Sau SEA Games 22 lại đến Para Games lần II, ông Hoàng Vĩnh Giang vẫn chưa có được thời gian ngơi nghỉ. Khách sạn DAEWOO vẫn là đại bản doanh của nhà cầm quân thể thao này. Không có thời gian để ăn trưa và chuyện trò, chúng tôi được ông dành cho một khoảng thời gian gặp gỡ ngắn trong buổi trà chiều trước khi ông lại quay vào buổi tiệc với trưởng đoàn thể thao các nước tham dự Para Games.
Buổi trò chuyện bị gián đoạn nhiều bởi những cuộc điện thoại xin ý kiến chỉ đạo công việc. Trả lời gấp gáp mọi vấn đề, nhưng ông tỏ ra là người có phong cách dễ gần, gây nhiều hứng thú cho người cùng trò chuyện. Ông ngồi xuống và: “Chúng ta vào vấn đề nhé! Nhưng lần này chỉ những gì liên quan đến thể thao thôi”.
____
Trước hết, xin chúc mừng ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại SEA Games.
Vâng, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc trong niềm vui chung của mọi người về SEA Games 22.
____
Thế gia đình ông đón SEA Games thế nào?
Chúng tôi cũng hồi hộp chờ đợi và cũng vui mừng với thành công của thể thao Việt Nam. Có lẽ gia đình tôi có vui hơn vì đội nhảy cầu của vợ tôi cũng đóng góp vào thành tích chung hai HCV (vợ ông là HLV Ngọc Lan).
____
Thưa ông, qua sự thành công của SEA Games 22, ông muốn nói gì với mọi người?
À, có lẽ tôi sẽ nói như thế này. Trong khu vực châu Á, chúng ta đã có những con rồng về kinh tế. Còn trong thể thao, qua SEA Games này tôi muốn nói rằng Việt Nam chúng ta đang và sẽ trở thành rồng. Chúng ta mong muốn điều ấy và chúng ta sẽ kiên quyết đạt được.
____
Nhưng chúng ta cũng cần dành thời gian nhìn lại thật kỹ những gì chúng ta vừa đạt được và chưa được để chuẩn bị cho tương lai. Ông nghĩ gì về mục tiêu sắp tới?
Nếu đích ngắm là SEA Games 23 thì tôi nói thế này. Có thể trong lần tới ở Philippines chúng ta không dẫn đầu bảng tổng sắp vì còn phụ thuộc rất lớn vào sự bố trí môn thi đấu của nước chủ nhà, vào trọng tài và luật lệ thi đấu; nhưng tôi chắc rằng trong ba ứng cứ viên cho ngôi đầu bảng vẫn có tên Việt Nam. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở mỗi sân chơi SEA Games.
____
Có người nói rằng ông Giang là một nhà cầm quân thể thao phong cách rất hiện đại nhưng xét trên khía cạnh khác lại là nhà giáo dục rất tuân thủ mấy nguyên tắc của ông bà ta thời xưa. Tại sao người ta nói thế?
Là vì tôi hay dẫn dụ những câu xưa vào sự nghiệp đào tạo vận động viên đỉnh cao của mình. Này nhé, ông bà ta nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Vậy thì muốn có trò hay phải quyết đi tìm thầy giỏi cho bằng được dù có phải đầu tư tốn kém. Rồi lại nữa, cũng ông bà ta nói: “Học thầy không tày học bạn”. Một khi đã tìm được thầy hay để học còn phải có bạn giỏi để rèn luyện nữa chứ. Vận động viên thể thao lại càng không thể học chay với riêng thầy vì một thầy dù hay cỡ nào, nếu không có bạn giỏi để cùng tập luyện thực tế những điều thầy dạy thì đâu thể giỏi được.
Chúng ta không chỉ dừng lại ở mỗi sân chơi SEA Games.
____
Nhưng dường như ông chỉ tìm thầy và tìm trường ở mỗi Trung Quốc mà thôi.
Trước hết là vì Trung Quốc với ta gần nhau, địa lý, phong thổ, văn hóa có những nét tương đồng để các vận động viên của chúng ta dễ hội nhập. Thứ hai vì giá rẻ. Thứ ba vì tại Trung Quốc không những có thầy hay mà còn có những trò giỏi cỡ đẳng cấp quốc tế để vận động viên ta có điều kiện cọ xát.
Lại xét về khía cạnh giáo dục và đào tạo. Đành rằng để có một trò giỏi thì phải tìm đến thầy hay bạn giỏi nhưng đó chưa phải là tất cả. Nên nhớ, để chuẩn bị cho SEA Games 19 tại Chiang Mai, Thái Lan cũng đã từng mời đến hơn 100 huấn luyện viên và chuyên gia cấp cao từ Trung Quốc sang để dạy wushu, cầu mây, cầu lông… nhưng họ đã không đạt kết quả như mong muốn. Vấn đề là đã tìm được thầy hay còn phải có một người đứng ra bàn bạc với thầy về vấn đề chuyên môn, tập luyện. Và ông Giang làm được điều ấy. Ông là một trong số rất ít quan chức thể thao thông thạo nhiều ngoại ngữ, lại giỏi chuyên môn – những yếu tố cần thiết trong một cuộc đàm phán với các đối tác ngoại quốc.
Không thầy đố mày làm nên. Muốn có trò hay phải quyết đi tìm thầy giỏi cho bằng được dù có phải đầu tư tốn kém.
____
Năm 1981, ông về nước sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Dùng tiền cá nhân ông mua trang thiết bị, “âm mưu” phát triển môn đấu kiếm. Tuy nhiên, sau 10 năm cũng không phát triển được. Nếu dùng tiền đó mua nhà có lẽ bây giờ ông cũng có ba căn nhà mặt phố Hà Nội. Ông có nghĩ mình làm thể thao kiểu lãng mạn quá không?
Tôi không tiếc chuyện nhà cửa mà chỉ kể thêm về chuyện này thôi. Muốn có tiền để mua trang thiết bị tập luyện kiếm nên đã nhận tập luyện môn võ Vịnh Xuân cho các bạn học cùng trường bên Nga. Tôi tập luyện mà đâu có giỏi về môn ấy. Tôi phải thường xuyên chịu những cú đấm nặng hàng trăm cân của các võ sĩ từng vô địch châu Phi, từng có đẳng cấp cao về karate. Và thế là ảnh hưởng đến thể chất và thần kinh. Tôi bị suy sụp và phải vào viện điều trị gần nửa năm. Còn nhớ năm ấy là Olympic 1980, tôi nằm xem truyền hình, khi nhìn chú gấu Misa bay lên là tôi bắt đầu thiếp đi bất tỉnh. Khi tôi tỉnh lại, bạn bè nghĩ tôi không qua khỏi nên đưa giấy bút bảo tôi viết di chúc những gì muốn nói, những gì còn để lại. Ham muốn đến độ đánh đổi cả cuộc sống của mình thì gọi tôi là liều mạng thì đúng hơn chứ.
____
Nhưng tại sao ông lại chỉ lo cho kiếm mà không phải môn khác?
Những năm ấy, các hình thức thi đấu đối kháng chưa được chấp nhận ở Việt Nam. Tôi muốn dùng môn kiếm để thuyết phục các vị lãnh đạo. Cũng là thi đấu đối kháng nhưng kiếm dễ thuyết phục từ hình thức bên ngoài đến cách tiến hành thi đấu… đều xem ra rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, từ kiếm mà thành công rồi thì sẽ thuyết phục đến các môn võ đối kháng.
____
Và cũng vì môn kiếm mà ông đã đổ cả máu nữa, đúng không?
Vâng. Trong một lần tập luyện liễu kiếm tại sân tập Quần Ngựa, tôi và vận động viên Cao Oanh (là cháu của nghệ sĩ Trà Giang) đấu. Đường kiếm của anh ấy khá mạnh đã đâm trúng mặt nạ, làm mặt nạ móp lại và đụng vào đầu chân mày của tôi. Lần ấy tôi bị mất cả bát máu nhưng vẫn còn may là có mặt nạ.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây, người ta dùng nhiều cụm từ để nói về ông Hoàng Vĩnh Giang, nào là “một nhà chiến lược”, “một con người biết nhìn xa trông rộng”, “nhà kiến thiết thể thao”… Quả thật, thể thao Hà Nội và ông đã làm được những điều lớn lao. Những điều đó không phải là hoàn toàn do may mắn mà nhờ có một chiến lược dài hơi từ đầu những năm 1990. Đó là chiến lược đầu tư cho thể thao đỉnh cao.
____
Thưa ông, có người cho rằng trong chiến lược dài hơi nhằm xây dựng một nền thể thao mạnh thì không thể chỉ dựa vào việc tập trung tạo ra những vận động viên đỉnh cao.
Có lẽ đó là quan điểm đã cũ. Tôi cho rằng thể thao Việt Nam muốn được thế giới biết đến thì chỉ có con đường “đi tắt đón đầu”. Chúng ta phát triển những môn thể thao có thể nhanh chóng tiếp cận thành tích châu lục theo mô hình mới. Cùng lúc, chúng ta tạo sân chơi phong phú cho thể thao phong trào.
____
Vậy mô hình mới mà ông vừa đề cập cụ thể như thế nào?
Có thể so sánh này không khỏi khập khiễng nhưng dễ hình dung hơn. Tôi gọi mô hình cũ là mô hình hình tháp còn mô hình mới là mô hình hình nấm. Mô hình cũ cần chân đế rộng, lực lượng tuy đông nhưng không tách bạch được phong trào và đỉnh cao. Càng lên cao lực lượng càng thu nhỏ lại. Còn mô hình mới tập trung đầu tư như hình trụ rồi từ đó nở ra các nhánh trên cao. Có thể cách thức tiến hành khác nhau nhưng vẫn phản ánh đúng quan hệ hữu cơ giữa thể thao đỉnh cao và thể thao phong trào. Đó là lấy phong trào thúc đẩy đỉnh cao và lấy đỉnh cao để dấy lên phong trào. Lấy ví dụ như môn pencát silát, từ đầu chúng tôi chỉ tập trung vào vài vận động viên đỉnh cao nhưng nay thì phong trào đã lan rộng khắp cả nước với rất đông đảo người tham gia.
Lấy phong trào thúc đẩy đỉnh cao và lấy đỉnh cao để dấy lên phong trào.
____
Thưa ông, nhưng cái đế của hình trụ đó chúng ta dựa vào đâu?
Dựa vào tuyển chọn bằng khoa học kỹ thuật. Người ta cứ nghĩ cứ phát triển rộng phong trào rồi tuyển lấy người giỏi. Thời gian vừa qua, chúng ta đã làm như thế và đã có những nhân tài xuất hiện. Nhưng thử hỏi nhân tài được phát hiện từ phong trào, được những ông thầy không giỏi chuyên môn huấn luyện thì rốt cuộc chúng ta cũng có giỏi nhưng đó là cái giỏi của người tàn tật trong thể thao đỉnh cao. Có những môn thể thao như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, nhảy cầu… qua bảy tuổi đã là già thì làm sao chờ phong trào để phát hiện. Phải dùng khoa học kỹ thuật để chụp xương, đo tuổi xương để biết tầm vóc của vận động viên. Rồi tiếp theo là cho đi tập huấn tập trung. Tài năng thể thao đỉnh cao bắt buộc phải khổ luyện từ lúc còn nhỏ, công phu kiểu như luyện linh đơn của Thái thượng lão quân chứ đâu đơn giản.
Chính nhờ suy nghĩ xa như thế mà Hà Nội đã có những bước đi đầu thành công, thể hiện qua SEA Games vừa rồi. Ông Giang nhấn mạnh chúng ta không thiếu tiền cho thể thao nhưng vấn đề là phải biết dùng tiền cho đúng, cho hiệu quả. Những ngày sau SEA Games, tình cờ chúng tôi có cuộc gặp gỡ với Kiều Phương Hải – người chịu trách nhiệm mảng âm thanh ánh sáng cho lễ khai mạc và bế mạc SEA Games vừa qua. Trong cuộc chuyện trò, anh Hải cho biết: Trong một lần vào TP.HCM, ông Giang có gặp anh và nói muốn có một lễ khai mạc hoành tráng, khác với những lễ khai mạc thường thấy ở Việt Nam trước đây. Lúc ấy, chính ông cũng chưa hình dung ra được cái khác cụ thể như thế nào. Khi anh Hải trình bày phương án dùng ánh sáng trong trình diễn, ông Giang đã “nhìn ra vấn đề”. Từ “nhìn ra vấn đề”, ông đã dám quyết và can thiệp để phương án dùng âm thanh ánh sáng hiện đại được thực hiện. Kết quả, chúng ta có một cuộc trình diễn thật hoành tráng và vô cùng ngoạn mục với ánh sáng laser, màn hình nước, dù bay khiến bạn bè quốc tế phải trầm trồ. Điều đáng nói hơn nữa là chi phí tiết kiệm hơn so với phương án dùng người để xếp hình như kiểu cũ.
Những người quen nhận xét ông Giang là người rất “máu”, nói mạnh và đã nói là quyết làm cho bằng được. Ông là người thuyết phục được lãnh đạo để xin tiền và sử dụng đồng tiền rất “đắt”. Nếu coi thể dục thể thao Hà Nội là một doanh nghiệp, thì ông Giang là doanh nhân làm ăn giỏi vì ông có chiến lược kinh doanh dài hơi, có cung cách quản lý hiện đại, biết kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp của mình, sử dụng đồng vốn có hiệu quả để thu lại những sản phẩm quý hơn vàng mười.
Trong cuộc gặp ngắn ngủi, mặc dù cố gắng nhưng chúng tôi quả thật đã không thể lái câu chuyện theo hướng khác ngoài thể thao. Những cuộc điện thoại vẫn gọi đến liên tục. Không thể không thông cảm cho ông vì dường như Para Games và những trọng trách vẫn còn đè nặng lên vai. Ông hẹn chúng tôi lại một dịp khác với câu chuyện dài hơn về đời thường, có nhiều chi tiết thú vị theo như những người quen của ông nhận xét.
____
Thưa ông, sau Para Games ông sẽ cho phép mình có một kỳ nghỉ ngơi để lấy lại sức chứ?
Sau Para Games, ông Hoàng Quốc Triệu sẽ tổ chức một chuyến đi Trung Quốc. Chúng tôi muốn đến các địa phương nơi vận động viên chúng ta đã sang học tập để nói lời cảm ơn với bạn bè.
____
Như vậy vẫn lại là thể thao?
Vâng, vẫn lại là công việc của thể thao.
____
Xin cảm ơn ông và chúc ông có thêm nhiều thành công mới với thể thao!