Tự nhiên đứa con gái đang học đến năm thứ ba bậc đại học quay ra ghét nhà trường mình kinh khủng và lẳng lặng bỏ học cả tháng trời. Thật là cú đòn choáng váng với cha mẹ.
Họ nghĩ: “Mình có ép con đâu. Tự đi theo cái ngành thiết kế thời trang này đó chứ!”. Cái hồi cô gái chọn ngành để thi vào, cha mẹ cô đã không mấy ưng ý rồi. Cái nghề phải lao theo sự ăn chơi sang trọng, phập phù, theo đuổi sự đổi thay như chong chóng, lại phải xa hoa. Nghèo khổ thì đừng hòng theo đuổi được mốt.
Cha mẹ cô xem các tạp chí đầy các người mẫu chân dài khoe quần áo giày dép với túi xách, đã thấy không ưng rồi. Nhưng dù sao đó cũng là một nghề sáng tạo của thời đại hẳn hoi, nếu thành công cũng phải giỏi giang lắm. Thế nên đành chiều theo ý con. Rồi cũng đầu tư tiền bạc, chiều chuộng chăm sóc. Cô con gái được một mình một phòng. Sắm đủ máy may, máy chụp hình xịn cho cô thỉnh thoảng đi chụp các bộ sưu tập thời trang.
Thế mà học đến năm thứ ba, leo cây sắp đến ngày hái quả, thì cô bỏ ngang, không hỏi bố mẹ lấy một lời. Lý do đưa ra là: “Trường chẳng ra gì, giáo viên kém cỏi, trù ẻo học sinh, trong đám bạn bè thì có những đứa cạnh tranh không lành mạnh, đua nhau cái áo cái quần. Nói xấu, bình phẩm hình thức, ghét nhau lắm (chẳng trách có tình trạng nữ sinh đánh nhau quay clip phát lên mạng làm nhục nhau)”. Các bà mẹ nhìn lũ choai choai ăn mặc không giống ai, đầu tóc, son môi đủ kiểu mà những “miệng hoa da phấn” ấy cong cớn chửi bới đánh xé nhau, chỉ biết chép miệng: Vô phúc cho đứa con trai nào vớ phải mấy mẹ phù thủy này về làm vợ.
- Xem thêm: Dạy con gái
Thành ra, khi cô con gái phê phán tình trạng này, lấy đó làm lý do bỏ học, thì cha mẹ đâm ra bí lý lẽ. Khuyên con phải cố khắc phục tình hình để tốt nghiệp lấy bằng rồi ra đời làm việc, chứ có ăn đời ở kiếp nơi trường học đâu, thì cô gái hỏi ngược lại: “Vậy ra là bố mẹ chỉ cần bằng cấp thôi chứ gì!”. Rồi cô lôi ra chuyện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, nạn bằng cấp, học sinh lười học, không chịu suy nghĩ, hỏi gì cũng không biết…
Cha mẹ cô hỏi con có biết xót xa tiền của cha mẹ làm ăn gian khổ để đầu tư không, cô gái trả lời rằng nếu đừng quá để ý vào mảnh bằng, mà xem những năm học ấy là những “trải nghiệm” thì có gì vô ích đâu. Bà mẹ than với bạn bè rằng con mình học hành không biết tới đâu nhưng lý lẽ thì ghê lắm. Nào là dẫn ra cả ông Bill Gates đâu đã có bằng đại học mà vẫn thành đạt nhất thế giới, nào là có phải ai đi làm ăn buôn bán giàu có đầy đường cũng phải học đại học cả đâu…
- Xem thêm: Bà Vanga nói đúng…
Thế rồi lấy gì sống? Cô gái nói sẽ xoay sang đi học nghề làm PR, theo cô, là một nghề “hot”, sẽ được nổi bật trong các buổi tiệc tùng, sự kiện. Ngoài ra, còn luôn ăn mặc đẹp, giao tiếp với quan chức và báo giới, đứng ra tổ chức triển lãm, thi thiết kế các poster, các trang web, làm MC, tổ chức các sản phẩm truyền thông… Vừa sang trọng, vừa năng động lại có nhiều tiền.
Giống nghề làm báo nhưng chẳng dại gì theo nghề phóng viên. Phóng viên phải lặn ngụp lâu mới giỏi nghề được, còn PR là việc dễ nổi nếu khôn ngoan nhanh nhẹn. Phóng viên phải có mặt ở nơi nguy hiểm, chiến tranh, dễ chết lắm… Cứ thế, cô gái lại mơ đến một nghề mới. Cha mẹ cho cô biết rằng muốn làm PR thì phải học nhiều thứ lắm, phải có nhiều kiến thức chứ đâu chỉ đẹp và ăn mặc model là nổi bật đâu.
Cô ấy bỏ ngoài tai. Thế hệ của cô bận tâm đến ngoại hình, xây dựng diện mạo, dùng vật chất để diễn tả bản thân. Khi nêu cho cô các gương người trẻ tuổi nỗ lực vượt khó, tham gia vào sự thay đổi tích cực của xã hội như đi làm từ thiện, dạy trẻ em nghèo mù chữ, đến với người già… thì cô nói: “Được thôi! Mỗi người có một lý tưởng khác nhau. Ai tốt thì cứ tốt đi, nên sống đúng với bản thân mình…”.
Bố mẹ cô gái cảm thấy con khác xa thế hệ của mình. Họ bi quan cho rằng con cái bây giờ sống ở môi trường kỹ thuật rất cao mà lý tưởng rất thấp, có một khoảng trống văn hóa. Hình như bây giờ người ta tranh đấu một cách bản năng, giành giật mọi thứ với sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại. Những mối lo nghĩ này của bố mẹ, cô con gái cho là “chuyện trên trời”. Thế hệ các cô có lối sống, ứng xử với niềm tin riêng.
- Xem thêm: Vợ con thông minh, khổ thật!
Các cô gái chưa xây dựng gia đình, chưa có đời sống tự lực. Mọi việc vẫn phải nhờ bố mẹ, có khi miếng ăn giấc ngủ còn phải dựa vào sự phục vụ của mẹ. Ấy vậy nhưng ý thức và ứng xử thì các cô lại “độc lập” quá sớm. Nhiều cô chưa làm được gì đã coi thường, không trân trọng sức lao động của cha mẹ. Ngay cả khi vẫn ngửa tay xin tiền (mà tiêu rất… bạo) thì các cô vẫn xem cha mẹ là cổ hủ “không biết gì về thế hệ trẻ”! Liệu các bậc cha mẹ có thể trông chờ gì ở những cô con gái như thế không?