Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang đẩy nhanh sự bùng nổ công nghệ với tiềm năng nâng cao năng suất ở hầu như khắp thế giới, thúc đẩy tăng trưởng ở cả những nền kinh tế đã phát triển ở châu Âu và Mỹ.
Ở khu bếp của các nhà hàng, trong các nhà máy hay ở các trung tâm hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng sử dụng robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác mà về lý thuyết sẽ giải phóng người lao động khỏi các thao tác giản đơn để tập trung vào các công việc có giá trị cao.
Trong khi đó, điện toán đám mây và phần mềm họp trực tuyến đã cho phép vô số doanh nghiệp trên toàn cầu có thể cho nhân viên làm việc từ xa. Điều này đã giúp người lao động không bị mất khoảng thời gian đến văn phòng, nhờ đó mang lại lợi tức cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu được Viện Toàn cầu McKinsey công bố vào cuối tháng Ba cho thấy sự kết hợp của các xu hướng trên có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động ở Mỹ và Tây Âu khoảng một điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2024, hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng trước đại dịch. Điều này sẽ làm tăng GDP bình quân đầu người, trong khoảng từ 1.500 USD tại Tây Ban Nha đến 3.500 USD tại Mỹ.
Trong báo cáo công bố ngày 25-4, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs Group Inc. cũng ước tính sự phát triển của thương mại điện tử, số hóa lực lượng lao động và việc tái phân bổ nguồn nhân lực và vốn đầu tư khi các doanh nghiệp không có lợi nhuận giảm quy mô hoặc đóng cửa sẽ làm tăng năng suất tại Mỹ ít nhất 2% vào năm 2022 và con số này có thể đạt đến 7%.
Đó là những dự báo ấn tượng, nhất là khi so với trước đây. Theo nhà kinh tế Gene Kindberg-Hanlon của Ngân hàng Thế giới, quá trình phục hồi của các nền kinh tế sau các cuộc suy thoái và thiên tai thường đi cùng với tăng trưởng năng suất yếu trong nhiều năm.
Các đại dịch trước như Ebola và SARS đã để lại những tác động tiêu cực kéo dài đối với tăng trưởng năng suất, chủ yếu qua việc làm giảm đầu tư vốn, có nghĩa các doanh nghiệp không đầu tư cho thiết bị hay công nghệ thông tin để có thể giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn.
Sự đối nghịch đang đươc thấy trong đại dịch lần này. 3/4 trong gần 1.400 giám đốc điều hành tham gia khảo sát của McKinsey hồi tháng 12-2020 dự kiến đầu tư cho các công nghệ mới sẽ tăng tốc trong giai đoạn 2020-2024, so với với mức tăng 55% trong giai đoạn 2014-2019.
Theo khảo sát của tập đoàn ABB Ltd. của Thụy Sỹ với hơn 1.600 doanh nghiệp trên toàn cầu, cứ 10 địa điểm làm việc thì có 8 sẽ áp dụng hoặc tăng cường sử dụng robot và tự động hóa trong thập niên tới, với 85% cho rằng đại dịch đã tạo động lực thay đổi cho doanh nghiệp của họ.
Các nhà nghiên cứu tại Oxford Economics nhận định dự báo đưa ra năm 2019 cho rằng robot sẽ làm tăng GDP toàn cầu 5.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này có thể cần điều chỉnh tăng.