Dư luận và cộng đồng mạng vẫn đang tiếp tục thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với hãng hàng không Vietjet do sự cố người mẫu mặc bikini đón tiếp các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam trên chuyến bay từ Thường Châu (Trung Quốc) về Việt Nam sau khi kết thúc giải vô địch U23 châu Á 2018.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã quyết định phải lên tiếng một lần nữa cho dù trước đó ông nghĩ mình sẽ không viết thêm gì nữa vì những người có lòng tự trọng và bị xúc phạm trên cả nước đã, đang và tiếp tục lên tiếng về lời xin lỗi của Vietjet:
“Vietjet đã không xin lỗi một cách thành thật. Họ đổ lỗi cho một cá nhân diễn viên tham gia tiết mục múa đã tự ý rời vị trí quy định. Tôi được xem không đầy đủ các clip về hành vi của họ trên chuyến bay đưa U23 Việt Nam về nước nhưng cũng đủ để thấy những hành vi đó là vô văn hóa khi các cô gái ăn mặc bikini màu đỏ đi lại, bá vai quàng cổ huấn luyện viên và cầu thủ.
Việc đưa những cô gái như thế lên chuyến bay để đón những người hùng U23 của chúng ta về nước đã cho thấy “ý tưởng văn hóa” của những người tổ chức chuyến bay này đã được tính trước, nhưng sự thực đã cho thấy đó là “ý tưởng vô văn hóa”.
Tôi không thể hiểu nổi khi Vietjet nói “đáng tiếc hơn khi bị một số người trên chuyến bay chụp hình bằng điện thoại di động và đưa lên mạng xã hội”. Xin hãy nhớ rằng: Hành động đáng tiếc duy nhất mà phải nói chính xác hơn, đáng trách nhất là hành động quyết định đưa những cô gái ăn mặc như vậy lên chuyến bay của Vietjet.
Còn việc ai đó đưa những hình ảnh vô văn hóa đó lên là cần thiết. Bởi nếu không thì những trò vô văn hóa như thế sẽ có nguy cơ còn tiếp diễn ở một hình thức nào đó và ở đâu đó trong tương lai.
- Xem thêm: Chuyển sai thành đúng
Cách xin lỗi của Vietjet đã nói lên họ không xin lỗi gì cả. Đó là cách lẩn trốn trách nhiệm của họ trước cộng đồng. Họ đẩy một cô gái ra làm “bia đỡ đạn” cho họ trong khi nguồn gốc của các hành vi đó là từ chính lãnh đạo Vietjet. Các cô gái đó chỉ là những người “làm thuê” cho “ông/bà chủ” của VJA mà thôi.
Hãy tha thứ cho các cô gái, họ chỉ là người “làm thuê vô ý thức”. Cách xin lỗi của Vietjet có thể xem là gián tiếp xúc phạm những người lên tiếng về hành vi vô văn hóa.
Bởi vậy tôi cho rằng ai đã dùng từ “phản cảm” để nói về hành động đó xin hãy sửa lại và gọi đúng tên của hành vi này là “vô văn hóa”. Từ “phản cảm” chưa nói đúng bản chất của hành vi này. Và nếu ai đó không đồng ý với cách nhìn này thì xin xem lại nội dung thư xin lỗi của Vietjet”.
Nhà báo Trần Nguyên cho biết: “Tôi đọc đi đọc lại cái thư xin lỗi của chị Thảo, một người mà tôi từng rất nể về điều hành và xây dựng nên một doanh nghiệp thành công vang dội, được đăng chính thức trên các báo, cố gắng tìm cách biện minh cho chị, mà chẳng nghĩ ra được lý do gì hơn ngoài từ …‘hèn’”.
Tôi cứ nghĩ mãi về việc biến cái máy bay của chị thành “máy bay ôm”, có thể do nhiều lý do: văn hóa công ty chị xưa giờ nó vậy, nhân viên chị không đủ nhạy cảm, nhân viên chị vui mừng quá nên hóa rồ, hay là chị đang bù đầu những việc đại sự hơn nên mặc xác ai làm gì thì làm???
Tôi cũng lại cố nghĩ rằng nó là một tai nạn nghề nghiệp thôi, và thực ra chỉ lấy làm tiếc. Nhưng sao chị bản lĩnh đội đá vá trời là thế, sao lại không dám đứng ra nhận cái lỗi hai năm rõ mười ấy, mà lại đi chối, đổ tội cho mấy cô người mẫu tội nghiệp?
Viral Marketing – “con dao hai lưỡi”
Ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: “Với sự thăng hoa của bóng đá, chúng ta đoàn kết hơn, yêu thương nhau hơn và sống đẹp hơn. Chúng ta thậm chí là dễ bỏ qua những khác biệt, hay thậm chí là những vết hằn trong quá khứ. Nhưng tôi không nghĩ ta sẽ dễ chấp nhận những trò bẩn ăn theo.
Việc Vietjet sơn lại một chiếc máy bay nhân dịp chiến thắng là một hành động PR khá tốt. Nhưng việc chơi trò bikini show lần nữa trong máy bay thì lại không sạch chút nào. Họ muốn lợi dụng vai trò biểu tượng của U23 Việt Nam để một lần nữa mong được lan truyền miễn phí trong cộng đồng.
Nhưng họ quên mất rằng, cũng vì vai trò biểu tượng mà công chúng sẽ không bao giờ cho phép hình ảnh tuyệt vời đó bị lấm bẩn. Từ một hãng hàng không giá rẻ, Vietjet đã trở thành một hãng hàng không rẻ tiền sau hành động này!
Việc nữ tỉ phú đôla Nguyễn Thị Phương Thảo, tổng giám đốc công ty xin lỗi kiểu đổ vạ cho cô gái làm thuê lại càng thể hiện sự rẻ của mình. Chưa nói đến việc chiếc máy bay đó sơn logo của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Tôi thật băn khoăn…
Phân tích sự kiện khủng hoảng truyền thông của Vietjet, chuyên gia tư vấn thương hiệu Đỗ Hòa, CEO Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị cho rằng Viral Marketing chính là “con dao hai lưỡi”.
“Thủ thuật truyền thông marketing với nội dung thu hút sự chú ý cao (vì sự hữu dụng, độc đáo, khác thường, dung tục, phản cảm..) nhằm chủ đích gây hiệu ứng phát tán (viral marketing) là rất hiệu quả khi được sử dụng vào mục đích build brand awareness.
Người ta thường sử dụng viral marketing vào giai đoạn đầu của quá trình truyền thông, khi cần nhiều người biết đến, chú ý đến sản phẩm, dịch vụ, và tốc độ càng nhanh, độ phủ càng rộng thì càng tốt.
- Xem thêm: Khác biệt hay là… buzz
Tuy nhiên, viral marketing như kiểu Vietjet làm với đội tuyển U23 lần này lại là chuyện khác. Bởi dù cũng tạo ra hiệu ứng phát tán, nhưng thông điệp được phát tán không đơn giản là sự ngộ nghĩnh, độc lạ, vì sexy… mà thông điệp là “Vietjet đã tấn công vào hero, hạ bệ thần tượng của người tiêu dùng”.
Chính vì vậy mà chiến dịch viral marketing này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt, nhanh và lan tỏa rộng trong cộng đồng. Cũng là viral nhưng là viral tiêu cực, tức là hại nhiều hơn lợi.
Vậy yếu tố nào tạo nên sự khác biệt giữa các chiến dịch viral trước và lần này của VJA?
Các lần trước nội dung viral được chủ động sản xuất theo kịch bản trong môi trường có kiểm soát (khung cảnh, diễn viên, kịch bản…), thông tin được kiểm soát gần như tuyệt đối. Không có máy ảnh, camera lạ nào tại địa điểm quay. Nên chỉ có những hình ảnh đã qua xét duyệt cẩn thận mới được “leak” ra ngoài.
Còn lần này thì ngoài các cầu thủ U23 Việt Nam ra, trên máy bay còn có nhiều người khác mà Vietjet không kiểm soát được. Những người này ai cũng có ít nhất một chiếc smartphone và họ có quyền quay phim, chụp ảnh theo ý thích.
Chính vì vậy mà trong khi nội dung viral có kiểm soát Vietjet còn chưa kịp biên tập để tung ra, thì nội dung không kiểm soát được đã được phát tán ra trước.
Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai họa truyền thông”.