Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, các nhà tiếp thị B2B (B2B marketers) cần bắt kịp xu hướng kỹ thuật số, AI và tự động hoá để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 buộc những nhà tiếp thị B2B phải điều chỉnh và kiểm tra lại các chiến lược của mình để tiếp cận những xu hướng mới nhất. Cùng Advertising Vietnam điểm qua 5 xu hướng tiếp thị B2B mà các marketer cần chú ý trong năm 2021.
1. Sự tăng tốc của kỹ thuật số
Đại dịch COVID-19 khiến việc tổ chức sự kiện không còn là lựa chọn phù hợp. Để thích ứng với điều đó, các marketer đã chuyển sang tổ chức sự kiện trực tuyến thông qua nền tảng tiếp thị kỹ thuật số.
Trước đây, tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) chỉ là một phần trong chiến lược marketing tổng thể. Nhưng ngày nay, đây lại là yếu tố chủ chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo khảo sát của The CMO Survey từ tháng 6/2020, 85% nhận thấy sự cởi mở của khách hàng đối với các dịch vụ kỹ thuật số được sử dụng trong đại dịch. 84% trong số đó nhận được nhiều giá trị gia tăng hơn nhờ vào trải nghiệm kỹ thuật số.
2. Tầm quan trọng của tiếp thị nội dung
Cùng với sự tăng tốc của kỹ thuật số, tiếp thị nội dung (content marketing) ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng.
Theo Statista, có đến 27,2% người dùng trên toàn thế giới xem hơn 10 giờ video trực tuyến hàng tuần. Đặc biệt là các video ngắn, đầy đủ thông tin và có thể đưa ra quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ. Ngoài video được quay sẵn, webinars (hội thảo qua internet) cũng được sử dụng rộng rãi trong đại dịch.
Thống kê từ Edison Research và Triton Digital cho biết, trong năm 2020, thời gian trung bình một người Mỹ từ 12 tuổi trở lên dành để nghe podcast tăng lên 6 giờ 39 phút.
Infographics, quizzes, khảo sát và nhiều nội dung tương tác khác giúp thương hiệu trở nên nổi bật hơn. Ngoài ra, sử dụng thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) có thể mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hình thức chữ viết vẫn rất quan trọng. B2B marketers có thể tiếp cận khách hàng qua email hoặc nội dung blog. Khi nội dung trực tuyến được sản xuất nhiều hơn, marketer cần đầu tư và chú trọng vào SEO và SEM, đặc biệt trong ba khía cạnh chính:
Tìm kiếm ngữ nghĩa (Semantic search) – Tìm kiếm tập trung vào ý nghĩa của các truy vấn tìm kiếm thay vì chỉ đơn giản là đối sánh từ khóa
Mục đích tìm kiếm (Search intent) – Mục tiêu chính của truy vấn tìm kiếm
Tìm kiếm bằng giọng nói (Voice search) – Sử dụng lệnh thoại cho truy vấn tìm kiếm
3. Tiếp thị và tự động hóa tiếp thị được hỗ trợ bởi AI
Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và tự động hoá tiếp thị (marketing automatic) giúp các marketer làm được nhiều việc hơn, tối ưu chi phí và mở rộng phạm vi tiếp cận nhanh chóng hơn. Công nghệ hỗ trợ các marketer nhắm mục tiêu, xác định phân khúc thị trường, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, phân tích dự đoán nhu cầu khách hàng và thậm chí tạo nội dung.
Statista cho biết, nhờ được áp dụng rộng rãi trong thế giới kinh doanh, thị trường phần mềm AI toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 54% sau mỗi năm và đạt doanh thu khoảng 22.6 tỷ đô la. Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng AI và tự động hóa để không bị đối thủ cạnh tranh bỏ lại phía sau.
4. Lấy khách hàng làm trọng tâm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Có thể nói, Covid-19 đã có tác động rất lớn trong việc thúc đẩy marketer thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, đó là chú trọng cung cấp cho họ nhiều thông tin và giải pháp hữu ích hơn là chỉ dừng lại ở bước tìm kiếm. Tạp chí Forbes nhận định, marketing trong thời buổi hiện nay còn là sự thấu cảm với trải nghiệm khách hàng và củng cố mối quan hệ lâu dài với họ.
Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho thấy marketer hiểu khách hàng của mình, cả những khó khăn lẫn những gì họ đang trải qua. Điều này có thể xây dựng dựa trên mối quan hệ kinh doanh hiện có thông qua marketing tập trung theo từng khách hàng cụ thể – Account Based Marketing.
5. Account Based Marketing (ABM) – Tiếp thị trung vào nhóm khách hàng cụ thể trở nên phổ biến hơn
ABM tập trung vào nỗ lực tiếp thị và thúc đẩy bán hàng cho một vài đối tượng cụ thể. Ưu điểm của nó là cho phép doanh nghiệp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng dễ dàng hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Theo nghiên cứu của Terminus vào năm 2019, 23% số marketer được hỏi cho biết họ không sử dụng ABM trong các chiến dịch marketing. Năm 2020, con số này đã giảm xuống còn 5,8%. Song hiện tại, vai trò của ABM đã được nhìn nhận đúng đắn nhờ khả năng giữ chân khách hàng hiệu quả, tạo ra sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa bộ phận tiếp thị và bán hàng để tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ khách hàng.