhận ở với cha thì không có mẹ, ở với mẹ thì không có cha, anh chị em có khi còn tan đàn xẻ nghé.
- Xem thêm: Những ngăn kéo cuộc đời
Cũng có người quan niệm, con cái có phần đời của con cái và cha hay mẹ cố gắng bù đắp vào chỗ thiếu hụt này. Tuy nhiên, nếu sau đó họ dấn thân thêm một vài bước nữa, hệ quả của “con anh, con em, con chúng ta” có thể xảy ra.
Vợ chồng kia là doanh nhân thành đạt, tuy tuổi cao nhưng vẫn tất bật suốt ngày dù con cái đã lớn. Nhiều cơ sở sản xuất nên vợ chồng phải chia nhau chạy hết nơi này đến nơi khác. Đoàn kiểm tra đến một cơ sở, không có người đại diện tiếp mặc dù con trai lớn của họ đang ở đấy. Hỏi ra mới biết, cậu này là “con em”.
Mẹ cậu và ông bố dượng dạng “rổ rá cạp lại”, gom chung tài sản làm ăn, hạp tuổi phất lên như diều. Vậy mà ông bà không dám giao cho một đứa con nào vì “con anh”, “con em” không ưa nhau. Ông cảnh giác con bà, bà cảnh giác con ông. Cuối cùng ông bà đều phải chờ “con chúng ta” lớn lên để giao cơ ngơi.
Cũng có gia đình như vậy nhưng chính người cha lại không ưng ý con mình bằng con riêng của vợ, hoặc bà mẹ tin tưởng con riêng của chồng hơn, có thể do tư cách đứa con này đàng hoàng hơn chẳng hạn. Mầm mống gây bất hòa trong gia đình từ việc thương ghét không rõ ràng có thể dẫn đến xung đột. Ngay đến với con ruột mà cha mẹ còn phải đau đầu trong xử lý tình huống nữa, huống hồ chỉ có mối quan hệ thông qua tình chồng – vợ của hai người lớn!
Trở lại chuyện anh con trai lớn của gia đình trên. Mối bất hòa giữa anh và cha dượng xuất phát từ việc anh không đồng ý cho mẹ đi bước nữa. Theo anh, tài sản riêng mà mẹ anh có được có bàn tay đóng góp của cha anh. Sau khi hai người ly hôn, cha anh đã phải ra đi với phần thiệt thòi hơn.
Cho dù bố dượng có tài sản nhiều hơn, anh cũng không thích mẹ mình mang tài sản riêng “về nhà chồng” như vậy mà đáng ra phải cho riêng anh. Bây giờ, gần như anh không có gì! Từ đó, anh bất hợp tác với bố dượng và làm mất lòng tin của mẹ.
Anh hỏi mẹ sao không cho mình một số ra vốn làm ăn riêng thì được trả lời rằng do bố dượng chưa tin tưởng. Điều này làm người con ngày càng bất mãn!
Tâm lý con người phức tạp ở chỗ, có những ông bố dượng thương yêu, lo lắng cho con riêng của vợ nhưng không được đáp lại, bởi đứa con mang mặc cảm là người chịu ơn và… bất hợp tác, khi ấy người mẹ sẽ đau khổ và đành chờ con mình nghĩ lại!
- Xem thêm: Liều thuốc thời gian
“Đồng tiền kiền khúc ruột” – tài sản thường là đầu mối xảy ra tranh chấp trong các mối quan hệ. Không ai có thể biết trước được những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời. Có người vấp ở cuộc hôn nhân đầu tiên, những tưởng tìm được bờ vai để dựa ở cuộc hôn nhân thứ hai nhưng lại hoàn toàn thất vọng.
Cũng không hiếm người lật trang sách mới hoàn toàn tốt đẹp. Và đa dạng ở chỗ, có những trang sách tốt đẹp với mẹ hay cha nhưng với những đứa con thì không thể!
Đời đa dạng còn bởi ảnh hưởng từ hoàn cảnh môi trường sống. Nhiều người buồn bã đổ lỗi cho số mệnh, để từ đó hiểu ra rằng, người ta khó quyết định được cuộc đời mình mà không nghĩ đến con cái và những hệ lụy về sau. Xem ra, bài toán cuộc đời đôi khi vẫn có thể giải sai một lần nữa nếu không biết nghĩ đến con cái là sự nối tiếp của cuộc đời!