Trải qua bao thăng trầm, sự nhiệt huyết và không sợ thất bại đã mang lại cho nhà sáng lập Aquarius Vietnam Phua Koon Kee trái ngọt trong kinh doanh, đặc biệt là sự hài hòa giữa tầm nhìn quốc tế và văn hóa Việt.
Trong khi nhiều người Việt và trên thế giới mong muốn sang Singapore – đất nước có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất châu Á để bắt đầu hành trình kinh doanh của mình, thì Phua Koon Kee lại chọn Việt Nam để khởi nghiệp khi đã bước sang tuổi 43 và đang ở trên đỉnh cao danh vọng cả về công việc và tiền bạc.
Ông Phua Koon Kee tốt nghiệp Cử nhân Khoa học – Đại học Quốc gia Singapore, được Inchcape Berhad cử đến Việt Nam đầu năm 1992 lúc 27 tuổi, qua gần hai thập kỷ, với nhiều công việc và vai trò khác nhau như Giám đốc và quản lý cấp cao của American Standard Vietnam, ICI Paints Vietnam, Đình Quốc Glass… ông đã tạo nên sự khác biệt trong vai trò quản lý cấp cao trên nhiều lĩnh vực.
Trải qua bao thăng trầm, sự nhiệt huyết và không sợ thất bại đã mang lại cho ông trái ngọt trong kinh doanh, đặc biệt là sự hài hòa giữa tầm nhìn quốc tế và văn hóa Việt. Ông có khả năng nói tiếng Việt rất tốt, như ông hay đùa tiếng Việt là tiếng “mẹ vợ” của ông.
Năm 2008, ông Phua Koon Kee mới bắt đầu chính thức khởi nghiệp với Aquarius Vietnam.
Những tưởng với kinh nghiệm quản lý dày dạn ở nhiều tập đoàn lớn, Aquarius sẽ gặt hái được thành công nhanh chóng, tuy nhiên dự án khởi nghiệp đầu tiên của ông tại Việt Nam lại rơi vào thất bại.
Chia sẻ trong sự kiện Unlock yourself to reach, ông Phua Koon Kee cho biết, Aquarius – công ty khởi nghiệp đầu tiên của ông trong lĩnh vực báo cáo tài chính là một sự “thất bại nhẹ”.
Ông Phua Koon Kee kể: “Năm 2003 – 2004, khi thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam bắt đầu sôi động, tôi đã có ý định bỏ ra làm riêng nhưng do ngại mạo hiểm và các ông chủ thì liên tục tăng lương nên cứ do dự mãi.
Năm 2008, khi tôi hạ đủ quyết tâm để làm riêng thì thị trường chứng khoán lẫn bất động sản lại bắt đầu lắng xuống nên buộc phải chuyển hướng sang ngành dịch vụ báo cáo tài chính. Tuy nhiên, đây lại là một quyết định thiếu sáng suốt của tôi do không nghiên cứu kỹ thị trường Việt, cứ nghĩ nó cũng giống Singapore.
Lúc đó, ở Singapore, một công ty có 3 báo cáo quý và một báo cáo thường niên trong 1 năm, trong khi đó tại Việt Nam, một công ty mỗi năm chỉ có 1 lần báo cáo, do đó công ty Aquarius một năm chỉ làm việc có 3 tháng. Chỉ trong mấy năm, Aquarius đã tiêu gần hết tiền tôi tích cóp được trong suốt 15 năm đi làm thuê. Ở thời điểm cảm thấy sắp không thể kiên trì nữa, đã từng có lúc tôi định quay về làm thuê nhưng sau đó lại đổi ý với quyết tâm “làm lại hoặc chết”.
Dự án – ý tưởng khởi nghiệp có thể thất bại nhưng bản thân mình không thể thất bại, với suy nghĩ đó, ông vẫn giữ cái tên Aquarius cho công ty của mình nhưng bán hết mảng dịch vụ báo cáo tài chính cho các cổ đông, chuyển sang mảng dịch vụ truyền thông (media solution) khi nhận thấy các công ty Việt Nam chỉ có công cụ truyền thông để quảng bá trong thị trường Việt Nam chứ chưa có tại thị trường ASEAN và thế giới.
Lần này, sự lựa chọn của doanh nhân người Singapore đã chính xác khi Aquarius Vietnam dần trở thành thế lực mới trong lĩnh vực dịch vụ truyền thông. Chỉ sau mấy năm, Aquarius Vietnam đã trở thành đại lý cho các hãng truyền thông lớn của thế giới như Discovery Networks, The New York Times, Sony Pictures Television, CJ Media, Channel New Asia…
Năm 2016, Aquarius hợp tác với K+, bắt đầu một thời kỳ phát triển rực rỡ khi doanh số tăng trưởng 400% trong 2 năm liên tiếp. Hiện tại, Aquarius đang là đối tác đại lý lớn nhất trong 20 đối tác của K+.
Tuy nhiên, giữa lúc ông Phua Koon Kee và công ty đang phát triển và có một vài thành tựu nhất định thì Facebook xuất hiện với thông tin Facebook đã đấu giá thành công bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa sắp tới vào tháng 7/2018.
Thông tin này khiến ông gần như choáng váng, dù cho tới thời điểm này, Facebook vẫn còn đang trong thời gian đàm phán hợp đồng chính thức với ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh nhưng trong tương lai, chắc chắn thương vụ này sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của Aquarius Vietnam.
Do đó, để không bị động trước thời cuộc cũng như phụ thuộc vào các nhà đài, ông lại một lần nữa khởi nghiệp với AQsport – tập trung vào marketing thể thao, phục vụ các nhà đài, câu lạc bộ, đơn vị quảng cáo, hợp tác trực tiếp với các đối tác ở các nước châu Âu như giải La Liga, Ngoại hạng Anh.
Sau 10 năm với ba lần khởi nghiệp, có cả thất bại và thành công, ông Phua Koon Kee đã rút ra nhiều bài học cho mình và cho giới khởi nghiệp:
Thứ nhất là phải biết tìm cơ hội: Nhưng tìm cơ hội như thế nào và ở đâu, tất nhiên là bạn không thể tìm thấy cơ hội ở trong nhà mà phải ra ngoài kia, đi tới những sự kiện – event, gặp gỡ mọi người, chạm vào những công nghệ tiên tiến nhất thì chúng ta mới có thể bật ra được các ý tưởng. Hiện tại, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc là 3 nước có nhiều cơ hội khởi nghiệp nhất nhì châu Á.
Vậy cơ hội nào mới thực sự là cơ hội? Cơ hội thật sự là những dịch vụ – sản phẩm mang lại nhiều giá trị cho người dùng và có thể mở rộng. Công ty startup đầu tiên của ông Phua Koon Kee về dịch vụ báo cáo tài chính là một ví dụ, ở thời điểm đó, nó chỉ có tính chất thời vụ không thể mở rộng nên đã thất bại.
Một câu hỏi nữa là khi nào chúng ta mới có thể khởi nghiệp? Chúng ta chỉ khởi nghiệp khi nào đủ can đảm, sẵn sàng đón nhận khả năng thất bại tới 90%, đủ ý chí quyết tâm làm tới cùng.
Tuy nhiên, cũng đừng quá nhút nhát bỏ qua cơ hội “bằng vàng” như ông Phua Koon Kee đã từng bỏ qua trong những năm 2003 – 2004, bởi như ông tiết lộ, nếu dũng cảm hơn, có lẽ ông đã thành công sớm hơn, trong một lĩnh vực khác chứ không phải là truyền thông.